Vai trò của sách tại Nhật: Thêm thư viện giúp giảm nhu cầu điều dưỡng

Các nhà nghiên cứu tại Nhật Bản đã phát hiện ra rằng một thành phố càng có nhiều thư viện công cộng thì càng ít cư dân cần được chăm sóc điều dưỡng dài hạn, theo tờ Mainichi Shimbun.

 Ảnh: Mainichi Shimbun

Ảnh: Mainichi Shimbun

Nghiên cứu mới của Koryu Sato, giảng viên tại Khoa Quản lý Chính sách thuộc Đại học Keio và Saeko Otani, đến từ Khoa Y của Đại học Kyoto, đã tiết lộ mối quan hệ giữa sách và đời sống tin thần của người lớn tuổi.

Được công bố trên tạp chí y khoa SSM - Population Health số ra tháng 3, hai nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ Nghiên cứu đánh giá lão khoa Nhật Bản, một trong những cuộc khảo sát lớn nhất về người cao tuổi ở Nhật Bản.

Nghiên cứu đã phân tích dữ liệu về 73.138 người khỏe mạnh ở độ tuổi 65 trở lên, sống tại 19 thành phố, từ năm 2013 đến 2021. Trong giai đoạn này, 16.336 cá nhân (22,3%) được biết là cần được chăm sóc điều dưỡng dài hạn.

Sato và Otani đã kiểm tra số lượng sách trong thư viện công cộng tại 19 thành phố này và phân tích mối quan hệ của chúng với số lượng chứng nhận về việc người cao tuổi cần được chăm sóc dài hạn.

Nhiều sách hơn, giảm nhu cầu chăm sóc điều dưỡng?

Theo đó, các thành phố có lượng sách/người cao hơn sẽ có số lượng chứng nhận cần chăm sóc điều dưỡng giảm đi. Mỗi cuốn sách/người được thêm vào tại một thư viện, địa phương đó giảm được 4% số giấy chứng nhận.

Theo số liệu thống kê của các thư viện công cộng Nhật Bản năm 2024, trung bình toàn quốc là khoảng 3,7 cuốn sách/người. Nhưng riêng tại 23 phường đặc biệt của Tokyo, con số này dao động từ khoảng 2-8 cuốn, trong đó phường Chiyoda có số lượng sách nhiều nhất.

Sato cho biết: "Điều chúng tôi tìm thấy chỉ là mối tương quan, không phải là mối quan hệ nhân quả chặt chẽ, vì vậy chúng tôi không thể khẳng định chắc chắn rằng 'việc tăng số lượng sách thư viện sẽ làm giảm chứng chỉ chăm sóc dài hạn'. Tuy nhiên, sau khi loại bỏ ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau thì mối tương quan giữa chúng vẫn rất rõ ràng".

 Là một nước có dân số già, Nhật Bản có một số lượng lớn người cao tuổi cần được chăm sóc. Ảnh: FT.

Là một nước có dân số già, Nhật Bản có một số lượng lớn người cao tuổi cần được chăm sóc. Ảnh: FT.

Ngoài việc chứng minh mối tương quan đáng kể giữa số lượng sách tại thư viện và nhu cầu chăm sóc dài hạn ở những người có thói quen đọc sách đã hình thành, nghiên cứu cũng cho thấy mối tương quan giữa số lượng sách và những người không đọc sách.

Ngay cả những người không đọc sách thì việc sống ở một thành phố có nhiều sách tại thư viện cũng có thể kéo dài tuổi thọ khỏe mạnh.

Tại sao sách tại thư viện có lợi cho sức khỏe của người cao tuổi?

Sato chia sẻ: "Tôi nghĩ rằng số lượng sách cho thấy sự phong phú nội dung của thư viện. Có một thư viện đa dạng sẽ mang lại lợi ích về mặt thể chất, nhận thức và tham gia xã hội của cộng đồng".

Ông nói thêm: "Một là tác động về mặt thể chất. Đến thư viện thay vì đọc sách ở nhà sẽ có lợi cho sức khỏe. Các nghiên cứu trước đây cho thấy ngồi lâu có hại cho sức khỏe và ngay cả khi không tập thể dục, việc đi bộ nhẹ nhàng cũng có lợi cho sức khỏe".

Lợi ích thứ hai là chức năng nhận thức. Sato giải thích, "bản thân việc đọc là quá trình rèn luyện trí não, và không giống như việc đọc thông thường, đến thư viện mang đến những cuộc gặp gỡ bất ngờ với sách và mở rộng thêm kiến thức. Các sự kiện của thư viện cũng có thể kích thích sự tò mò về mặt trí tuệ".

Lợi ích thứ ba là sự tham gia xã hội. Sato lưu ý, "tham gia các hoạt động thường xuyên giúp duy trì chức năng nhận thức và giảm tỷ lệ tử vong. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cũng đang tập trung vào 'những khu vực cộng đồng', nơi người cao tuổi có thể tham gia nhiều hoạt động để ngăn ngừa sự suy giảm sức khỏe.

Một bộ sưu tập sách lớn cũng cho thấy thư viện có không gian lớn và có thể đóng vai trò là trung tâm cho các hoạt động cộng đồng. Thư viện cũng có hệ thống sưởi ấm và làm mát. Điều này có khả năng thu hẹp khoảng cách về kinh tế và môi trường sống cho người cao tuổi".

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://znews.vn/vai-tro-cua-sach-tai-nhat-them-thu-vien-giup-giam-nhu-cau-dieu-duong-post1563594.html
Zalo