Vai trò của các khu phát triển kinh tế trong cải cách, mở cửa của Trung Quốc
Ngày nay, mạng lưới các khu phát triển kinh tế trong cải cách, mở cửa của Trung Quốc đã mở rộng lên 232 khu, trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển của Trung Quốc.
Theo Tân Hoa xã, trong những năm đầu tiên của hành trình cải cách và mở cửa của Trung Quốc hơn bốn thập kỷ trước, 14 khu phát triển kinh tế và công nghệ cấp quốc gia đầu tiên đã được thành lập tại 12 thành phố ven biển. Ngày nay, mạng lưới này đã mở rộng lên 232 khu trên khắp Trung Quốc, trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển của Trung Quốc.
Tại Bàn tròn Kinh tế Trung Quốc, một chương trình talk show (trò chuyện) do Tân Hoa xã tổ chức, trao đổi về vai trò của các khu phát triển kinh tế này trong việc định hình giai đoạn tiếp theo của Trung Quốc về mở cửa tiêu chuẩn cao, đi sâu cải cách và phát triển chất lượng cao, quan chức Cơ quan đầu tư nước ngoài của Bộ Thương mại Trung Quốc, Ji Xiaofeng, cho biết, các khu phát triển kinh tế quốc gia không chỉ là những trung tâm kinh tế mà còn là cửa sổ quan trọng cho sự tham gia toàn cầu. Đặc biệt, các khu vực này là nơi có hơn 60.000 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và khoảng 99.000 công ty tham gia vào hoạt động ngoại thương.
Chỉ riêng năm 2024, các khu phát triển kinh tế quốc gia chiếm khoảng một phần tư khối lượng đầu tư và thương mại nước ngoài được sử dụng của Trung Quốc. Tổng cộng, các khu này đã tạo ra 16.900 tỷ nhân dân tệ (2.360 tỷ USD) GDP khu vực và là nơi đặt trụ sở của hơn 4,9 triệu thực thể thị trường, bao gồm 73.000 doanh nghiệp công nghiệp lớn và 85.000 công ty công nghệ cao.
Tuy nhiên, quan chức Ji Xiaofeng cho rằng các khu vực này cần cải thiện và đổi mới hơn nữa trong những lĩnh vực từ định vị phát triển đến các tổ chức trong nỗ lực chịu trách nhiệm lớn hơn trong việc thúc đẩy phát triển và mở rộng mở cửa. Để thực hiện mục tiêu này, Bộ Thương mại Trung Quốc gần đây đã công bố kế hoạch công tác với 16 biện pháp chính sách có mục tiêu bao gồm phát triển các lực lượng sản xuất chất lượng mới, nâng cao mở cửa kinh tế và đi sâu cải cách hệ thống quản lý.

Khu Công nghiệp Tô Châu, Trung Quốc. Ảnh: THX
* Phát triển dựa vào đổi mới
Các khu phát triển kinh tế quốc gia của Trung Quốc đã bắt đầu đẩy nhanh những nỗ lực đổi mới của họ, tìm cách thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Khu công nghiệp Tô Châu, được thành lập vào năm 1994 ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc là dự án hợp tác liên chính phủ đầu tiên giữa Trung Quốc và Singapore, là ví dụ về xu hướng phát triển này. Khu công nghiệp này tận dụng quan hệ đối tác toàn cầu và vị thế thương mại tự do của mình, phấn đấu trở thành khu công nghệ cao đẳng cấp thế giới.
Phó Chủ nhiệm Ban quản lý của khu công nghiệp, Shen Lei, nhấn mạnh sự tập trung của khu công nghiệp vào việc thu hút tài nguyên toàn cầu và tích hợp đổi mới công nghệ và công nghiệp.
Các khu phát triển kinh tế quốc gia hiện chiếm 18,3% số doanh nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc và có hơn 700 vườn ươm doanh nghiệp (incubators) và không gian đổi mới cấp quốc gia. Các khu này đã trở thành những trung tâm cho các ngành công nghiệp mới nổi chiến lược. Chẳng hạn, ở tỉnh Tứ Xuyên,Tây Nam Trung Quốc, khu Nghi Tân đã xây dựng cơ sở sản xuất pin điện tính về đơn vị lớn nhất thế giới với công suất 180 GWh. Trong khi đó, một khu khác ở tỉnh Thiểm Tây, Tây Bắc Trung Quốc có chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh từ thiết bị hàng không đến các ứng dụng vệ tinh.
Quan chức Ji Xiaofeng cho biết sẽ có nhiều nỗ lực hơn nữa để phát triển các hệ thống công nghiệp hiện đại trong những khu phát triển kinh tế quốc gia, tập trung vào các lĩnh vực như y sinh học, năng lượng và vật liệu mới, hàng không vũ trụ, sản xuất thiết bị cao cấp và trí tuệ nhân tạo (AI).

Khu Công nghiệp Tô Châu, Trung Quốc. Ảnh: THX
* Tiên phong mở cửa
Trong những thập kỷ qua, các khu phát triển kinh tế quốc gia này đã đi tiên phong trong đổi mới thể chế, đầu tư nước ngoài và tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy những nỗ lực cải cách và mở cửa của Trung Quốc.
Theo quan chức Ji Xiaofeng, các khu này đã khám phá sự hợp tác thí điểm thương mại tự do để thúc đẩy những đột phá trong các lĩnh vực bao gồm nguồn tài nguyên, bảo vệ quyền lợi và quy định thị trường. Một số khu cũng đã chủ động thích ứng với những quy tắc thương mại quốc tế tiêu chuẩn cao để tăng cường mở cửa thể chế.
Ông Zhao Bingdi, Chủ tịch Panasonic Trung Quốc cho biết vị trí chiến lược, chuỗi công nghiệp và sự hỗ trợ chính sách của các khu này làm cho chúng trở nên hấp dẫn đối với Panasonic để đầu tư vào Trung Quốc.
Là doanh nghiệp có 47 năm hoạt động tại thị trường Trung Quốc, Panasonic hoạt động trong các khu phát triển kinh tế quốc gia của 8 thành phố, trong đó có Bắc Kinh, Thiên Tân và Thượng Hải. Doanh số năm tài chính 2024 của Panasonic ở Trung Quốc đạt gần 100 tỷ nhân dân tệ, gần một phần tư doanh thu toàn cầu của Panasonic.
Ông Zhao Bingdi cho rằng Trung Quốc không chỉ là một nhà sản xuất khổng lồ mà còn là một trung tâm tiêu dùng và đổi mới lớn, cung cấp cơ hội lớn cho các công ty nước ngoài. Những chính sách gần đây hỗ trợ các nền tảng công nghệ và sự tích hợp giữa nền kinh tế kỹ thuật số và nền kinh tế thực sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư của Panasonic trong những lĩnh vực từ AI đến năng lượng mới.
Giới chuyên gia nhấn mạnh các biện pháp cải cách mới đây liên quan đến những khu phát triển kinh tế quốc gia của Trung Quốc sẽ cung cấp cho những công ty nước ngoài một nền tảng cấp cao hơn, khuyến khích tăng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) và hợp tác sâu sắc hơn với các doanh nghiệp địa phương. Nhờ cải thiện hệ sinh thái công nghiệp, các công ty toàn cầu sẽ có thể nắm bắt cơ hội lớn hơn ở thị trường Trung Quốc.