Vải thiều Bắc Giang tiêu thụ thuận lợi ở nhiều thị trường khó tính

Năm 2024, sản lượng vải thiều Bắc Giang giảm khoảng 50% nhưng được đánh giá là có chất lượng cao nhất từ trước đến nay. Hiện, toàn tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ khoảng 67 nghìn tấn vải thiều, chiếm khoảng 67% sản lượng.

Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, tính đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ khoảng 67 nghìn tấn vải thiều, chiếm khoảng 67% sản lượng; trong đó, vải sớm đã tiêu thụ trên 45,4 nghìn tấn, vải chính vụ tiêu thụ được gần 21,6 nghìn tấn. Hiện, vải sớm đã tiêu thụ cơ bản xong, người dân đang tập trung tiêu thụ vải chính vụ. Giá bán vải năm nay tăng cao hơn nhiều so với mọi năm. Đối với vải chín sớm có giá bán dao động từ 25- 70 nghìn đồng/kg; giá vải chính vụ hiện đang dao động từ 55 - 85 nghìn đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay.

Vải thiều giảm khoảng 50% sản lượng nhưng được đánh giá là có chất lượng cao nhất từ trước đến nay.

Vải thiều giảm khoảng 50% sản lượng nhưng được đánh giá là có chất lượng cao nhất từ trước đến nay.

Theo UBND huyện Tân Yên, niên vụ vải thiều 2024, huyện dự kiến khoảng 7.800 tấn vải tiêu thụ thị trường trong nước và 7.700 tấn tiêu thụ thị trường ngoài nước. Huyện đang tập trung chỉ đạo tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ người trồng vải, doanh nghiệp (DN), thương nhân đến thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều.

Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, năm nay, sản lượng vải thiều chính vụ giảm khoảng 50% nhưng Bắc Giang đã tập trung vào các biện pháp chăm sóc để tăng tỷ lệ đậu quả và đảm bảo chất lượng. Vì vậy, vải thiều năm nay được đánh giá là có chất lượng cao nhất từ trước đến nay. Đồng thời, Bắc Giang cũng rà soát và bổ sung các mã vùng trồng đạt tiêu chuẩn cho các thị trường giá trị cao như Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản. Đặc biệt, năm nay, Bắc Giang đã bổ sung thêm 16 mã vùng để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu (XK).

Theo ông Trần Quang Tấn, nhằm chuẩn bị tốt cho việc rà soát các mã vùng và cơ sở đóng gói. Bắc Giang đang có 39 cơ sở đóng gói cho thị trường Trung Quốc, 1 cơ sở cho Nhật Bản, và bổ sung thêm 1 cơ sở cho Thái Lan. Ngoài ra, tỉnh tiến hành lấy mẫu và phân tích 250 hoạt chất để đảm bảo không có dư lượng bảo vệ thực vật trên vải thiều, tạo điều kiện thuận lợi cho DN XK. Bên cạnh đó, Bắc Giang còn tăng cường kết nối với các DN để đảm bảo tiêu thụ sản phẩm bằng việc tổ chức các buổi kết nối thường xuyên giữa DN với các hợp tác xã, mã vùng để đảm bảo tiêu thụ hiệu quả. Mặt khác, phối hợp với địa phương quản lý tốt các mã vùng và cơ sở đóng gói để tuân thủ quy trình XK theo quy định của thị trường quốc tế.

Đối với XK, vải thiều Bắc Giang đã có mặt tại hơn 30 quốc gia. Trong số trên 67 nghìn tấn đã tiêu thụ, có trên 43 nghìn tấn tiêu thụ thị trường trong nước, còn lại là XK sang các thị trường như: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU, Australia… Sản lượng XK vào các thị trường "khó tính" ngày càng tăng, trong đó đã XK vào thị trường Mỹ 23 tấn, Nhật Bản 30 tấn, EU 53 tấn, Australia 39 tấn, Canada 16 tấn… Đặc biệt, Trung Quốc là thị trường truyền thống, sẽ dự kiến tổng sản lượng vải thiều XK khoảng 70.000 tấn (chiếm tỉ lệ 70%).

Trong đầu tháng 6, những lô vải đầu tiên của Bắc Giang đã được Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco (TP Bắc Giang) XK thành công sang Cộng hòa Liên bang Đức. Đây là lô vải thiều đầu tiên của huyện Tân Yên và của tỉnh trong vụ này XK sang Đức. Toàn bộ số vải này đã được cắt cuống, sơ chế, đóng hộp và XK bằng đường hàng không. Vụ vải năm nay, đơn vị ký hợp đồng XK 70 tấn sang Đức và 30 tấn sang Thái Lan. Đáng lưu ý, Đức là thị trường khó tính nhưng rất tiềm năng. Lô vải thiều đầu tiên của Tân Yên và của tỉnh xuất sang thị trường Đức trong vụ vải năm nay góp phần mở ra cơ hội XK sang Đức nói riêng và thị trường châu Âu nói chung.

Ông Nông Quang Hưng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh (Cục Hải quan Lạng Sơn) thông tin, từ đầu vụ vải thiều đến nay, số xe vải XK qua cửa khẩu Tân Thanh đạt hơn 260 xe, hiện, những ngày gần đây mỗi ngày xuất từ 1-2 xe. Dự kiến khi vào chính vụ số lượng xe XK sẽ tăng lên. Theo ông Hưng, 5 tháng đầu năm, đơn vị đã làm thủ tục cho hơn 3.250 lô hàng hoa quả, với gần 900 nghìn tấn, tăng gần 152% so với cùng kỳ năm 2023. Để tạo điều kiện cho mặt hàng trái cây, nông sản XK thuận lợi, đơn vị đã phối hợp với các lực lượng tạo điều kiện tối đa cho các mặt hàng hàng hoa quả đang vào mùa vụ như: Vải thiều, xoài, thanh long. Trong đó, các lực lượng phân luồng riêng để các xe vận chuyển mặt hàng hoa quả tươi được di chuyển sang Trung Quốc mà không phải chịu sự kiểm tra.

Tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị cũng cho biết, từ đầu vụ vải tới nay mới chỉ có 7 xe vải thiều làm thủ tục thông quan. Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng hoa quả, trái cây tươi XK qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đạt gần 1,2 triệu tấn; tăng hơn 455 nghìn tấn so với cùng kỳ năm 2023. Để mặt hàng trái cây, hoa quả tươi XK qua các cửa khẩu được thuận lợi, các chi cục hải quan tạo thuận lợi tối đa khi làm thủ tục cho các lô hàng hoa quả tươi thông quan trước. Đến thời điểm này, số lượng phương tiện chở hàng hóa XK thông quan trong ngày qua các cửa khẩu của Lạng Sơn đạt từ 400 - 450 xe/ngày. Chỉ tính riêng lượng phương tiện chở hoa quả tươi XK được thông quan trung bình trên 350 xe/ngày, tương đương với khoảng trên 4.000 tấn hoa quả tươi mỗi ngày.

Để hỗ trợ DN, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian tới, Cục tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các địa phương phát triển sản phẩm, kết nối giao thương trong tiêu thụ vải thiều nói riêng và nông sản nói chung. Tuy nhiên, thị trường nhập khẩu ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn về chất lượng sản phẩm và yêu cầu DN XK Việt Nam cải tiến cách đóng gói, mẫu mã, bao bì sản phẩm phù hợp với thói quen của người tiêu dùng. Ngoài ra, DN cần tìm giải pháp giảm thiểu chi phí logistics để vải thiều có mức giá cạnh tranh. Bên cạnh XK quả vải tươi, DN cần nghiên cứu, chú trọng chế biến sản phẩm từ quả vải để mở rộng thị trường.

Lưu Hiệp

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/vai-thieu-bac-giang-tieu-thu-thuan-loi-o-nhieu-thi-truong-kho-tinh-i735103/
Zalo