Ủy ban điều tra của Syria báo cáo thương vong, khẳng định các chỉ huy không ra lệnh thảm sát
Ủy ban điều tra kết luận, các chỉ huy quân đội Syria không hề ra lệnh thực hiện các vụ tàn sát, ngược lại đã ra lệnh ngăn chặn chúng.
Trong ngày thứ Ba, một ủy ban điều tra của Syria cho biết, 1.426 người đã thiệt mạng trong các vụ tấn công nhằm vào lực lượng an ninh tháng 3/2025 và vụ thảm sát người Alawites trong tháng 3/2025, nhưng đồng thời cũng kết luận các chỉ huy quân đội Syria đã không hề ra lệnh thực hiện các cuộc tấn công trả thù.
Vụ bạo lực tại khu vực ven biển này là vụ bạo lực lớn nhất từng xảy ra tại Syria kể từ khi chính quyền tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ trong năm 2024 vừa rồi. Cuộc điều tra của ủy ban trên được coi là một thử thách cho chính quyền cầm quyền mới, một chính quyền được thành lập chủ yếu bởi các cá nhân từng là các tay súng chống chính quyền Assad và đã phải đối mặt với nhiều cuộc nổi dậy liên quan tới các nhóm dân tộc thiểu số tại miền Tây Nam Syria trong tháng vừa qua.
Ủy ban điều tra kết luận các chỉ huy quân đội Syria không hề ra lệnh thực hiện các vụ tàn sát và ngược lại đã ra lệnh ngăn chặn chúng.
Chủ tịch ủy ban Jumaa Al-Anzi cho biết, ủy ban này đã cung cấp danh sách 298 nghi phạm liên quan tới các hành vi tấn công người Alawites và 265 nghi phạm liên quan tới các hành vi tấn công lực lượng an ninh.
Phát ngôn viên Yasser Farhan cho biết tên các cá nhân này chưa được công bố và đã được đưa lên tòa án để tiếp tục điều tra. Ông cũng cho biết 31 người có hành vi bạo lực nhằm vào thường dân đã bị bắt giữ, cùng với 6 cá nhân mà ông nhận định là "tàn dư" của chế độ trước.
Hội đồng Tối cao Alawites phản đối và lên án kết luận của ủy ban này, và trong một tuyên bố đưa ra vào ngày thứ Ba đã nhận định những phát hiện này là "hành động tráo trở".
Hội đồng này bác bỏ kết luận của ủy ban, quy trách nhiệm vụ thảm sát trong tháng 3/2025 cho chính quyền tổng thống Ahmed al-Sharaa và chính phủ của ông.
Hội đồng này đã kêu gọi tổ chức điều tra độc lập từ phía quốc tế dưới sự giám sát của LHQ.
Một cuộc điều tra do Reuters thực hiện trong tháng vừa rồi đã xác định 1.479 người Alawites đã thiệt mạng và hàng chục người khác mất tích tại 40 điểm xảy ra các vụ tàn sát trả thù, và đã phát hiện đầu mối liên kết những người thực hiện tàn sát trực tiếp với những cá nhân dưới quyền tầng lớp lãnh đạo Syria tại Damascus.
Bộ máy cầm quyền mới tại Syria có nguồn gốc là một làn sóng nổi dậy được dẫn đầu bởi các nhóm Hồi Giáo dòng Sunni chống lại cựu tổng thống Assad – một người thuộc tộc thiểu số Alawite – và đã liên tục khẳng định sẽ đảm bảo sự an toàn cho các nhóm thiểu số.

Ảnh: REUTERS/Mohamed Azakir/Ảnh tài liệu.
Sự an toàn cho người dân tộc thiểu số đã một lần nữa trở thành vấn đề nổi cộm tại Syria trong tháng này sau khi hàng trăm người đã thiệt mạng trong các cuộc xô xát giữa lực lượng chính phủ, các tay súng tộc Bedouin dòng Sunni, và các nhóm dân quân giáo phái Druze tại tỉnh Sweida miền Nam Syria. Chính quyền Syria cũng đã tổ chức ủy ban điều tra nhằm phản ứng trước các vụ việc này.
‘Tràn lan nhưng không có tổ chức’
Tình trạng bạo lực tại Syria đã bùng nổ vào ngày 6/3/2025 sau một vụ tấn công nhằm vào lực lượng an ninh Syria đóng quân trong khu vực. Ông Farhan cho biết các vụ tấn công này đã khiến các bệnh viện và các cơ sở khác ngừng hoạt động cũng như khiến chính phủ mất khả năng kiểm soát một số khu vực.
Ủy ban điều tra đã xác định các lực lượng hậu thuẫn chính quyền cựu tổng thống Assad đã thực hiện các cuộc tấn công, khiến 238 thành viên lực lượng an ninh thiệt mạng.
Ông Farhan cho biết nhằm đáp trả, khoảng 200.000 tay súng vũ trang trên toàn Syria đã kéo về khu vực ven biển này.
Điều này đã dẫn tới nhiều hành động bạo lực bao gồm tàn sát, cướp bóc và kích động bạo lực giáo phái mà ủy ban đánh giá là "tràn lan nhưng không có tổ chức".
Ông cho biết, các thành viên ủy ban đã nhận được sự phối hợp từ phía lực lượng chính phủ trong cuộc điều tra dài nhiều tháng qua, và việc công bố báo cáo điều tra tùy thuộc vào ông al-Sharaa.
Diana Semaan, một nghiên cứu viên người Syria tại Amnesty International, đã kêu gọi công bố toàn bộ kết quả điều tra và xét xử các cá nhân phạm tội.
"Về phía ủy ban điều tra, việc họ đã xác nhận có các hành vi tàn bạo nhằm vào người Alawites là một bước tiến quan trọng hướng tới giành được công lý. Tuy nhiên nếu không có quyết định xét xử các cá nhân vi phạm, thì những thủ phạm đang được thoát tội. Đó không phải là công lý mà các nạn nhân xứng đáng có được".
Nguyễn Quang Minh (Theo Reuters)