Ưu tiên phát triển hạ tầng số để thúc đẩy chuyển đổi số
Với tầm nhìn đặt hạ tầng số (HTS) làm trọng tâm cho quá trình chuyển đổi số (CĐS), tỉnh đã tập trung phát triển nhanh và đồng bộ hạ tầng kỹ thuật số, tạo nền tảng vững chắc xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Các nỗ lực phát triển hạ tầng này không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành của chính quyền mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
HTS bao gồm hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, hạ tầng công nghệ số, nền tảng số có tính chất hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Theo Sở Thông tin và Truyền thông (TT và TT), đến nay mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp I và II đã được triển khai đến tất cả đơn vị, cơ quan quản lý Nhà nước ở 3 cấp. 100% số xã được phủ sóng 3G, 4G; hạ tầng mạng cáp quang phủ đến 100% xã và 100% số thôn, xóm phục vụ khoảng 1,9 triệu thuê bao điện thoại các loại; trên 85,5% dân số trưởng thành và 100% hộ gia đình có điện thoại thông minh. Trên địa bàn tỉnh có trên 2.000 trạm thu, phát sóng thông tin di động mặt đất.
Đến nay tỉnh đã cung cấp 866 dịch vụ công toàn trình, 872 dịch vụ công trực tuyến một phần trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh; 100% dịch vụ công trực tuyến được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đặc biệt, Nam Định luôn nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu về kết quả giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng cân đối, ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách Nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư cho HTS như việc đầu tư, nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh; Trung tâm và Nền tảng điều hành đô thị thông minh của tỉnh; Nền tảng quản lý dữ liệu điện tử dùng chung; Nền tảng Cổng dữ liệu mở… góp phần quan trọng vào thực hiện lộ trình CĐS của tỉnh.
Dù đạt nhiều kết quả tích cực, phát triển HTS tại Nam Định vẫn gặp một số khó khăn như: Tốc độ mạng băng rộng cố định, di động vẫn chưa ổn định, còn tồn tại trên 300 điểm "lõm" sóng chưa được khắc phục; việc phát triển các nền tảng chủ lực cho HTS mới hình thành, bước đầu triển khai nên chưa đạt hiệu quả cao; việc kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào HTS vẫn còn hạn chế.
Để khắc phục những hạn chế này và thúc đẩy phát triển HTS, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 137/KH-UBND ngày 8/10/2024 về phát triển HTS tỉnh Nam Định đến năm 2025 với 3 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng, phổ cập, bền vững, an toàn; phát triển hạ tầng trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây và hạ tầng công nghệ số, nền tảng số có tính chất hạ tầng. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, mạng viễn thông băng rộng di động phải đạt các chỉ tiêu: Số thuê bao băng rộng di động đạt 85 thuê bao/100 dân; 95% thuê bao sử dụng điện thoại thông minh; 90% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh; tốc độ băng rộng di động đạt 70Mb/s; thôn, xóm được phủ sóng di động băng rộng đạt tỷ lệ 100%; tỷ lệ dùng chung vị trí trạm thông tin di động đạt 30%. Mạng viễn thông băng rộng cố định có số thuê bao cố định đạt 25 thuê bao/100 dân; hộ gia đình có khả năng tiếp cận cáp quang khi có nhu cầu đạt tỷ lệ 100%; tốc độ băng rộng cố định đạt 150Mb/s; thôn, xóm được phủ băng rộng cố định đạt tỷ lệ 100%. Hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây đảm bảo cho Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh và 90% hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh phục vụ CĐS của các cơ quan Nhà nước có sử dụng dịch vụ điện toán đám mây; trung bình mỗi người dân trưởng thành có 1 tài khoản sử dụng dịch vụ điện toán đám mây. Hạ tầng công nghệ số đảm bảo từng bước triển khai, tích hợp các nền tảng công nghệ hiện đại, như: Công nghệ điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, IoT… hỗ trợ hiệu quả cho chương trình CĐS của tỉnh; thúc đẩy phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; triển khai ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo phục vụ hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức, góp phần thúc đẩy hệ thống quản trị số tại các cơ quan Nhà nước phục vụ hiệu quả nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Nền tảng số có tính chất hạ tầng đảm bảo: 100% cơ quan Nhà nước thường xuyên sử dụng nền tảng số quốc gia và các nền tảng số dùng chung phục vụ CĐS của tỉnh trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc và phục vụ người dân, doanh nghiệp. 70% doanh nghiệp thường xuyên sử dụng nền tảng số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tiến trình thực hiện CĐS trong các doanh nghiệp.
Để thực hiện thành công các nhiệm vụ này, tỉnh đặt ưu tiên phát triển HTS thiết yếu thông qua sự phối hợp của các ngành và doanh nghiệp viễn thông, đồng thời kêu gọi đầu tư từ khu vực tư nhân. Trong đó, Sở TT và TT rà soát điều chỉnh, bổ sung kịp thời và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển hạ tầng kết nối - hạ tầng băng rộng di động trên phạm vi toàn tỉnh. Ưu tiên nguồn vốn khoa học và công nghệ, nguồn vốn để phát triển công nghệ số, sản phẩm công nghệ số, dịch vụ số. Hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp khu vực tư nhân tham gia đầu tư, phát triển hạ tầng băng rộng cố định tốc độ cao đáp ứng yêu cầu CĐS; tăng cường phát triển thuê bao băng rộng cố định cáp quang tới hộ gia đình. Truyền thông, phổ biến các kỹ năng số cơ bản cho người dân, bao gồm các kỹ năng cơ bản như truy cập và sử dụng internet, thư điện tử, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển HTS; tăng cường dùng chung hạ tầng viễn thông với hạ tầng của các ngành khác.
Với những mục tiêu cụ thể và các giải pháp đồng bộ, tỉnh đang từng bước xây dựng một hệ thống hạ tầng kỹ thuật số hiện đại, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Nam Định phấn đấu đến năm 2025 thuộc nhóm 20 địa phương dẫn đầu toàn quốc về chỉ số đánh giá CĐS.