Ưu tiên một số công trình hạ tầng quan trọng

Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương ưu tiên tập trung nguồn lực, thực hiện nhanh các thủ tục đầu tư cho một số công trình hạ tầng quan trọng, như: các bến tiếp theo của Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện; các dự án cải tạo, nâng cấp Cảng Hàng không Quốc tế Cát Bi; tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng mới song song với tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với các khu bến cảng Đình Vũ, Nam Đồ Sơn và Lạch Huyện...

Đó là kiến nghị nổi bật trong hoạt động thảo luận tổ của Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng, về giải pháp thúc đẩy phát triển liên kết vùng, thực hiện hiệu quả Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, tạo bước đột phá trong kết nối giao thông khu vực phía Bắc, phát triển vùng đồng bằng sông Hồng.

Rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính

Thảo luận tại tổ 4 (gồm Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng và các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Giang, Kon Tum) về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024… ĐBQH thành phố Hải Phòng đã đề xuất nhiều giải pháp thiết thực.

Cụ thể, về giải pháp thúc đẩy phát triển liên kết vùng, thực hiện hiệu quả Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, tạo bước đột phá trong kết nối giao thông khu vực phía Bắc, phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương ưu tiên tập trung nguồn lực, thực hiện nhanh các thủ tục đầu tư cho một số công trình hạ tầng quan trọng, như: các bến tiếp theo của Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện; các dự án cải tạo, nâng cấp Cảng Hàng không Quốc tế Cát Bi; tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng mới song song với tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với các khu bến cảng Đình Vũ, Nam Đồ Sơn và Lạch Huyện...

ĐBQH Vũ Thanh Chương (Hải Phòng) phát biểu thảo luận tại tổ

ĐBQH Vũ Thanh Chương (Hải Phòng) phát biểu thảo luận tại tổ

Về phân cấp, phân quyền, Nghị quyết số 45, Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị đều xác định Hải Phòng là địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, trở thành trung tâm logistics quốc tế hiện đại, là cửa ngõ, động lực phát triển vùng. Hiện nay, Hải Phòng có 14 khu công nghiệp được thành lập với 6.100ha và một khu kinh tế với 22.540ha, hầu hết được đầu tư từ ngân sách nhà nước và tiến độ lấp đầy khá nhanh. Dự kiến thời gian tới, thành phố tiếp tục thành lập thêm 20 khu công nghiệp với diện tích 7.000 - 7.200ha.

Theo quy định hiện hành của Luật Đầu tư, thẩm quyền chấp thuận đầu tư hạ tầng khu công nghiệp của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì tiếp nhận hồ sơ, thẩm định theo quy định tại Điều 35 Luật Đầu tư. Dù được các bộ, ngành quan tâm nhưng thời gian qua, việc thực hiện các thủ tục này tương đối lâu, vì thế Hải Phòng đề xuất Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho địa phương để tăng tính chủ động, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, bảo đảm phù hợp với nhu cầu và thực tiễn quản lý, phát triển của địa phương, phù hợp với quy hoạch được phê duyệt và yêu cầu cải cách thủ tục hành chính mà Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo.

Quan tâm cảnh báo cháy sớm

Một nội dung rất được cử tri và Nhân dân quan tâm hiện nay là công tác phòng cháy, chữa cháy. Thảo luận tại tổ 4 về dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, ĐBQH Nguyễn Đức Dũng (Hải Phòng) cho rằng: Hiện nay, tình hình vi phạm về trật tự đô thị, phòng cháy, chữa cháy ở những đô thị lớn như: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… rất lớn, có hàng nghìn tuyến phố, ngách, ngõ... xe chữa cháy không thể tiếp cận được. Trong khi đó, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật phòng cháy và chữa cháy và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy, áp dụng cho thành thị, nông thôn chưa cụ thể. Đồng thời, hiện nay trang bị chữa cháy có giới hạn. Vì vậy, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh các luật khác cho phù hợp.

Nhấn mạnh vai trò của công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức, sự hiểu biết để tự phòng cháy, chữa cháy, ĐBQH Vũ Thanh Chương (Hải Phòng) cho rằng, việc giáo dục cần được thực hiện từ các cấp học. Bởi có những vụ cháy chỉ cần có hiểu biết sẽ giảm thiểu hậu quả. Cũng theo đại biểu Chương, hiện nay, công nghệ cho phép có thể cảnh báo cháy sớm thì nên quy định như thế nào trong luật, hoặc trong nghị định sau này của Chính phủ để những trường hợp nào cần cảnh báo, khuyến khích việc cảnh báo cháy sớm. Vì nhiều vụ cháy lớn rồi mới phát hiện, cháy trong đêm… khi lực lượng chức năng đến đã muộn, cho nên việc cảnh báo cháy sớm cần được quan tâm, đại biểu nhấn mạnh…

BẢO PHƯƠNG

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/uu-tien-mot-so-cong-trinh-ha-tang-quan-trong-i377752/
Zalo