Ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết
Những ngày cuối tháng 6 và đầu tháng 7 này, miền Bắc đã trải qua một đợt mưa lớn kéo dài, gây ngập úng nghiêm trọng tại nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Thái Nguyên. Lượng mưa vượt mức kỷ lục trong nhiều năm qua đã khiến không ít khu vực bị cô lập, giao thông tê liệt và hàng nghìn hộ dân phải sơ tán. Dự báo, tình hình mưa lũ sẽ còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, đòi hỏi các cấp, ngành và người dân cần chủ động ứng phó.

Lực lượng chức năng huyện Đại Từ kịp thời tới những vùng ngập sâu để cứu hộ người dân, ngày 21/6/2025. Ảnh: T.L
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tháng 6-2025, miền Bắc có số ngày mưa cao đột biến, với hơn 20 ngày mưa, gần gấp đôi so với cùng kỳ các năm trước. Đợt mưa kéo dài nhất diễn ra từ 3-10/6. Tổng lượng mưa trong tháng 6 tại Thái Nguyên là 988,1 mm, tại Lạng Sơn là 441,8 mm, Lào Cai là 291,7 mm…
Tại tỉnh Thái Nguyên, mưa lớn kéo dài từ chiều tối 29-6 đến chiều tối 1-7 đã khiến nhiều tuyến đường ở trung tâm thành phố ngập sâu trong nước. Đặc biệt, xã Nam Hòa và xã Linh Sơn có 148 hộ dân bị chia cắt, cô lập; trong đó, 18 hộ phải di dời đến nơi an toàn…
Dự báo, trong tháng 7-2025, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ tiếp tục có mưa lớn diện rộng. Tổng lượng mưa cả tháng phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 20-50%. Nguy cơ cao xảy ra lũ lụt, ngập úng ở các vùng trũng và sạt lở đất, lũ quét ở vùng núi vẫn có thể xảy ra.
Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, đòi hỏi các cấp, các ngành của tỉnh Thái Nguyên phải có những biện pháp phòng, chống và ứng phó kịp thời, hiệu quả.
Theo các chuyên gia, với chính quyền địa phương, cần phải tăng cường ngay công tác dự báo và cảnh báo sớm đến người dân về tình hình thời tiết, thiên tai trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với các cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia và khu vực. Kiểm tra, rà soát hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các công trình đê điều, hồ chứa, cống thoát nước để đảm bảo khả năng chống lũ.
Tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai, nhất là ở các xã có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, luc quét và sạt lở đất, để nâng cao năng lực ứng phó của các lực lượng chức năng và cộng đồng. Ở cơ sở, cần bố trí lực lượng túc trực thường xuyên, sẵn sàng phương án “4 tại chỗ” khi có tình huống xấu xảy ra.
Người dân cần chủ động theo dõi các bản tin dự báo thời tiết, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất từ các cơ quan chức năng. Khi có thông báo về nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, cần nhanh chóng di chuyển đến khu vực cao ráo, tránh xa các sông, suối. Thực hiện các biện pháp phòng, chống hiệu quả, như gia cố nhà cửa, chuẩn bị lương thực, nước uống, thuốc men cần thiết để ứng phó khi có tình huống khẩn cấp.
Cộng đồng và doanh nghiệp cần tích cực tham gia hỗ trợ người dân trong công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai. Đảm bảo an toàn lao động, đặc biệt là đối với các công trình xây dựng, cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn trong mùa mưa bão.
Mùa mưa bão năm nay được dự báo sẽ có những diễn biết bất thường, khó lường hơn các năm trước. Để giảm thiểu thiệt hại do mưa bão gây ra, việc chủ động ứng phó và phòng chống từ sớm, từ xa là hết sức cần thiết.
Mỗi người dân, mỗi cộng đồng hãy nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng, chống thiên tai, chủ động trong mọi tình huống và sẵn sàng cùng các lực lượng bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.