Ứng phó với 'bão' thuế quan: Thái Lan nâng tầm doanh nghiệp nội

Kể từ khi Mỹ bắt đầu áp đặt thuế quan đối ứng, mối lo ngại của các nhà đầu tư đã gia tăng, đặc biệt là khi cạnh tranh trong thị trường nội địa ngày càng gay gắt.

Khách du lịch tại thủ đô Bangkok, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN

Khách du lịch tại thủ đô Bangkok, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN

Ông Narit Therdsteerasukdi, Tổng Thư ký Hội đồng Đầu tư (BOI) Thái Lan mới đây cho biết BOI đã đưa ra một loạt biện pháp toàn diện với tiêu đề "Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Thái Lan để thích ứng với kỷ nguyên toàn cầu mới" nhằm giảm thiểu tác động của thuế quan Mỹ và chiến tranh thương mại toàn cầu.

Kể từ khi Mỹ bắt đầu áp đặt thuế quan đối ứng, mối lo ngại của các nhà đầu tư đã gia tăng, đặc biệt là khi cạnh tranh trong thị trường nội địa ngày càng gay gắt. Trong hai tháng qua, BOI đã tổ chức các cuộc thảo luận với các nhóm ngành và doanh nghiệp được hỗ trợ đầu tư để hiểu rõ những thách thức của họ và tìm ra giải pháp giảm thiểu tác động.

Mới đây, BOI đã đưa ra các biện pháp nhằm giải quyết hai mối quan tâm chính gồm: hỗ trợ các doanh nghiệp Thái Lan nâng cao năng lực cạnh tranh và củng cố chuỗi cung ứng trong nước để chuẩn bị tốt hơn cho những thay đổi trong tương lai; giảm thiểu rủi ro từ các biện pháp thương mại của Mỹ và tổ chức đầu tư vào các lĩnh vực cụ thể để bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước, đồng thời duy trì môi trường kinh doanh cân bằng.

BOI đưa ra 5 biện pháp chính như sau:Biện pháp thứ nhất nhằm mục đích thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ Thái Lan bằng cách nâng cao hiệu quả hoạt động để cải thiện khả năng cạnh tranh. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã đăng ký với Văn phòng Xúc tiến Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ (OSMEP) được hưởng các ưu đãi đặc biệt, cho phép họ đầu tư nâng cấp hoạt động. Các ưu đãi này bao gồm hiện đại hóa máy móc, áp dụng công nghệ tự động hóa và kỹ thuật số, cải thiện hiệu quả năng lượng, nâng cấp lên tiêu chuẩn quốc tế và chuyển đổi sang các ngành công nghiệp mới.Các doanh nghiệp vừa và nhỏ giờ đây sẽ nhận được các ưu đãi bổ sung, với việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp được kéo dài từ 3 năm lên 5 năm. Mức miễn thuế này sẽ bao gồm 100% khoản đầu tư vào việc cải thiện hiệu quả hoạt động, tăng từ mức giới hạn 50% trước đây.Biện pháp thứ hai là thúc đẩy việc sử dụng linh kiện nội địa trong sản xuất xe điện và thiết bị điện, mở rộng cơ hội cho các nhà sản xuất phụ tùng Thái Lan và kết nối họ với chuỗi cung ứng toàn cầu. Biện pháp này khuyến khích các công ty nước ngoài sử dụng linh kiện sản xuất trong nước bằng cách thiết lập các tiêu chí mà các công ty phải đáp ứng để đủ điều kiện hưởng ưu đãi.Các công ty phải đạt chứng nhận "Sản xuất tại Thái Lan" (MiT) từ Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan và sử dụng một tỷ lệ nhất định nguyên liệu thô và linh kiện nội địa. Cụ thể: đối với sản xuất xe điện chạy bằng pin (BEV), ít nhất 40% tổng giá trị nguyên liệu thô phải có nguồn gốc nội địa; đối với sản xuất xe điện lai (PHEV), tỷ lệ nguyên liệu thô có nguồn gốc nội địa ít nhất 45%; đối với linh kiện xe điện, ít nhất 15% và đối với thiết bị điện, ít nhất 40%. Đổi lại, các công ty sẽ được giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong hai năm tiếp theo sau thời hạn thông thường.Biện pháp này sẽ được bổ sung bằng các hoạt động kết nối kinh doanh giữa các doanh nghiệp lớn và các nhà sản xuất phụ tùng Thái Lan, chẳng hạn như SUBCON Thái Lan và các sự kiện Kết nối Kinh doanh, tạo ra hơn 20 tỷ baht (khoảng 645 triệu USD) giao dịch kinh doanh hàng năm. Ngoài ra, BOI sẽ tổ chức các sự kiện “Ngày Tìm nguồn cung ứng” với sự hợp tác của các công ty hàng đầu trong ngành công nghiệp ô tô, điện tử và thiết bị điện.Biện pháp thứ ba là tăng cường giám sát các quy trình sản xuất chính đối với một số các doanh nghiệp có nguy cơ lách luật hoặc chịu tác động tiềm ẩn từ các biện pháp thương mại của Mỹ, chẳng hạn như sản xuất phụ tùng ô tô, thiết bị điện, điện tử, sản phẩm kim loại, dệt may, đồ nội thất và túi xách. Một điều kiện rõ ràng được đặt ra là các doanh nghiệp phải có quy trình sản xuất trong đó nguyên liệu thô sơ được chuyển đổi thành sản phẩm.Biện pháp thứ tư bao gồm việc tổ chức đầu tư vào một số lĩnh vực nhất định để bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước và duy trì môi trường kinh doanh cân bằng, cạnh tranh như sau:Các ngành công nghệ thấp có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi các biện pháp thương mại của Mỹ: Việc thúc đẩy sản xuất tấm pin Mặt trời, phụ kiện ô tô và phụ tùng trang trí xe sẽ bị ngừng lại. Ngoài ra, sẽ có yêu cầu sở hữu đa số của người Thái Lan trong các doanh nghiệp sản xuất đồ nội thất, túi xách và sản phẩm in ấn.Các ngành công nghiệp dư cung ảnh hưởng đến các nhà sản xuất trong nước: Việc hỗ trợ sản xuất các sản phẩm thép thành phẩm, chẳng hạn như thép dài, thép tấm cán nóng, thép tấm dày, ống thép và hoạt động cắt gọt kim loại, sẽ bị ngừng do tình trạng sản xuất dư thừa ảnh hưởng đến các nhà sản xuất trong nước.Các ngành công nghiệp có nguy cơ tác động đến môi trường hoặc cộng đồng: Các ngành như sản xuất kim loại, hóa chất, nhựa và các quy trình gia công kim loại (cán, kéo, đúc hoặc rèn) sẽ không còn được cấp quyền sở hữu đất để hoạt động. Các doanh nghiệp này sẽ được yêu cầu hoạt động trong các khu công nghiệp, đảm bảo để công tác giám sát và quản lý chặt chẽ hơn.Biện pháp thứ năm tập trung vào việc thay đổi điều kiện làm việc cho lao động nước ngoài nhằm tạo ra nhiều cơ hội việc làm tại địa phương hơn và thúc đẩy chuyển giao kiến thức cho lao động Thái Lan. Biện pháp này quy định rằng đối với các doanh nghiệp sản xuất sử dụng hơn 100 lao động, ít nhất 70% lực lượng lao động phải là công dân Thái Lan.Ngoài ra, các yêu cầu về thu nhập tối thiểu đối với lao động nước ngoài xin thị thực và giấy phép lao động với BOI đã được thiết lập. Ví dụ, các giám đốc điều hành phải có mức lương ít nhất 150.000 baht (4.800 USD) mỗi tháng, và các chuyên gia phải có mức lương ít nhất 50.000 baht (1.600 USD) mỗi tháng. Điều này nhằm mục đích thu hút lao động nước ngoài có tay nghề cao, những người có thể đóng góp giá trị cho nền kinh tế Thái Lan.Hơn nữa, BOI đang chuẩn bị các biện pháp bổ sung để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi việc tăng thuế quan của Mỹ, đảm bảo Thái Lan duy trì khả năng cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư. Trọng tâm sẽ là các ngành công nghiệp mục tiêu mà Thái Lan đóng vai trò là cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu sang Mỹ và có tiềm năng giá trị gia tăng cao, chẳng hạn như thực phẩm, sản phẩm cao su, phụ tùng ô tô, điện tử, thiết bị điện, máy móc và đồ trang sức.Ông Narit nhấn mạnh rằng cuộc chiến thương mại toàn cầu đang diễn ra đã làm gia tăng cạnh tranh. Thái Lan cần xây dựng một chiến lược kinh tế và đầu tư phù hợp để nâng cấp các ngành công nghiệp hiện có, đồng thời tạo ra các cơ sở công nghiệp mới thúc đẩy tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế Thái Lan. Do đó, BOI đã đưa ra một số biện pháp mới để tổ chức đầu tư tốt hơn và hỗ trợ các doanh nhân Thái Lan nắm bắt cơ hội tăng trưởng trong môi trường thương mại toàn cầu mới.

Thanh Hải/BNEWS/Vnanet.Vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ung-pho-voi-bao-thue-quan-thai-lan-nang-tam-doanh-nghiep-noi/380830.html
Zalo