Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong thể thao thành tích cao: Hứa hẹn bước chuyển lớn

Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia đã tận dụng sức mạnh của AI nhằm nâng cao chất lượng huấn luyện, giảm nguy cơ chấn thương và tối ưu hóa hiệu suất thi đấu của vận động viên (VĐV).

Tại Việt Nam, việc ứng dụng AI trong 4 môn thể thao trọng điểm gồm bắn súng, bắn cung, taekwondo và boxing hứa hẹn sẽ tạo ra bước chuyển lớn trong cách tiếp cận công tác huấn luyện và thi đấu trong thời gian tới.

Đội tuyển bắn súng sẽ được trang bị công nghệ AI trong huấn luyện. Ảnh: Minh Chiến

Đội tuyển bắn súng sẽ được trang bị công nghệ AI trong huấn luyện. Ảnh: Minh Chiến

Hướng đi tất yếu

Thực tế cho thấy, các nền thể thao hàng đầu như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc từ lâu đã ứng dụng AI để phân tích kỹ thuật thi đấu, đánh giá phong độ VĐV, kiểm soát chế độ dinh dưỡng, xây dựng giáo án tập luyện và hỗ trợ phục hồi sau chấn thương. Tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan và Singapore cũng là những quốc gia đi đầu trong việc thử nghiệm các mô hình tích hợp công nghệ trong huấn luyện thể thao.

HLV đội tuyển trẻ taekwondo quốc gia Hà Thị Nguyên chia sẻ rằng, gần một thập kỷ trước, khi còn là VĐV, chị từng tham gia tập huấn tại Hàn Quốc cùng một số VĐV trọng điểm. Chính tại đây, khi lần đầu được tiếp cận các ứng dụng chuyển đổi số trong thể thao, chị mới biết được chính xác sức bền khi thi đấu với cường độ cao của mình.

Trong bối cảnh sự cạnh tranh tại các đấu trường lớn như Olympic hay ASIAD ngày càng khốc liệt, việc Việt Nam đưa AI vào huấn luyện thể thao là một quyết định hợp lý. Trước mắt, Cục TDTT Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2025 - 2030 với Công ty Dreamax trong việc áp dụng AI vào công tác huấn luyện, quản lý, tiếp cận cộng đồng người hâm mộ.

Theo ông Hoàng Quốc Vinh, Trưởng phòng Thể thao thành tích cao (Cục TDTT Việt Nam), 4 môn thể thao được lựa chọn để triển khai thí điểm gồm bắn súng, bắn cung, taekwondo và boxing, đều là những môn đòi hỏi kỹ thuật cao và độ chính xác tuyệt đối, chỉ một sai số nhỏ cũng có thể quyết định thành bại. Áp dụng AI vào các môn này không chỉ giúp phân tích đường bắn, nhịp đánh, thế thủ... mà còn cung cấp các chỉ số luyện tập, so sánh được với chuẩn mực quốc tế.

Thông qua các cảm biến, video, thiết bị theo dõi sinh học..., dữ liệu sẽ được thu thập và xử lý để đưa ra những khuyến nghị huấn luyện chính xác cho từng vận động viên. Nhờ đó, HLV có thêm căn cứ khoa học để điều chỉnh chiến thuật, phương pháp huấn luyện còn VĐV có thể theo dõi quá trình phát triển của bản thân một cách trực quan và hiệu quả.

Con người vẫn là yếu tố quyết định

Tuy nhiên, để hệ thống này hoạt động hiệu quả, cần một cơ sở dữ liệu đủ lớn, đủ sâu và bảo đảm chuẩn hóa. Đây cũng là thách thức không nhỏ với thể thao Việt Nam, nơi nhiều bộ môn vẫn đang vận hành theo phương thức truyền thống, thiếu thiết bị, nhân lực công nghệ và đặc biệt là thiếu kinh nghiệm phối hợp liên ngành (giữa y học, thể thao và công nghệ).

Theo Cục trưởng Cục TDTT Việt Nam Nguyễn Danh Hoàng Việt, thời gian tới ngành sẽ xây dựng dữ liệu của VĐV, liên thông tới các địa phương, giúp các HLV đánh giá chính xác về VĐV.

Mong muốn là vậy nhưng những nhà quản lý cũng phải đối mặt với không ít thách thức, trong đó có vấn đề chất lượng và tính đa dạng của dữ liệu đầu vào. Nếu dữ liệu không phản ánh đúng các yếu tố, đặc biệt là về điều kiện thể chất, lịch sử chấn thương... của VĐV thì AI có thể đưa ra kết quả sai lệch, thậm chí phản tác dụng.

Ngoài ra, vấn đề bảo mật dữ liệu cũng là vấn đề cần được đặc biệt lưu ý. Mỗi chỉ số về thể trạng, tập luyện, thi đấu của VĐV đều là tài sản cá nhân và tài sản quốc gia, nếu không được quản lý chặt chẽ thì có thể dẫn tới những rủi ro về pháp lý. Nếu thông tin về chỉ số tim mạch, phản xạ, mô hình tập luyện hay điểm rơi phong độ bị lọt ra ngoài thì VĐV có thể rơi vào thế bất lợi trước đối thủ.

Hơn nữa, dù hiện đại đến đâu, hệ thống AI cũng không thể tự vận hành hiệu quả nếu thiếu đội ngũ chuyên môn. Không chỉ HLV và VĐV mà cả chuyên gia dữ liệu, kỹ sư công nghệ, bác sĩ thể thao và các nhà quản lý đều cần được đào tạo để tham gia vào quá trình vận hành và khai thác công nghệ. Việc xây dựng lực lượng này là yêu cầu bắt buộc nếu muốn chương trình ứng dụng AI vượt ra khỏi khuôn khổ của một “phong trào” và trở thành công cụ hỗ trợ huấn luyện thực chất.

Bên cạnh đó, các nhà quản lý đều thống nhất rằng, dù AI có khả năng phân tích chính xác và đưa ra những khuyến nghị thông minh, thì HLV, chuyên gia và VĐV mới là những người quyết định cách tiếp cận và sử dụng thông tin đó như thế nào.

Ông Hoàng Quốc Vinh nhận định: “Một giáo án mà AI gợi ý có thể rất lý tưởng về mặt lý thuyết, nhưng trong thực tiễn huấn luyện, HLV buộc phải điều chỉnh linh hoạt dựa trên thể trạng, tâm lý, thói quen và cảm giác tức thời của từng VĐV. Chính vì vậy, AI nên được xem là một trợ lý thông minh, chứ không phải người thay thế con người trong quá trình huấn luyện”.

Minh An

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ung-dung-tri-tue-nhan-tao-trong-the-thao-thanh-tich-cao-hua-hen-buoc-chuyen-lon-708890.html
Zalo