Ứng dụng mạnh mẽ trong đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
'Muốn làm được việc phải hiểu việc; phải có kế hoạch cụ thể, từng bước đi, sâu sát, thực tiễn cuộc sống; phải vào cuộc với sự chủ động, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương, đổi mới đất nước và hội nhập sâu rộng cùng thế giới'.Tổng Bí thư Tô Lâm nêu tại Phiên họp lần 3 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về kết quả thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo (KHCN, ĐMST) và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57) 6 tháng đầu năm 2025, sáng 2/7.
Dự phiên họp tại điểm cầu Hà Nội còn có các Phó Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 57: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UBKT Trung ương Nguyễn Duy Ngọc và các Bí thư Trung ương Đảng là Ủy viên: Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng; Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng.
Hội nghị được trực tuyến đến tất cả các tỉnh, thành phố và các xã, phường, đặc khu trong cả nước.

Tại điểm cầu Cà Mau, tham dự phiên họp có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồ Hải; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Huỳnh Quốc Việt; Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Thiều; Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Ngại và được truyền trực tuyến đến 64 điểm cầu cấp xã, phường trong toàn tỉnh.
Đồng chí Phạm Gia Túc, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 57, Phó Chánh Văn phòng Trung ương, cho biết, trong 6 tháng đầu năm, việc triển khai và thực hiện Nghị quyết 57 đạt nhiều kết quả nổi bật, đặc biệt là đã hoàn thiện về thể chế và chính sách.
“Các văn bản chỉ đạo, luật… được ban hành đã tạo hành lang pháp lý mới, thể hiện tư duy đổi mới rất sâu sắc của Đảng và Nhà nước, ưu tiên phát triển các lĩnh vực công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, dữ liệu lớn, Internet vạn vật”, đồng chí Phạm Gia Túc khẳng định.
Việc ban hành khung hành lang pháp lý đã tập trung tháo gỡ nhiều rào cản về thể chế, nhất là các quy định liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, cơ chế một cửa, một cửa liên thông; quy định về phân cấp, phân quyền phù hợp với mô hình chính quyền 2 cấp ở địa phương. Trên thực tế, việc sắp xếp bộ máy, giảm số lượng tỉnh, bỏ cấp huyện đã bảo đảm bộ máy mới vận hành thông suốt, hiệu quả.
Về chuyển đổi số và xây dựng hạ tầng số và phát triển dữ liệu, đã đưa vào vận hành Hệ thống giám sát, đánh giá Nghị quyết 57 và Hệ thống tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, sáng kiến trong lĩnh vực KHCN, ĐMST và chuyển đổi số. Hai công cụ quan trọng này giúp theo dõi tiến độ, kết quả thực hiện nhiệm vụ minh bạch, kịp thời, góp phần hiện đại hóa công tác chỉ đạo, điều hành, khắc phục tình trạng báo cáo hình thức. Ngoài ra, Cổng Thông tin điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam được nâng cấp, khẳng định vai trò là kênh thông tin chính thống, cầu nối hiệu quả giữa Đảng với Nhân dân.
Về hạ tầng số, đến nay đã có 12.106 trạm 5G được triển khai, phủ sóng hơn 26% dân số, hướng tới mục tiêu 90% dân số được tiếp cận 5G vào cuối năm 2025. Đồng thời, đang đẩy nhanh xây dựng các Trung tâm dữ liệu quy mô lớn, hình thành cơ sở hạ tầng dữ liệu quốc gia, kết nối các hệ thống từ Trung ương tới địa phương.
Đồng chí Phạm Gia Túc khẳng định: 6 tháng đầu năm 2025 là giai đoạn khởi đầu rất quan trọng, tạo chuyển biến mạnh mẽ, nền tảng vững chắc cho việc triển khai Nghị quyết 57. Kết quả có được là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo hết sức quyết liệt, sâu sát của đồng chí Tổng Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, thể hiện tinh thần quyết tâm rất cao về “Việc không thể không làm”.

Nhiều giải pháp ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ phục vụ sản xuất được triển khai mạnh mẽ trong thực tiễn. (Trong ảnh: Nuôi tôm công nghệ cao tại xã Năm Căn).
Nhận diện những mặt còn tồn tại, hạn chế, thách thức, thời gian tới tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thông thoáng, đột phá. Phiên họp đưa ra các nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhấn mạnh đến tháo gỡ rào cản cho phát triển Khu công nghệ cao và phát triển đô thị thông minh; đẩy nhanh phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, tạo nền tảng đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; triển khai mạnh mẽ các cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu chuyên ngành, đồng bộ, thống nhất, hạn chế tình trạng “cát cứ dữ liệu”…
Cũng trong sáng nay, Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tổ chức ra mắt các nền tảng số phục vụ giám sát triển khai Nghị quyết 57. Theo đó, 3 nền tảng số ra mắt gồm: Cổng thông tin điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; Hệ thống giám sát, đánh giá Nghị quyết số 57-NQ/TW; Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị, giải pháp sáng kiến (PAKN-GPSK) phát triển phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.