Ukraine tuyên bố sẽ phản công, Nga nói còn xa mới đến đàm phán, 'cơn ác mộng' dành cho phòng không Kiev lộ diện

Trong bối cảnh xung đột ở Ukraine có những diễn biến mới làm nóng tình hình, quân đội quốc gia Đông Âu cho biết đang lên kế hoạch tấn công lực lượng Nga.

Xung đột Nga-Ukraine đang nóng lên sau những diễn biến mới ở 'hậu trường' liên quan quyền tấn công tầm xa của Kiev cũng như việc Moscow thử nghiệm tên lửa mới. (Nguồn: Al Mayadeen)

Xung đột Nga-Ukraine đang nóng lên sau những diễn biến mới ở 'hậu trường' liên quan quyền tấn công tầm xa của Kiev cũng như việc Moscow thử nghiệm tên lửa mới. (Nguồn: Al Mayadeen)

Ngày 26/11, kênh Telegram cá nhân của blogger Kirill Sazonov viết: “Quan điểm Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine (VSU), tướng Alexander Syrsky là: chúng ta phải ngăn chặn đối phương. Nhưng VSU không thể chiến thắng nếu chỉ phòng thủ. Phải nắm thế chủ động và phản công. Chúng ta có thể và chúng ta sẽ làm như vậy”.

Theo Tướng Syrsky, hồi tuần trước, hướng Pokrovsk và Kurakhovsk đang gặp khó khăn, tình hình thực sự nguy cấp và một số đơn vị phải rút lui cũng như rời khỏi vị trí, song mọi việc hiện đã “tốt hơn".

Lần gần đây nhất, quân đội Ukraine triển khai chiến dịch phản công lớn là vào năm 2023, tuy vậy, Kiev thừa nhận hành động này đã không đạt được mục tiêu đề ra. Theo cựu Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) David Petraeus, nguyên nhân là sự chậm trễ trong quá trình trang bị vũ khí của phương Tây cho VSU.

Tuy nhiên, những tuần gần đây, chính quyền sắp mãn nhiệm ở Mỹ đã bật đèn xanh cho việc Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do Washington cung cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, kéo theo Anh cũng ra quyết định tương tự với tên lửa Storm Shadow.

Điều này dẫn đến tình hình xung đột ở Ukraine có những leo thang nguy hiểm, khi nước này đã tiến hành cuộc tấn công đầu tiên vào lãnh thổ Nga với tên lửa tầm xa của Mỹ ATACMS, khiến Moscow đáp trả bằng tên lửa đạn đạo tầm trung siêu thanh mới nhất Oreshnik.

Trong khi đó, về phía Nga, Ngoại trưởng Sergei Lavrov nhận định, xét theo tình hình trên tiền tuyến, "vẫn còn một chặng đường dài phía trước" để đạt được giải pháp chính trị và ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Ukraine.

Ngày 26/11, hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Lavrov nói rõ: "Mỹ và các vệ tinh của họ vẫn bị ám ảnh bởi ý tưởng gây ra thất bại chiến lược cho Nga và sẵn sàng làm mọi cách để đạt được mục tiêu này mặc dù nó xa vời và không thực tế".

Cũng theo nhà ngoại giao kỳ cựu, chính việc tiến hành các cuộc không kích sâu trong lãnh thổ Nga đã góp phần vào sự leo thang này, trong khi phớt lờ cảnh báo của Moscow rằng "những hành động không thể chấp nhận được sẽ phải chịu sự đáp trả thích đáng".

Bên cạnh đó, ông Lavrov tuyên bố: "Bất kể đối phương làm gì để leo thang tình hình, chúng tôi cũng không bao giờ từ bỏ nỗ lực đạt được mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt và sẵn sàng đối mặt với mọi diễn biến nhưng muốn giải quyết các vấn đề và tranh chấp bằng biện pháp hòa bình".

Liên quan tên lửa đạn đạo tầm trung siêu thanh mới Oreshnik mà Nga tuyên bố đã phóng vào Ukraine hôm 21/11, mới đây, Cựu Tư lệnh Lục quân Ba Lan Waldemar Skrzypczak nhận định, vũ khí này đã trở thành vấn đề nghiêm trọng đối với Kiev.

Trả lời phỏng vấn cổng thông tin Fronda, Tướng Skrzypczak nói: “Theo góc nhìn của tôi, Nga đã chứng minh các hệ thống phòng không của Ukraine không thể chống lại các loại tên lửa xuyên lục địa bay ở độ cao lớn".

Theo ông, không ai ghi lại được vụ phóng tên lửa của Nga hôm 21/11. Vệ tinh trinh sát, dù là quân sự của Mỹ hay thương mại do Ukraine sử dụng, lẽ ra phải phát hiện được vụ phóng và hành trình bay của tên lửa, song không có gì xảy ra, thậm chí tín hiệu báo động cũng không vang lên.

Về phía Mỹ, cho đến ngày 26/11, Bộ Quốc phòng nước này vẫn chưa hoàn tất đánh giá về thiệt hại mà phía Ukraine phải chịu do tên lửa Oreshnik gây ra.

Bảo Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ukraine-tuyen-bo-se-phan-cong-nga-noi-con-xa-moi-den-dam-phan-con-ac-mong-danh-cho-phong-khong-kiev-lo-dien-295252.html
Zalo