UAV - Cơn ác mộng của các binh lính ở Ukraine
Cuộc xung đột ở Ukraine đang dần trở thành cuộc giao tranh sử dụng UAV nhiều nhất từ trước đến nay. Bất kỳ phương tiện nào hoạt động gần tiền tuyến hiện đều trở thành mục tiêu dễ dàng.
Tử địa UAV ở Ukraine
"Máy bay không người lái. Chỉ toàn là máy bay không người lái. Rất nhiều máy bay không người lái". Một chỉ huy trung đội của Ukraine mệt mỏi nói trong lúc được sơ tán khỏi tiến tuyến vì lý do y tế, phản ánh bản chất thay đổi của tác chiến hiện đại.
UAV cảm tử. UAV trinh sát. UAV ném bom. UAV tiêu diệt các UAV khác. Những phương tiện này dày đặc trên bầu trời. Giá thành rẻ và khả năng sát thương cao là những lý do khiến Ukraine tin rằng họ có thể sử dụng chúng để ngăn cản đà tiến công của quân đội Nga trong năm nay và lâu hơn nữa, các chỉ huy, quan chức và nhà sản xuất vũ khí của Ukraine nhận định.

UAV lai tên lửa Peklo do Ukraine sản xuất. Ảnh: Reuters
Binh lính Ukraine gọi dải đất rộng dày đặc UAV rộng khoảng 10km trên chiến tuyến là "tử địa" bởi các UAV được điều khiển từ xa do hai bên triển khai có thể nhanh chóng phát hiện và vô hiệu hóa mục tiêu,
Cuộc xung đột ở Ukraine đang dần trở thành cuộc giao tranh sử dụng UAV nhiều nhất từ trước đến nay, làm suy giảm nhất định khả năng của Nga trong việc tận dụng các lợi thế truyền thống về quân số, pháo và xe tăng, 2 chỉ huy chiến trường của Ukraine cho hay.
Bất kỳ phương tiện lớn nào hoạt động gần tiền tuyến hiện đều trở thành mục tiêu dễ dàng, đồng nghĩa với việc Nga không thể tiến công nhanh chóng bằng các đoàn xe bọc thép như họ từng thực hiện vào năm 2022, các chỉ huy và người sáng lập hệ thống OCHI - nơi tổng hợp tín hiệu video từ hơn 15.000 người điều khiển UAV của quân đội Ukraine ngoài mặt trận, cho hay.
"Đối phương nhìn thấy bạn một cách rõ ràng. Dù bạn ở đâu, lái gì, họ đều trông thấy", người sáng lập OCHI - Oleksandr Dmitriev nói.
Theo các chỉ huy Ukraine, trước tình hình đó, Nga đã điều chỉnh chiến thuật, chuyển sang tấn công theo từng nhóm nhỏ 5 - 6 người, đi bộ hoặc di chuyển bằng xe máy hay xe địa hình nhằm dụ Ukraine để lộ vị trí khai hỏa, sau đó tiến hành tấn công bằng UAV.
Dù chiến thuật thay đổi, các lực lượng của Nga vẫn chiếm ưu thế và từng bước tiến công chậm mà chắc tại các mặt trận phía Đông và phía Bắc Ukraine. Nga cũng bắt kịp công nghệ UAV sau thời gian đầu bị tụt lại và hiện vẫn đang sản xuất hàng triệu UAV mỗi năm, các nhà phân tích quân sự cho hay.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo châu Âu đang cố gắng diễn giải thông báo của Tổng thống Donald Trump tuần này rằng Washington sẽ cung cấp vũ khí cho Ukraine qua NATO còn châu Âu sẽ thanh toán cho các vũ khí đó. Hiện nhiều chi tiết vẫn chưa rõ, bao gồm loại, số lượng vũ khí, tốc độ chuyển giao và phương thức thanh toán.
Nhiều ý kiến đã nhấn mạnh vai trò quyết định của UAV trong việc cân bằng tương quan lực lượng và giúp Ukraine tự chủ hơn. Họ cũng nhắc đến sự hỗ trợ quân sự ngày càng tăng từ các đồng minh châu Âu.
“Chúng tôi có thể cầm cự được nhiều tháng. Nếu chuyện đó xảy ra vào năm 2023 hay 2024, tình hình sẽ tồi tệ hơn nhiều. Chúng tôi chỉ có thể nói về số ngày và số tuần”, ông Oleksandr Kamyshin - cố vấn chiến lược và chuyên gia vũ khí của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói khi được hỏi về viễn cảnh Mỹ ngừng viện trợ.
Chuyên gia quân sự Ba Lan Konrad Muzyka, người đã nhiều lần đến tiền tuyến, cho biết Ukraine hiện đang tập trung làm suy yếu sức tấn công của Nga do chưa đủ khả năng phát động phản công quy mô lớn. Ông cho rằng trong một cuộc xung đột kéo dài, Ukraine sẽ gặp khó khăn do thiếu hụt nhân lực, trong khi Nga vẫn sở hữu nguồn lực vượt trội. Dù UAV đang làm thay đổi cục diện chiến trường song chuyên gia này cảnh báo không nên quá đề cao khả năng thay thế của chúng so với pháo binh truyền thống.
“Để gây ra thiệt hại tương đương một quả đạn pháo, chúng ta cần phóng hàng chục UAV. Chúng có thể lấp đầy một phần khoảng trống, giúp giảm sức ép nhưng không thể thay thế các hệ thống pháo", ông Konrad Muzyka đánh giá.
Cơn ác mộng của các binh lính
Máy bay không người lái là cơn ác mộng đối với những ai đang ở trong "tử địa" dọc 1.000km tiền tuyến Ukraine. Các UAV trinh sát từ cả hai bên trông giống như những chiếc máy bay thu nhỏ, được làm từ nhựa hoặc xốp, gắn những loại camera tối tân, có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách hàng km. Chúng bay lơ lửng trên tiền tuyến, truyền hình ảnh về sở chỉ huy theo thời gian thực.
Các UAV này cũng tìm mục tiêu cho các đội UAV ném bom và UAV cảm tử với một số phương tiện được gắn đầu đạn RPG xuyên giáp có thể lao thẳng vào các binh lính, xe tăng hoặc các hệ thống vũ khí khác.
Một chỉ huy trung đội có biệt danh là Atom, 35 tuổi - người đang được sơ tán khỏi chiến trường, cho biết binh lính hai bên giờ đây đều xem UAV là mối đe dọa lớn nhất, chứ không phải pháo, mìn và những cuộc giao tranh trực tiếp như hồi đầu xung đột.
Theo ước tính của Ukraine, UAV chiếm 69% các đợt tấn công nhằm vào binh lính Nga và 75% số cuộc tấn công nhắm vào các phương tiện, khí tài. Trong khi đó, pháo chỉ chiếm khoảng 18% số vụ tấn công vào bộ binh Nga và 15% vào các thiết bị, còn súng cối chiếm tỉ lệ thấp hơn nữa.
Cuộc chạy đua UAV đã thúc đẩy nhiều đổi mới khi cả hai bên triển khai UAV cự ly ngắn dùng cáp quang không thể bị gây nhiễu điện tử, cũng như UAV đánh chặn, chuyên săn và phá hủy UAV trinh sát và UAV tấn công của đối phương.
Theo cựu chỉ huy lực lượng UAV của Ukraine Vadym Sukharevskyi, Kiev đặt mục tiêu sản xuất 30.000 UAV tầm xa trong năm nay, được thiết kế để tấn công sâu trong lãnh thổ Nga, nhằm vào kho vũ khí và cơ sở hạ tầng năng lượng. Ông cho biết chi phí trung bình của một UAV tấn công tầm xa dao động từ 50.000 đến 300.000 USD, rẻ hơn khoảng 10 lần so với tên lửa cùng tầm bắn, dù đầu đạn của UAV nhỏ hơn. Theo ông, Ukraine phát triển loại UAV này “chính là vì không đủ tên lửa”.
Cố vấn Kamyshin của Tổng thống Zelensky cho rằng: “Không thể thắng một cuộc xung đột lớn nếu chỉ phòng thủ”. Theo ông, các đòn tấn công bằng UAV tầm xa là “một trong những quân bài chính mà Ukraine có thể dùng đối phó với Nga hiện nay”.
Sự phụ thuộc vào Patriot và tình báo Mỹ
Tổng thống Zelensky cho biết, công nghiệp quốc phòng Ukraine đang phát triển nhanh chóng, hiện chiếm khoảng 40% lượng vũ khí và trang thiết bị được sử dụng, bao gồm cả UAV. Ông đặt mục tiêu nâng tỷ lệ này lên 50% trong 6 tháng tới.
Kiev cũng chủ động đa dạng hóa nguồn cung và nhận được ngày càng nhiều đạn dược từ các đồng minh châu Âu. Theo Viện Kinh tế Kiel (Đức), tính đến tháng trước, lần đầu tiên kể từ tháng 6/2022, tổng viện trợ quân sự của châu Âu cho Ukraine đã vượt Mỹ, đạt 72 tỷ euro, so với 65 tỷ euro từ Washington.
Viện này cho biết dòng viện trợ thay đổi đáng kể vào tháng 3 và 4 khi Mỹ chưa phê duyệt thêm gói hỗ trợ mới, trong khi châu Âu tăng cường viện trợ. Dù Washington vẫn là nhà cung cấp đạn pháo lớn nhất cho Kiev nhưng châu Âu đang mở rộng năng lực sản xuất và mua hàng trăm nghìn quả đạn pháo từ cả trong và ngoài châu lục.
Trong khoảng 420.000 quả đạn pháo mà Ukraine nhận được từ đầu năm đến giữa tháng 5, chỉ có 160.000 quả đến từ Mỹ, một nguồn tin an ninh châu Âu giấu tên tiết lộ. Ông Kamyshin cho biết Ukraine tự sản xuất khoảng 2,4 triệu quả đạn pháo trong năm 2024, chủ yếu là đạn cối cỡ nhỏ. Tuy vậy, theo các nhà phân tích quân sự, Ukraine vẫn phụ thuộc lớn vào Mỹ trong lĩnh vực phòng không và chia sẻ tình báo.
Kiev đặc biệt cần hệ thống phòng thủ Patriot của Mỹ để có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo, vốn được Nga sử dụng ngày càng thường xuyên hơn. Tính đến tháng 4 năm nay, Ukraine chỉ có 7 tổ hợp Patriot hoạt động, trong khi Tổng thống Zelensky từng đề nghị cung cấp 25 hệ thống để nâng cao năng lực phòng không.
Ngoài ra, theo Viện Nghiên cứu An ninh Liên minh châu Âu (EUISS), các đòn tấn công bằng UAV tầm xa và tên lửa thường phụ thuộc vào dữ liệu vệ tinh tình báo của Mỹ. Nếu Washington ngừng chia sẻ, các nước châu Âu chỉ có thể thay thế một phần nhỏ.