U-23 Việt Nam nắm lợi thế trước trận chung kết với Indonesia

Nếu chủ nhà U-23 Indonesia bước vào chung kết với khí thế bừng bừng từ chiến thắng kịch tính ở bán kết, thì U-23 Việt Nam lại tiến đến trận đấu cuối cùng theo một cách điềm đạm nhưng đầy bản lĩnh.

Dưới sự nhào nặn của HLV Kim Sang-sik, các cầu thủ trẻ U-23 Việt Nam đang dần hoàn thiện một bản thể mới: vững vàng trong chiến lược, linh hoạt trong điều chỉnh và bản lĩnh trong thời khắc quan trọng. Đó chính là sự chuẩn bị thầm lặng nhưng chắc chắn, thứ vũ khí có thể giúp U-23 Việt Nam vượt qua đội chủ nhà hừng hực khí thế tại Gelora Bung Karno.

Một trong những điểm nhấn lớn nhất trong trận bán kết của U-23 Việt Nam là cách HLV Kim Sang-sik xoay tua đội hình và rút các trụ cột ra sân sớm, dù cách biệt chỉ là một bàn. Việc thay liền ba trụ cột gồm Đình Bắc, Công Phương và đội trưởng Văn Khang ở phút 65 thể hiện sự tính toán về thể lực cho trận chung kết, cùng niềm tin dành cho các cầu thủ dự bị.

Đáng chú ý những sự thay đổi không làm chất lượng đội hình U-23 Việt Nam suy giảm. Thay vào đó, các học trò ông Kim chủ động giữ vững thế trận, tổ chức phòng ngự kín kẽ và kiểm soát khu trung tuyến, khiến U-23 Philippines gần như không thể tung ra pha bóng nguy hiểm nào trong khoảng 30 phút cuối. Việc giữ nhịp trận đấu, che chắn tốt hai biên và bẻ gãy nhịp lên bóng của đối phương cho thấy U-23 Việt Nam biết kiểm soát thế trận đầy thực dụng.

 Đội trưởng Khuất Văn Khang cùng đồng đội có nhiều lợi thế hơn chủ nhà Indonesia trong trận chung kết. Ảnh: CCT.

Đội trưởng Khuất Văn Khang cùng đồng đội có nhiều lợi thế hơn chủ nhà Indonesia trong trận chung kết. Ảnh: CCT.

Trong khi đó, U-23 Indonesia vừa trải qua 120 phút thi đấu căng thẳng trước kình địch Thái Lan. Họ bị dẫn bàn, gỡ hòa ở phút 84 và cuối cùng phải nhờ đến loạt đá luân lưu để giành vé vào chung kết. Những tràng pháo tay, niềm vui ngập tràn trên sân chỉ là phần nổi. Phía sau đó chính là sự mệt mỏi rã rời mà các cầu thủ phải gánh chịu.

Hình ảnh tiền đạo Jens Raven đi “lò cò” trong những phút cuối hiệp phụ là dấu hiệu rõ rệt nhất. Anh là người ghi bàn gỡ hòa và cũng là cầu thủ bị vắt kiệt năng lượng nhất. Với chỉ ba ngày nghỉ, rất khó để HLV Vanenburg giúp các trụ cột hồi phục 100%, chưa kể hai tiền vệ chủ chốt Arkhan Fikri và Toni Firmansyah vẫn đang trong tình trạng bỏ ngỏ do chấn thương.

Indonesia có sân nhà và khán giả, nhưng đội khách U-23 Việt Nam có thể lực tốt, sự chuẩn bị chiến thuật và khả năng xoay vòng nhân sự vượt trội hơn. Khi trận đấu bị đẩy về tốc độ cao, những đôi chân chưa hồi phục hoàn toàn sẽ là điểm yếu chí mạng.

 Indonesia bị bắt kiệt sức sau 120 phút căng thẳng với Thái Lan ở trận bán kết. Ảnh: CCT.

Indonesia bị bắt kiệt sức sau 120 phút căng thẳng với Thái Lan ở trận bán kết. Ảnh: CCT.

Một chi tiết đáng chú ý khác là cách ông Kim Sang-sik điều chỉnh vai trò của từng cá nhân theo chiều sâu của giải. Công Phương từ vị trí dự bị đã chen chân vào đội hình chính. Xuân Bắc và Anh Quân, những cái tên ít được nhắc đến trước giải, giờ là nhân tố không thể thay thế ở tuyến giữa.

Cách ông Kim vận dụng từng quân bài dựa trên sự thể hiện thực tế, chứ không theo danh tiếng, giúp đội hình U-23 Việt Nam có tính cạnh tranh nội tại rất cao. Thậm chí, những quyết định tưởng như liều lĩnh lại trở thành dấu ấn cá nhân: kéo Văn Trường đá cao như một tiền đạo ảo, đưa Lê Viktor đá lệch cánh trái để tận dụng khả năng càn lướt, hoặc để Văn Khang dạt biên nhiều hơn thay vì bó vào trung lộ như thường lệ.

 HLV Kim Sang-sik xoay tua đội hình để dưỡng sức các trụ cột cho trận chung kết vào ngày 29-7 với chủ nhà Indonesia. Ảnh: CCT.

HLV Kim Sang-sik xoay tua đội hình để dưỡng sức các trụ cột cho trận chung kết vào ngày 29-7 với chủ nhà Indonesia. Ảnh: CCT.

HLV Kim Sang-sik dám nghĩ khác và làm khác cho U-23 Việt Nam nhưng đầy kiểm soát. Quan trọng hơn cả, các học trò của ông đang có tinh thần ổn định và lối chơi gắn kết. Họ biết chơi bóng với nhau một cách nhịp nhàng, không nôn nóng và tự phát. Sự đồng đều giữa các tuyến, khả năng pressing có tổ chức và tính kỷ luật cao đang khiến U-23 Việt Nam trở thành một tập thể rất khó bị đánh bại.

Trận chung kết với Indonesia chắc chắn không dễ dàng, nhất là khi Gelora Bung Karno được phủ kín bởi hàng chục ngàn cổ động viên chủ nhà. Nhưng nếu giữ được sự tỉnh táo, biết tận dụng thế trận và duy trì thế mạnh về thể lực, U-23 Việt Nam đủ khả năng lật đổ áp lực từ khán đài và viết tiếp lịch sử với lần thứ ba liên tiếp vô địch Đông Nam Á.

TÂM VÕ

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/u-23-viet-nam-nam-loi-the-truoc-tran-chung-ket-voi-indonesia-post862505.html
Zalo