U-23 Việt Nam đe dọa giấc mơ sau 38 năm của bóng đá Indonesia

Đã 38 năm kể từ lần cuối cùng bóng đá Indonesia được ăn mừng một chức vô địch trên sân nhà Gelora Bung Karno và lần này họ đối diện ngọn núi lớn U-23 Việt Nam ở chung kết giải U-23 Đông Nam Á.

Khoảnh khắc lịch sử của bóng đá Indonesia diễn ra tại SEA Games 1987, khi lần đầu tiên họ giành chiếc huy chương vàng trên sân vận động lớn nhất đất nước. Từ đó đến nay, sân Gelora Bung Karno đã chứng kiến vô vàn trận đấu lớn nhỏ, nhưng chưa lần nào một bóng đá Indonesia có dịp nâng cúp tại đây ở một giải đấu chính thức.

Năm 2025, tại giải vô địch U-23 Đông Nam Á, người hâm mộ xứ vạn đảo đang háo hức chờ đợi một chương mới của lịch sử được viết tiếp.

Đường đến trận chung kết

Đội tuyển U-23 Indonesia đã trải qua hành trình tương đối khó khăn để vào chung kết giải U-23 Đông Nam Á. Sau vòng bảng đầy thử thách, nơi họ đánh bại Brunei và Philippines nhưng phải chia điểm với Malaysia, thầy trò HLV Gerald Vanenburg đã đối mặt với U-23 Thái Lan ở bán kết, một đối thủ luôn là “cái gai” của bóng đá Indonesia trong khu vực.

Trận đấu kịch tính kéo dài với tỷ số hòa 1-1 sau 120 phút, buộc hai đội phải phân định thắng thua trên chấm luân lưu. Ở đó, Indonesia giành chiến thắng nghẹt thở 7-6, và lần đầu tiên sau nhiều năm, họ lại có cơ hội lên ngôi trên sân nhà.

 Chủ nhà Indonesia nhọc nhằn vượt qua Thái Lan sau 120 phút căng thẳng. Ảnh: CCT.

Chủ nhà Indonesia nhọc nhằn vượt qua Thái Lan sau 120 phút căng thẳng. Ảnh: CCT.

Trái lại, hành trình của U-23 Việt Nam có phần thuyết phục và chắc chắn hơn. Thầy trò HLV Kim Sang-sik toàn thắng cả ba trận, lần lượt vượt qua Campuchia, Lào và Philippines, trong đó trận bán kết là màn lội ngược dòng ấn tượng sau khi bị dẫn trước.

Dưới sự dẫn dắt của ông thầy người Hàn Quốc, người được giao nhiệm vụ tái thiết đội tuyển sau thời Park Hang-seo, đội tuyển U-23 Việt Nam đang cho thấy sự ổn định và bản lĩnh, đồng thời cho thấy quyết tâm bảo vệ ngôi vương đã giành được tại giải đấu năm 2023.

Chính ở giải đó, Việt Nam từng đánh bại Indonesia trong loạt luân lưu để lên ngôi tại Rayong, Thái Lan. Điều này không chỉ giúp Việt Nam khẳng định vị thế hàng đầu Đông Nam Á ở cấp độ U-23, mà còn gieo vào lòng người hâm mộ bóng đá Indonesia một vết đau khó quên.

Vì vậy, trận chung kết lần này là cơ hội "phục hận" không thể tốt hơn đối với chủ nhà Indonesia, nhưng cũng đồng thời là thời cơ lớn để Việt Nam một lần nữa khẳng định sức mạnh của mình, hướng đến cú ăn ba danh hiệu lớn trong khu vực: AFF Cup 2024, U-23 Đông Nam Á 2025 và xa hơn là SEA Games 2025.

 U-23 Việt Nam đang có chuỗi trận toàn thắng ở giải U-23 Đông Nam Á. Ảnh: CCT.

U-23 Việt Nam đang có chuỗi trận toàn thắng ở giải U-23 Đông Nam Á. Ảnh: CCT.

Tham vọng của bóng đá Indonesia và chướng ngại đến từ Việt Nam

Sự chú ý đặc biệt được dồn vào HLV Gerald Vanenburg, cựu tuyển thủ Hà Lan đang thổi một làn gió mới vào lối chơi của U-23 Indonesia. Trong trận bán kết với Thái Lan, ông đã có một quyết định táo bạo và đầy bản lĩnh: đẩy trung vệ Muhammad Ferrari lên đá tiền đạo ở những phút cuối trận.

Đây là một canh bạc chưa từng thử nghiệm trong quá trình tập luyện nhưng lại mang về kết quả tuyệt vời. Ferrari đã tạo ra khoảng trống cho Jens Raven, tiền đạo mang hai dòng máu Indonesia - Hà Lan, ghi bàn san bằng tỷ số. Điều này cho thấy tầm nhìn chiến thuật và khả năng ứng biến linh hoạt của Vanenburg.

Không chỉ thế, HLV Vanenburg còn thể hiện sự nhạy cảm tâm lý khi tin tưởng giao quả sút phạt đền quyết định cho Hokky Caraka, cầu thủ gây nhiều tranh cãi vì phong độ thất thường. Trong khi nhiều người hoài nghi về lựa chọn này, thì Hokky lại bình tĩnh thực hiện cú sút chính xác, đưa bóng đá Indonesia vào chung kết.

 HLV Gerald Vanenburg tiếp lửa cho các học trò ở Gelora Bung Karno. Ảnh: CCT.

HLV Gerald Vanenburg tiếp lửa cho các học trò ở Gelora Bung Karno. Ảnh: CCT.

Hành động của ông thầy người Hà Lan không chỉ cứu vãn hình ảnh của Hokky trong mắt công chúng, mà còn thể hiện sự đồng cảm và tinh tế trong cách làm việc của Vanenburg, người hiểu rằng đôi khi, niềm tin vào một cá nhân đúng lúc có thể tạo ra sự khác biệt lớn.

Trận chung kết sắp tới giữa U-23 Indonesia và U-23 Việt Nam không chỉ là cuộc chiến về mặt chiến thuật mà còn là cuộc đối đầu giữa hai trường phái xây dựng đội bóng khác biệt. Việt Nam hướng đến sự ổn định, chặt chẽ, kỷ luật, còn Indonesia mang đến sự sáng tạo, bùng nổ và đôi lúc là những quyết định “điên rồ” nhưng đầy cảm hứng.

Trong đó, sức nóng tại “chảo lửa” Gelora Bung Karno chắc chắn là một yếu tố ảnh hưởng lớn đến tâm lý các cầu thủ. Sự cổ vũ cuồng nhiệt từ hơn 70.000 khán giả có thể tạo áp lực cho đội khách, nhưng đồng thời cũng là con dao hai lưỡi với đội chủ nhà, nơi mà kỳ vọng quá lớn đôi khi trở thành gánh nặng không thể chịu nổi.

 Xuân Bắc và đồng đội trưởng thành hơn sau từng trận đấu. Ảnh: CCT.

Xuân Bắc và đồng đội trưởng thành hơn sau từng trận đấu. Ảnh: CCT.

U-23 Việt Nam có kinh nghiệm thi đấu các trận chung kết trong môi trường áp lực. Dưới thời HLV Kim Sang-sik, đội tuyển cho thấy khả năng kiểm soát bóng tốt, phòng ngự chắc chắn và phản công sắc bén. Các nhân tố trụ cột như Văn Trường, Khuất Văn Khang, Đình Bắc,… hay thủ thành Trung Kiên đều đang có phong độ cao.

Ngoài ra, bản lĩnh thi đấu của Việt Nam trong các loạt luân lưu cũng là một lợi thế đáng kể, điều đã từng khiến Indonesia ôm hận ở Rayong.

Ngược lại, Indonesia đang nuôi giấc mơ tái hiện khoảnh khắc năm 1987, lần duy nhất họ nâng cúp tại sân Gelora Bung Karno. Những cơn sóng cảm xúc đang dâng trào trong lòng người hâm mộ.

Chưa ai biết kết quả sẽ ra sao, nhưng rõ ràng trận chung kết U-23 Đông Nam Á 2025 giữa bóng đá Indonesia và Việt Nam hứa hẹn là một cuộc đối đầu nghẹt thở và hấp dẫn.

Liệu ông thầy Vanenburg 61 tuổi sẽ viết lại chương sử mới cho bóng đá Indonesia? Hay đồng nghiệp trẻ Kim Sang-sik 49 tuổi tiếp tục khẳng định vị thế của Việt Nam là một cường quốc tại Đông Nam Á?

Câu trả lời sẽ xuất hiện vào ngày 29-7, khi bóng lăn tại Gelora Bung Karno.

MINH KHÁNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/u-23-viet-nam-de-doa-giac-mo-sau-38-nam-cua-bong-da-indonesia-post862498.html
Zalo