Tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn trình của cả nước đạt 39,5%
Tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính tháng 6/2025 của cả nước là 39,51%, trong khi đó mục tiêu cần đạt vào cuối năm 2025 là 80%.
Cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình còn hình thức
Thông tin về kết quả triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phát triển Chính phủ số thời gian qua, Bộ KH&CN – cơ quan thường trực Ban chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 cho hay, việc tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn trình trung bình cả nước mới chỉ đạt 39,5% vẫn còn khoảng cách rất xa so với mục tiêu 80% cần đạt được vào cuối năm 2025.
Theo thống kê, trong tháng 6, tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn trình của khối bộ, ngành là 51,19%, còn khối tỉnh, thành phố mới chỉ đạt 15,21%. Cũng trong tháng 6/2025, Văn phòng Chính phủ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai Cổng Dịch vụ công quốc gia trở thành điểm “một cửa số” tập trung quốc gia.

Cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi trong phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam hướng tới Chính phủ số.
Tuy vậy, báo cáo của Bộ KH&CN còn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến thời gian qua, đó là: Có tới 14/15 bộ, cơ quan ngang bộ (có cung cấp dịch vụ công) và 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không đạt mục tiêu tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn trình đã đăng ký theo tháng; tiến độ số hóa, tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính còn chậm; hình thức tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính vẫn theo địa giới hành chính; Cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình còn hình thức, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến thấp, không hiệu quả...
Những hạn chế, tồn tại trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, theo phân tích của Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ KH&CN), là do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trong đó, tiêu biểu là việc thủ tục hành chính chưa được tinh giản trên môi trường số; hạ tầng kỹ thuật, phần mềm cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa thực sự thuận tiện; sự sẵn sàng, kỹ năng số của người dân cần phải được nâng cao.
Ứng dụng AI để nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến
Trên cơ sở tham mưu, đề xuất của Bộ KH&CN, ngày 18/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Kế hoạch nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình; cung cấp dịch vụ số mới được cá nhân hóa, dựa trên dữ liệu cho người dân và doanh nghiệp”.
Kế hoạch hướng tới mục tiêu cung cấp tập trung các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, bảo đảm chất lượng, thuận tiện, minh bạch, hiệu quả, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp; người dân, doanh nghiệp có thể dễ dàng truy cập, sử dụng dịch vụ công trực tuyến theo hướng một cửa số quốc gia, các cơ quan nhà nước chủ động phục vụ.
Phát triển các dịch vụ số mới, được cá nhân hóa dựa trên dữ liệu, bảo đảm các dịch vụ công được tối ưu theo nhu cầu cụ thể của từng cá nhân và doanh nghiệp. Khai thác dữ liệu để cải thiện chất lượng phục vụ, hỗ trợ dự báo và đề xuất dịch vụ phù hợp cho từng người dùng, phát huy hiệu quả việc khai thác dữ liệu tại Trung tâm Dữ liệu quốc gia.
Đồng thời, tăng cường giám sát, đánh giá và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhằm nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm các thủ tục hành chính được tinh giản, chuẩn hóa, hướng tới tối thiểu hóa các thành phần hồ sơ thủ tục hành chính, đơn giản hóa việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh việc xác định các mục tiêu cụ thể cần đạt trong các năm 2025 và 2026, kế hoạch mới được Thủ tướng Chính phủ ban hành cũng chỉ rõ 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, bao gồm: Rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế để triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình; Điều chỉnh, cập nhật, hợp nhất hoặc tổ chức lại Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh; Hoàn thành và đưa vào khai thác hiệu quả các cơ sở dữ liệu quốc gia, các cơ sở dữ liệu dùng chung của cơ quan nhà nước; Số hóa, tạo lập kho dữ liệu hồ sơ thủ tục hành chính và tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính;
Bảo đảm khả năng truy cập dịch vụ công trực tuyến thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp; Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo - AI để nâng cao chất lượng sử dụng dịch vụ công trực tuyến; Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; Đào tạo nhân lực số; Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng trải nghiệm của người dùng dịch vụ công trực tuyến; Tổ chức đánh giá về chất lượng trải nghiệm của người dùng đối với các dịch vụ công trực tuyến.
Đặc biệt, với từng nhiệm vụ, Thủ tướng Chính phủ đều có phân công cụ thể các đơn vị chủ trì, phối hợp cùng thời hạn cần hoàn thành. Đơn cử như, về hoàn thiện thể chế, cơ chế để triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình, các bộ, ngành sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật chuyên ngành để công nhận đầy đủ giá trị pháp lý của hồ sơ và kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử theo hướng một văn bản sửa nhiều văn bản bảo đảm để triển khai dịch vụ công trực tuyến. Thời hạn hoàn thành nhiệm vụ này là trong tháng 9/2025.
Với nhiệm vụ ứng dụng AI để nâng cao chất lượng sử dụng dịch vụ công trực tuyến, Thủ tướng Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ KH&CN, Nội vụ ứng dụng công nghệ AI trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đồng thời tổ chức hướng dẫn triển khai trên các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, tỉnh và tại các Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, xã. Việc này cần được hoàn thành trước ngày 30/11/2025.