Tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá cần làm thường xuyên, liên tục
Theo các chuyên gia, việc tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá tới học sinh trong nhà trường cần làm thường xuyên, liên tục và linh hoạt.
Cô Trần Thị Bích Hợp - Hiệu trưởng Trường THPT Đống Đa (Hà Nội) cho biết, tuyên truyền về phòng chống tác hại của thuốc lá/thuốc lá điện tử là một trong các nội dung nằm trong kế hoạch giáo dục trong mỗi năm học của nhà trường. Việc này được thực hiện linh hoạt, đa dạng tùy vào thực tế giảng dạy.
Lứa tuổi THPT các em có xu hướng muốn thể hiện "cái tôi", muốn làm "người lớn" trước mọi người nên sẽ dễ dàng bị dụ dỗ học theo các thói hư, tật xấu, trong đó có sử dụng thuốc lá. Hiện nay, các sản phẩm từ thuốc lá rất đa dạng nhưng nhiều học sinh chưa hiểu được hết tác hại của chúng tới sức khỏe.
Trung tuần tháng 10 vừa qua, Trường THPT Đống Đa đã phối hợp với cán bộ thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) của thành phố Hà Nội tổ chức buổi tuyên truyền với chủ đề "Môi trường không khói thuốc lá" tại trường.
Tại đây, Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Vân đến từ CDC Hà Nội đã phân tích cho các em biết được những tác hại của khói thuốc lá tới cơ thể con người. Trong khói thuốc lá có chứa khoảng 7.000 chất độc hóa học, 67 chất gây ung thư, chất nhựa hắc ín, Nicotine, Cacbonmonoxit (CO)...
Vị chuyên gia cũng khẳng định, thuốc lá điện tử cũng là một dạng của thuốc lá, sự nguy hại của nó tới sức khỏe cũng tương tự như các sản phẩm từ thuốc lá. Tất cả những ai suy nghĩ rằng thuốc lá điện tử không hoặc ít gây hại hơn so với thuốc lá truyền thống là hoàn toàn sai lầm.
Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Vân dẫn giải số liệu từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong năm 2019, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong lứa tuổi học sinh từ 15-17 tuổi tại Việt Nam là 2,6%. Đến năm 2022, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử của học sinh độ ở độ tuổi 13-15 là 3,5% và đang có xu hướng trẻ hóa.
Nguyên nhân một phần vì sự thiếu hiểu biết về các tác hại do thuốc lá điện tử mang lại. Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các bệnh mãn tính không lây nhiễm và lây nhiễm. Do đó, việc cung cấp thông tin khoa học chính xác nhằm nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá điện tử cần làm thường xuyên, liên tục.
Cô Hiệu trưởng Trần Thị Bích Hợp cũng cho hay, việc tuyên truyền giáo dục học sinh về tác hại của thuốc lá cũng được giáo viên lồng ghép linh hoạt trong một số môn học như: Ngữ Văn, Giáo dục kinh tế - pháp luật, Sinh học và các hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, hoạt động ngoại khóa khác.
"Mỗi thầy cô sẽ tùy vào đặc thù môn học mà có thể đưa một số phần kiến thức, kỹ năng về phòng chống tác hại của thuốc lá vào nội dung bài học sao cho phù hợp. Mục tiêu nhằm để các em hiểu được sự nguy hại của thuốc lá, chủ động tránh xa khói thuốc và biết cách từ chối sử dụng thuốc lá" - cô Bích Hợp nhấn mạnh.
Mặt khác, nhà trường cũng phối hợp với các tổ chức đoàn thể địa phương, tuyên truyền tới phụ huynh học sinh thực hiện không hút thuốc lá để làm gương cho các em. Tất cả phấn đấu vì một môi trường học đường lành mạnh, không khói thuốc.
"Nhà trường linh hoạt lồng ghép nội dung này vào các cuộc thi tìm hiểu, vẽ tranh, mít tinh, biểu diễn văn nghệ về phòng chống tác hại của thuốc lá; tổ chức Tuần lễ quốc gia không thuốc lá và ngày Thế giới không thuốc lá 31/5; phối hợp, tuyên truyền thông qua các hoạt động của Đoàn thanh niên", Hiệu trưởng Trường THPT Đống Đa, Hà Nội chia sẻ thêm.