Tuyển sinh vào lớp 10 THPT: Nỗ lực đáp ứng đổi mới theo yêu cầu thực tiễn
Đổi mới thi cử chính là khâu đột phá, là điều kiện cần và cũng là điều kiện đủ cho việc đổi mới nội dung và phương pháp dạy học hiện nay.
Năm học 2024-2025 là năm đầu tiên đổi mới kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Nhà trường, gia đình và học sinh nên có sự chuẩn bị như thế nào đối với những thay đổi của kỳ thi tuyển sinh? Phóng viên có buổi trao đổi với cô Vương Thị Thu Trang - Hiệu trưởng Trường THCS Trương Công Giai (quận Cầu Giấy, Hà Nội) về vấn đề trên.
Chuẩn bị kỹ lưỡng
- Cô đánh giá như thế nào về sự đổi mới của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2025 - 2026 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018?
Cô Vương Thị Thu Trang: Bản thân tôi cũng như là trường THCS Trương Công Giai tin rằng, các nhà trường đều đã có sự chuẩn bị tốt nhất về mọi điều kiện cho sự đổi mới trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT.
Vì chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được bắt đầu áp dụng từ năm học 2021-2022, nên năm nay sẽ kết thúc một lộ trình từ lớp 6 cho đến lớp 9, do vậy mà việc đổi mới trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT là chắc chắn.
Và theo Nghị quyết 29 đã đề ra về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, thì đổi mới thi cử chính là khâu đột phá. Nên bản thân tôi vừa kỳ vọng, vừa háo hức chờ đợi sự đổi mới trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT.
- Việc chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT của nhà trường năm nay có gì khác so với mọi năm?
Cô Vương Thị Thu Trang: Cũng như mọi năm, tôi cho rằng để đáp ứng với kỳ thi tuyển sinh không phải chỉ cố gắng mỗi giai đoạn ngọn, tức là giai đoạn khi học sinh vào lớp 9, mà còn phải cố gắng từ giai đoạn gốc, gốc ở đây là giai đoạn bắt đầu từ năm lớp 6.
Do vậy, việc chuẩn bị những kế hoạch để đáp ứng cho sự thay đổi của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT đã được nhà trường thực hiện ngay từ năm học đầu tiên khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Từ năm học 2021-2022, khi lần đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 với khối 6, nhà trường đã tập trung tất cả các nguồn lực từ chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng dạy học đáp ứng chương trình mới.
Bên cạnh đó, việc bồi dưỡng, chuẩn bị đội ngũ, cán bộ, giáo viên, nhân viên, chuẩn bị tâm lý cho học sinh và phụ huynh để sẵn sàng cho một kỳ thi tuyển sinh vào 10 với nhiều sự đổi mới cũng được Ban giám hiệu nhà trường chú trọng.
- Nhà trường đã gặp những khó khăn nào trong công tác triển khai tập huấn giáo viên dạy các môn học tích hợp?
Cô Vương Thị Thu Trang: Những môn tích hợp như khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý là môn học mới, là sự tích hợp mới so với chương trình 2006. Tất nhiên đây không phải chỉ tích hợp cơ học các nội dung, mà còn là sự tích hợp về mặt cấu trúc, phương pháp dạy học… Vì vậy, tôi đánh giá sẽ có những khó khăn nếu thi vào những môn tích hợp này.
Hiện đội ngũ giáo viên trong nhà trường đã và đang được tập huấn thường xuyên để có thể giảng dạy các nội dung tích hợp. Tuy nhiên, việc dạy học dựa trên chứng chỉ tập huấn bồi dưỡng và bồi dưỡng thường xuyên chắc chắn sẽ khó khăn hơn so với việc được đào tạo bài bản từ cấp đại học hoặc cao hơn nữa.
Nếu như thi vào các môn tích hợp, không thể bố trí đội ngũ giáo viên chỉ giảng dạy môn lịch sử hoặc địa lý ôn tập cho học sinh môn tích hợp lịch sử và địa lý. Tương tự như thế đối với môn khoa học tự nhiên. Do vậy, đây là một khó khăn trong vấn đề phân công thầy cô giáo dạy ôn tập.
Ngược lại đối với học sinh cũng vậy, nếu như phân công học sinh học một môn tích hợp với nhiều thầy cô giảng dạy các môn khác nhau cũng là một sự khó khăn. Tuy nhiên, tôi đánh giá khó khăn này là khó khăn chung, và với bản lĩnh của các thầy cô giáo thì không có khó khăn nào là không vượt qua được.
- Phòng Giáo dục và Đào tạo đã có những phương án gì đối với các trường học trong quá trình chuẩn bị cho những thay đổi của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT, thưa cô?
Cô Vương Thị Thu Trang: Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy nói riêng và địa bàn Hà Nội nói chung đã và đang chỉ đạo sát sao, triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT. Cụ thể, các nhà trường đều được tổ chức các buổi tập huấn chuyên môn sâu, giúp giáo viên cập nhật kiến thức và phương pháp giảng dạy mới.
Bên cạnh đó, các môn học đều thực hiện, triển khai thường xuyên chuyên đề cấp Quận và cấp Thành phố, tạo cơ hội để giáo viên học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Chính nhờ sự quan tâm và hỗ trợ của Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận mà các trường THCS luôn được trang bị đầy đủ điều kiện để đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, giúp học sinh tự tin bước vào kỳ thi quan trọng.
Cùng thí sinh "vượt vũ môn"
- Có ý kiến cho rằng việc chưa công bố môn thi thứ 3 khiến kỳ thi vào lớp 10 công lập tại Hà Nội vốn đã căng thẳng, nay sẽ tạo nhiều áp lực cho học sinh hơn khi phải ôn tập tới 7 môn, cô nghĩ sao về vấn đề này?
Cô Vương Thị Thu Trang: Tất cả các môn học đều là nền tảng kiến thức quan trọng cho quá trình học tập sau này. Lo lắng trước kỳ thi là điều dễ hiểu, nhưng việc học tập vẫn cần được duy trì đều đặn. Nhất là khi việc thi 3 môn không phải tới năm nay mới được thực hiện, thậm chí các năm học trước có năm còn thi 4 môn.
Sở Giáo dục và Đào tạo đã thông báo về việc thi tuyển vào lớp 10 với hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn. Việc để ngỏ và thông báo môn thi thứ ba vào cuối tháng 3 của Sở là một quyết định hợp lý.
Điều này giúp học sinh đảm bảo việc học tập toàn diện các môn học, tránh tình trạng học lệch, học vẹt, chỉ học những môn cần thiết cho kỳ thi mà lơ là những môn học còn lại. Bởi lẽ, tất cả các kiến thức đã học đều là hành trang quan trọng cho tương lai.
- Dưới góc độ gia đình, phụ huynh cần phải đồng hành với nhà trường, với học sinh như thế nào trong quá trình này?
Cô Vương Thị Thu Trang: Gia đình là một môi trường giáo dục đặc biệt, đó là trường học đầu tiên và suốt đời của con. Vậy cha mẹ trước hết nên thấu hiểu, đồng cảm với con như một người bạn, không nên tạo quá nhiều áp lực học tập cho con mà nên cùng con học tập, theo sát quá trình để từ đó đưa ra những định hướng học tập đúng đắn cho các con.
- Cô đề xuất các nhà trường nên động viên và khích lệ các em học sinh khối 9 như thế nào trước sự đổi mới của kỳ thi năm nay?
Cô Vương Thị Thu Trang: Nhận thức rõ những lo lắng của học sinh lớp 9 trước kỳ thi quan trọng sắp tới, nhà trường nên chủ động đồng hành cùng các em. Chúng ta cần phải hiểu rằng, sự lo lắng là điều tự nhiên và dưới góc độ tích cực, thậm chí nó có thể trở thành động lực để học sinh cố gắng hơn. Tuy nhiên, nhà trường cũng phải luôn quan sát, lưu ý để sự lo lắng không gây ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần và thể chất của các em.
Đối với trường THCS Trương Công Giai, để đồng hành học sinh tốt nhất, đặc biệt với học sinh lớp 9, nhà trường đã triển khai nhiều hoạt động như: tổ chức diễn đàn “Lắng nghe điều em muốn nói”, khảo sát kiến thức hàng tháng cho học sinh lớp 9 để nắm bắt chất lượng học sinh.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng khuyến khích thầy cô giáo quan tâm đến từng cá nhân, khen ngợi những tiến bộ nhỏ nhất của học sinh và tạo điều kiện để các em được hỗ trợ một cách tận tình chứ không chỉ tập trung biểu dương nhóm học sinh luôn đạt kết quả xuất sắc. Mục tiêu của nhà trường là giúp học sinh giảm áp lực, tăng cường động lực và tự tin bước vào kỳ thi.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của cô!
Theo dự thảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến 2 phương thức tuyển sinh lớp 10 THPT là xét tuyển và thi tuyển:
Xét tuyển: Căn cứ vào kết quả rèn luyện và kết quả học tập các năm học chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS hoặc chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS của đối tượng tuyển sinh, nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó.
Thi tuyển: Dự thảo quy định số lượng môn thi là 3 môn, gồm: toán, ngữ văn và một môn thi do Sở GD&ĐT tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên trong số các môn học còn lại thuộc chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS.