Tuyển sinh ngành sức khỏe bắt nhịp thị trường
Thực tế khó tuyển sinh ở một số ngành sức khỏe, Trường Cao đẳng Bình Thuận đang chọn cách đi sâu, tăng cường kỹ năng mềm và gắn kết doanh nghiệp. Đây là nỗ lực tăng sức hút sinh viên.

Thực hành của khối ngành sức khỏe tại Trường Cao đẳng Bình Thuận
Không chỉ chuyện 1 trường
Những năm gần đây, ngành dược tiếp tục khẳng định sức hút tại Trường Cao đẳng Bình Thuận khi chỉ tiêu duy trì ổn định 100 sinh viên (SV) mỗi năm nhưng số lượng nhập học luôn vượt xa, đạt 160 vào năm 2023 và tăng vọt lên 207 vào năm 2024. Ngược lại, ngành điều dưỡng được giao 200 chỉ tiêu hàng năm, nhưng gặp khó trong công tác tuyển sinh. Số lượng nhập học chỉ đạt 65 SV năm 2023, 116 SV năm 2024. Với hệ trung cấp, ngành y sĩ đa khoa cũng rơi vào tình trạng tương tự. Dù chỉ tiêu được giữ ở mức 100 SV mỗi năm, nhưng có 27 SV nhập học năm 2023, 21 SV trong năm kế tiếp.
Trước sự thay đổi rõ rệt về số lượng đầu vào, nhà trường điều chỉnh chỉ tiêu đào tạo các ngành sức khỏe theo hướng bám sát thực tế. Cụ thể năm 2025, tổng chỉ tiêu trình độ cao đẳng được xác định gồm: Dược 100 chỉ tiêu, điều dưỡng 120, y sĩ đa khoa 120 và nữ hộ sinh 20 chỉ tiêu.
Theo Trường Cao đẳng Bình Thuận, những năm gần đây, việc đăng ký ngành học thiếu cân đối gây khó khăn trong tổ chức lớp học và phân bổ đội ngũ giảng viên. Bên cạnh đó, tuyển sinh trình độ cao đẳng cũng chịu nhiều áp lực khi học sinh tốt nghiệp THPT có nhiều cơ hội vào thẳng đại học, khiến nguồn tuyển bị phân tán. Hiện tại, kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa kết thúc nên chưa có số liệu chính thức về số lượng nhập học cho năm 2025. Tình trạng khó tuyển sinh không còn là vấn đề riêng của trường, mà là xu hướng chung tại nhiều địa phương.
Tăng kỹ năng, bắt nhịp thực tiễn
Cùng với đào tạo chuyên môn, nhà trường chủ động tăng cường kỹ năng mềm nhằm giúp sinh viên thích ứng tốt hơn với yêu cầu công việc thực tế. Trong đó, môn “Giao tiếp – Truyền thông giáo dục sức khỏe” được đưa vào chương trình như một môn học bắt buộc với thời lượng 2 tín chỉ. Môn học không chỉ trang bị kiến thức lý thuyết mà còn chú trọng rèn luyện kỹ năng qua các tình huống giao tiếp, mô phỏng thực tế với bệnh nhân, thân nhân và cộng đồng. Đây được xem là nền tảng giúp sinh viên nâng cao sự tự tin khi hành nghề chăm sóc, truyền thông giáo dục sức khỏe và làm việc nhóm trong môi trường y tế.
Cơ hội việc làm của SV ngành điều dưỡng ngày càng mở rộng ngoài bệnh viện, như chăm sóc người cao tuổi, y tế học đường, sơ cứu tại doanh nghiệp. Nắm bắt xu hướng này, Trường Cao đẳng Bình Thuận đẩy mạnh đào tạo theo đơn đặt hàng, vừa đáp ứng thị trường lao động, vừa nâng cao chất lượng đào tạo và tăng sức hút cho ngành học. Một số đơn vị đặt hàng mở lớp “Y tế học đường” (40 tiết). “Sơ cứu ban đầu” (16 tiết) cho người lao động.
Dù ngành điều dưỡng hệ cao đẳng còn gặp khó khăn trong tuyển sinh, nhưng tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp vẫn ở mức cao. Theo thầy Lương Nguyên Ân – Trưởng khoa Y Dược (Trường Cao đẳng Bình Thuận), kết quả khảo sát tỷ lệ sinh viên có việc làm hoặc việc làm gần ngành đào tạo luôn đạt hơn 84%. Điều này phản ánh tính thiết thực và khả năng đáp ứng thị trường của chương trình đào tạo hiện nay. Chẳng hạn, năm 2024 có 31 SV điều dưỡng tốt nghiệp, thì hơn 10 SV được Bệnh viện đa khoa Bình Thuận tiếp nhận thông qua hình thức tuyển dụng theo đơn đặt hàng. Số còn lại có việc làm ở các cơ sở khám, chữa bệnh khác.
Dù còn nhiều khó khăn, Trường Cao đẳng Bình Thuận tích cực điều chỉnh cách làm như tăng cường đào tạo kỹ năng thực tiễn, liên kết với doanh nghiệp. Nhờ đó, các ngành sức khỏe khẳng định vai trò trong đào tạo nhân lực y tế.