Tuyển Anh cứ ghi bàn rồi tử thủ, dàn sao tỷ USD đá như 'cửa dưới'

Dưới thời HLV Gareth Southgate, tuyển Anh thường xuyên chơi bị động ngay sau khi dẫn trước.

Đội tuyển Anh có khởi đầu ấn tượng trước Đan Mạch, sớm dẫn trước nhờ bàn thắng của Harry Kane. Tuy nhiên, "Tam sư" lại đánh mất thế chủ động và chỉ có được trận hòa. Đội tuyển Anh gây thất vọng và bị chỉ trích theo kịch bản quen thuộc dưới thời huấn luyện viên Gareth Southgate.

Đội tuyển Anh chơi bóng an toàn và tẻ nhạt chẳng còn là chuyện lạ. Họ để thua đau tại bán kết World Cup 2018 trước Croatia, rồi đánh rơi ngôi vương EURO vào tay Italy tại EURO 2020. Cả 2 trận diễn ra theo cùng 1 kịch bản. "Tam sư" ghi bàn sớm rồi thua ngược.

Đội tuyển Anh ghi bàn trước rồi quay về phòng ngự là điều quen thuộc. (Ảnh: Reuters)

Đội tuyển Anh ghi bàn trước rồi quay về phòng ngự là điều quen thuộc. (Ảnh: Reuters)

Ghi bàn rồi tử thủ

Ở trận gặp Serbia, đội tuyển Anh kiểm soát thế trận trong suốt hiệp 1. Tuy nhiên, sang tới hiệp 2, họ may mắn bảo toàn mảnh lưới trước sức ép từ đối thủ.

Tới loạt trận thứ hai, Đan Mạch sắc bén hơn so với Serbia. Họ trừng phạt sự hớ hênh của hệ thống phòng ngự thiếu sự kết nối giữa hàng tiền vệ và hậu vệ đội tuyển Anh. Nhiều cú sút xa được thực hiện và có một lần thành công từ pha ra chân của Morten Hjulmand.

Ngay sau khi Harry Kane khi bàn mở điểm trên sân Waldstadion, 4 cầu thủ phòng ngự của Anh co cụm về vòng cấm. Họ không thiết lập hàng thủ dâng cao để tạo áp lực ở khoảng giữa sân. Thay vào đó, các hậu vệ Anh chọn thi đấu gần thủ môn Jordan Pickford.

Hậu quả là bàn thua đến chỉ 16 phút sau đó. Morten Hjulmand ghi bàn cân bình từ cú sút xa tuyệt đẹp, trong bối cảnh anh không chịu áp lực từ hàng phòng ngự của Anh. Bộ tứ hậu vệ của Tam Sư đáng lẽ ra phải chủ động hơn thay vì chơi thấp, chấp nhận sự đàn áp nơi giữa sân của Đan Mạch.

Khối đội hình tuyển Anh lùi sâu sau bàn dẫn trước.

Khối đội hình tuyển Anh lùi sâu sau bàn dẫn trước.

Đội hình mất cân bằng

Trong hiệp 1, Phil Foden có 2 cơ hội dứt điểm phía rìa vòng cấm Đan Mạch. Tuy nhiên, chúng đến từ vị trí "số 10" chứ không phải từ cánh trái - nơi Foden được bố trí ban đầu. Dù đây là 2 cơ hội làm bàn rõ nét, song tuyển Anh mất đi sự cân bằng trên mỗi khi tiền đạo Man City tự ý bó vào trung lộ.

Có thời điểm Foden chạy đuổi bóng sang tận cánh đối diện. Tất cả những gì Đan Mạch cần làm là chơi chậm lại, tung ra đường đảo cánh sang phần sân nơi lực lượng của đội tuyển Anh rất mỏng.

Ở tuyến tiền vệ, Jude Bellingham và bộ đôi Trent Alexander-Arnold, Declan Rice quá xa nhau. Pierre-Emile Hojbjerg và Hjulmand nhận ra điều này, họ liên tục khoan vào khoảng trống giữa hàng tiền vệ tuyển Anh. Cần lưu ý rằng trong 3 cầu thủ đá tiền vệ của "Tam sư", duy nhất Rice có thể làm nhiệm vụ "dọn dẹp".

Người đá cặp với anh là Alexander-Arnold vốn được đưa từ vị trí hậu vệ lên tuyến giữa để tận dụng khả năng chuyền bóng. Trong các công việc khác của một tiền vệ, cầu thủ Liverpool cho thấy rõ sự lúng túng. Điều này khiến cặp tiền vệ đánh chặn trong sơ đồ 4-2-3-1 của đội tuyển Anh mất cân bằng.

Bản đồ nhiệt Declan Rice trong hiệp 1 (Cầu môn bên phải là của tuyển Anh).

Bản đồ nhiệt Declan Rice trong hiệp 1 (Cầu môn bên phải là của tuyển Anh).

Lối đá thiếu sức sống

Khi đội hình Đan Mạch dâng cao, đó là lúc khoảng trống sau lưng họ lộ ra. Bukayo Saka đón đường chuyền từ đồng đội để triển khai tình huống phản công. Tuy nhiên, người Đan Mạch sớm ngăn chặn tình huống bằng pha phạm lỗi chiến thuật.

Bukayo Saka, Phil Foden không phải những cầu thủ có tốc độ cao nhất trên hàng công Tam Sư. Vẫn còn đó Eberechi Eze và Anthony Gordon rất giỏi trong những đường phản công nhưng đều góp mặt khá muộn.

Harry Kane có khả năng chuyền bóng tốt để mở ra cơ hội cho các đồng đội. Nhưng đội trưởng Tam Sư bị cuốn theo khối phòng ngự xập xệ của ông Southgate. Kết quả là anh lùi quá sâu, không thể cung cấp những đường mở bóng thương hiệu.

Điểm chạm bóng của Kane: chủ yếu ở giữa sân, trong tư thế quay lưng với khung thành Đan Mạch.

Điểm chạm bóng của Kane: chủ yếu ở giữa sân, trong tư thế quay lưng với khung thành Đan Mạch.

Đội tuyển Anh chơi bóng hời hợt và chính vị huấn luyện viên của họ cũng không thể hiện sự năng động. Sự thay đổi người mang tính chiến thuật đầu tiên của đội tuyển Anh luôn là Conor Gallagher thế chỗ Alexander-Arnold.

HLV Southgate không có những quyết định mang tính chủ động. Tất cả đều theo công thức và ở đó, Cole Palmer và Anthony Gordon không có cơ hội.

HLV Southgate không cho Cole Palmer (trái) và Anthony Gordon (giữa) ra sân phút nào trận gặp Đan Mạch.

HLV Southgate không cho Cole Palmer (trái) và Anthony Gordon (giữa) ra sân phút nào trận gặp Đan Mạch.

Đội tuyển Anh thực ra có sự biến đổi về cách chơi trong trận đấu, nhưng chủ yếu là trong thế bị động để "đuổi" theo đối thủ. Ví dụ, Đan Mạch với hàng tiền vệ 5 người dễ dàng kéo giãn chiều ngang khối đội hình của ông Southgate.

Rice bắt buộc phải theo kèm Jonas Wind để đáp ứng đủ quân số. Kieran Trippier theo sát Maehle và Kyle Walker kèm Kristiansen. Rice lùi sâu khiến tuyến tiền vệ Anh thiếu người, dẫn tới pha sút xa của Hjulmand phút 34.

Chơi quá bị động, tuyển Anh nhận bàn thua ở phút 34.

Chơi quá bị động, tuyển Anh nhận bàn thua ở phút 34.

Bukayo Saka phá bóng từ phần sân nhà lên trên, nhưng không ai có mặt để đón tình huống. Tất cả đều chăm chăm phòng ngự đầy bị động. Đan Mạch chỉ cần thu hồi bóng và tổ chức lại một pha tấn công khác.

Cả trận đấu, đội hình của HLV Southgate liên tục chạy theo những toan tính chiến thuật của đối thủ. Họ quên mất mình là những ngôi sao hàng đầu thế giới với tổng giá trị đội hình lên tới hơn 1,5 tỷ USD (theo Transfermarkt), và chơi như đội cửa dưới.

Nếu cứ chơi bị động như 2 trận đầu tiên vòng bảng, tuyển Anh khó lòng tiến xa được.

Thành Lộc

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/doi-tuyen-anh-cu-ghi-ban-roi-tu-thu-dan-sao-1-5-ty-usd-da-nhu-doi-cua-duoi-ar878737.html
Zalo