Tựa game Trung Quốc gây tranh cãi

Ra mắt tháng 6, trò chơi 'Trả thù những kẻ đào mỏ' đã nằm ở vị trí đầu bảng Steam China, đồng thời châm ngòi cho làn sóng tranh cãi xoay quanh chủ đề giới, tình yêu áp lực kinh tế.

 Game vấp phải chỉ trích vì bị cho là khơi gợi thù ghét phụ nữ. Ảnh: Weibo.

Game vấp phải chỉ trích vì bị cho là khơi gợi thù ghét phụ nữ. Ảnh: Weibo.

Một tựa game mới ra mắt tại Trung Quốc mang tên Revenge on Gold Diggers (tạm dịch: “Trả thù những kẻ đào mỏ”) đang gây bão trên mạng xã hội và làm dấy lên những cuộc tranh luận gay gắt về giới tính, tình yêu và áp lực kinh tế trong xã hội hiện đại.

Với cốt truyện xoay quanh một nhân viên giao hàng bị lừa tình, mất sạch tiền tiết kiệm, rồi tái sinh thành doanh nhân thành đạt để “trả thù” những người phụ nữ được cho là “đào mỏ”, trò chơi này đã nhanh chóng chiếm vị trí số một trên Steam China ngay khi ra mắt vào tháng 6, theo The New York Times.

Slogan của game, “Ai giết chết tình yêu? Chính những kẻ đào mỏ đã giết chết tình yêu”, đã châm ngòi cho các cuộc tranh cãi sôi nổi trên mạng xã hội Trung Quốc.

Người chơi vào vai “thợ săn lừa đảo tình cảm”, phải điều hướng các mối quan hệ, phát hiện lừa dối và bảo vệ ví tiền lẫn trái tim mình. Game thu hút nhiều nam giới trẻ đang bất mãn với cuộc sống, nhưng cũng bị chỉ trích vì cổ súy tư tưởng kỳ thị phụ nữ.

“Đây là bản cáo phó cho thế hệ đàn ông Trung Quốc”, một trong những bình luận được yêu thích nhất trên diễn đàn của game viết.

“Đàn ông không bao giờ được lùi bước, đây là trận chiến sống còn”, một người khác tuyên bố.

Sản phẩm ăn theo cơn giận

Trả thù những kẻ đào mỏ nhanh chóng thu hút nhóm người chơi trẻ, chủ yếu là nam giới thất vọng với chuyện tình cảm, nhưng cũng vấp phải nhiều chỉ trích vì cổ súy tư tưởng phân biệt giới tính. Một số ý kiến cho rằng trò chơi chỉ đang cố chiều lòng nỗi lo của chính quyền về tỷ lệ kết hôn, sinh con ngày càng giảm.

Bối cảnh xã hội càng khiến cuộc tranh luận thêm căng thẳng. Cụ thể, trong khi giá nhà tăng, thị trường việc làm bấp bênh và cơ hội thăng tiến mờ mịt, nhiều nam thanh niên Trung Quốc rơi vào cảm giác bị mắc kẹt. Sự bất mãn trong đời sống tình cảm và áp lực tài chính khiến họ ngày càng hoài nghi vào hôn nhân, đặc biệt khi đi kèm với phong tục sính lễ đắt đỏ và khoảng cách giới tính nghiêm trọng.

“Thách thức kinh tế là thật, và nó kéo theo rất nhiều lo âu”, Huang, một nhà sản xuất video tại Bắc Kinh (Trung Quốc), chia sẻ. Anh mô tả trò chơi là “một sản phẩm cơ hội, rẻ tiền” nhưng đánh trúng tâm lý đối kháng giới tính đang lan rộng.

 Trò chơi thu hút nhiều nam thanh niên thất vọng với đời sống tình cảm và áp lực kinh tế. Ảnh: Hu Chushi/CNA.

Trò chơi thu hút nhiều nam thanh niên thất vọng với đời sống tình cảm và áp lực kinh tế. Ảnh: Hu Chushi/CNA.

Một bộ phận người chơi được gọi là "incel", từ chỉ những nam giới tự nhận là không thể có quan hệ tình cảm vì bị phụ nữ từ chối. Tại Trung Quốc, nhóm này thường sống cùng cha mẹ, không việc làm ổn định và dành phần lớn thời gian trên mạng.

“Tôi ghét phụ nữ, nhưng vẫn muốn được yêu, một chút thôi”, Anh Xi, (23 tuổi), người đang thất nghiệp ở Trùng Khánh (Trung Quốc), nói. Dù chưa từng yêu ai, anh tin trò chơi có thể dạy anh cách hành xử trong tình cảm.

Tâm điểm nhiều bất mãn nằm ở tục lệ “tiền sính lễ”, khoản tiền nhà trai phải đưa cho nhà gái trước khi cưới. Tại những địa phương thiếu nữ nghiêm trọng, sính lễ có thể lên tới hàng chục nghìn USD, tạo áp lực nặng nề cho nam giới trẻ.

Tuy nhiên, như nhà nghiên cứu Li Sipan từ Stanford (Mỹ) chỉ ra rằng số tiền này không nhất thiết thuộc về cô dâu.

“Trong nhiều trường hợp, tiền về tay cha mẹ và được dùng để cưới vợ cho anh em trai cô ấy”, bà nói. Bà cho rằng đây là biểu hiện của sự bóc lột giới, không chỉ giữa nam và nữ, mà còn giữa các thế hệ trong cùng một gia đình.

Dư luận chia rẽ

Trả thù những kẻ đào mỏ không chỉ gây chia rẽ trong cộng đồng game thủ mà còn vấp phải những phản ứng trái chiều từ chính phủ và người chơi. Sau khi nhà phát triển Qianfang Studio công khai cảm ơn các nữ game thủ ủng hộ trò chơi, một số nam giới đã đăng ảnh chụp màn hình hủy mua game để phản đối. Đạo diễn của game sau đó đã lên tiếng xin lỗi vì làm tổn thương cảm xúc của người chơi.

Ngay sau khi ra mắt, tựa game đổi tên tiếng Trung thành Trình giả lập phòng chống lừa tình, trong khi vẫn giữ nguyên tên tiếng Anh. Nhiều người tin rằng đây là nỗ lực xoa dịu dư luận và tránh bị siết kiểm duyệt.

Dù vậy, một bài viết trên Beijing Youth Daily, sau đó được Xinhua chia sẻ lại, lại dành lời khen ngợi, nhấn mạnh khía cạnh giáo dục của trò chơi.

“Chỉ khi học cách tự bảo vệ, bạn mới giữ được tình yêu thật sự”, bài viết nhấn mạnh.

 Cốt truyện game được cho là lấy cảm hứng từ vụ việc năm 2024, khi một người đàn ông nhảy xuống sông Dương Tử sau khi bị bạn gái đề nghị chia tay. Ảnh: Mingpao.

Cốt truyện game được cho là lấy cảm hứng từ vụ việc năm 2024, khi một người đàn ông nhảy xuống sông Dương Tử sau khi bị bạn gái đề nghị chia tay. Ảnh: Mingpao.

Cốt truyện của game bắt đầu bằng hình ảnh một người đàn ông đau khổ, thừa cân, đứng trước ý định tự tử, chi tiết được cho là ám chỉ vụ việc năm 2024, khi một người đàn ông nhảy xuống sông Dương Tử (Trung Quốc) sau khi bị bạn gái đề nghị chia tay.

Dù cảnh sát kết luận người phụ nữ không làm gì sai, một số ý kiến vẫn gọi cô là “kẻ đào mỏ” và đòi truy cứu trách nhiệm pháp lý.

Một trường hợp khác được nhắc đến trong phần bình luận của game là vụ án năm 2023 tại tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc), nơi một người đàn ông bị kết án 3 năm tù vì cưỡng hiếp vị hôn thê.

Bên bị cáo lập luận rằng việc đính hôn và khoản sính lễ trị giá 14.000 USD ngụ ý có sự đồng thuận, nhưng tòa án đã bác bỏ. Quyết định này, được đưa vào thư viện án lệ của Tòa án Tối cao Trung Quốc, đã làm dấy lên sự phẫn nộ từ một số nam giới, cho rằng hệ thống pháp luật đang bị “nữ quyền hóa”.

Như Phương

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/tua-game-trung-quoc-gay-tranh-cai-post1569441.html
Zalo