Từ vụ sinh viên tử vong trong giờ thực hành: Làm gì để đảm bảo an toàn?

Vụ việc một sinh viên Trường cao đẳng Đắk Lắk tử vong trong giờ học thực hành nối điện mới đây khiến nhiều người, nhất là các bậc cha mẹ hoang mang, lo lắng vì yếu tố an toàn tại môi trường giáo dục hiện nay chưa thật sự đảm bảo.

Đưa ra giải pháp an toàn khi thực hành đối với sinh viên, chia sẻ với PV Báo Sức khỏe và Đời sống thầy Nguyễn Việt Anh - giảng viên Khoa Điện, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, việc đảm bảo an toàn cho sinh viên khi thao tác với máy móc hay trong các nhà xưởng rất quan trọng.

Theo thầy Việt Anh, có nhiều kinh nghiệm về an toàn khi thực hành trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nói chung và sinh viên ngành điện nói riêng.

Đầu tiên là tăng tính thực tế hơn cho môn học An toàn lao động. Đây là môn học phải được triển khai đầu tiên trong những môn học, modul chuyên ngành. Trên thực tế, môn học này đang được triển khai ở hình thức giảng dạy môn học, nếu được triển khai ở dạng hoạt động trải nghiệm hoặc thực tế sẽ đi vào nhận thức của sinh viên sâu hơn.

Để đảm bảo điều này, có thể ứng dụng công nghệ AI để triển khai dạng phòng thí nghiệm ảo cho những tình huống an toàn, từ đó xây dựng thêm các video ngắn trên các nền tảng mạng xã hội để đảm bảo tiếp cận gần hơn cho sinh viên nắm rõ các quy tắc an toàn cũng như hậu quả.

Thứ hai đó là việc tăng tính kỉ luật đối với việc sử dụng bảo hộ lao động. Quản lý và đôn đốc mọi hoạt động trước khi vào xưởng thực hành, có sự tác động kịp thời cùng sự kiểm tra, giám sát một cách chặt chẽ để thực hiện đúng theo các quy định như găng tay cách điện, ủng cách điện, thảm cách điện… (tất cả các bảo hộ lao động này đều được trang bị ở tất cả các cơ sở giáo dục nghề nghiệp).

Sinh viên trong giờ thực hành tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.

Sinh viên trong giờ thực hành tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.

Thứ ba là đẩy mạnh công tác truyền thông. Sử dụng các biển báo, rào chắn đặc biệt là các hình ảnh mang tính tượng hình cao cho các cảnh báo để sinh viên dễ nhìn và ghi nhận. Hình thành thói quen cho sinh viên trong quá trình vận hành. Tất cả các thiết bị đang hoạt động hoặc dừng đều phải có nhãn, biển báo.

Thứ tư, thường xuyên thanh kiểm tra an toàn xưởng thực hành. Định kỳ trước và sau buổi dạy sẽ kiểm tra an toàn tại địa điểm. Đây là hoạt động xem xét đánh giá tất cả các mối đe dọa tiềm ẩn trong một ca học thực hành mà sinh viên và giảng viên có thể phải đối mặt. Đảm bảo các kỹ thuật an toàn cho nhà xưởng như nối đất tạm thời, trang bị thiết bị báo ngắn mạch, đảm bảo khoảng cách, sử dụng các nút dừng khẩn cấp, cầu chì bảo vệ, bình chữa cháy khẩn cấp….

Thứ năm, chuẩn bị kế hoạch ứng phó khẩn cấp với các tình huống. Cần phải chuẩn bị sẵn sàng các kế hoạch ứng phó khẩn cấp và đào tạo sinh viên cách hành động trong trường hợp xảy ra sự cố nghiêm trọng giúp giảm thiểu hậu quả trong mọi tình huống.

Cuối cùng đó là văn hóa an toàn điện. Giảng viên và sinh viên xây dựng văn hóa an toàn tại nơi thực hành sẽ là cách tốt nhất để đảm bảo an toàn. Văn hóa an toàn sẽ được phổ biến mọi lúc, mọi nơi, lồng ghép vào các bài giảng, hình tượng hóa bằng hình ảnh ở mọi vị trí như phòng thực hành, hành lang, cầu thang, sân trường, định hướng sinh hoạt trong các câu lạc bộ được tổ chức hàng tuần hàng tháng; các cuộc thi mang tính truyền trông trên mạng xã hội…

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tu-vu-sinh-vien-tu-vong-trong-gio-thuc-hanh-lam-gi-de-dam-bao-an-toan-16924121118172996.htm
Zalo