Từ số liệu kinh tế 6 tháng đầu năm: Cần giải pháp phù hợp để đạt tăng trưởng

Theo số liệu từ cuộc họp báo Chính phủ, tình hình phát triển kinh tế của nước ta có nhiều chuyển biến tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước. Song, nền kinh tế đang đối diện với nhiều thách thức. Vì vậy, cần nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng để đạt mục tiêu.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh thương mại thế giới căng thẳng, chính sách thuế của các nước lớn liên tục thay đổi, thì mức tăng trưởng GDP của nước ta trong 6 tháng đầu năm đạt 7,31% là rất khả quan. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ tiếp tục phát huy vai trò trụ cột với mức tăng 8,18% và 7,83%. Đáng chú ý, trong 6 tháng qua, cả nước có hơn 91 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và 61 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Đây là những tín hiệu đáng mừng, thể hiện niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào sự phục hồi và triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế.

Ông Nguyễn Kim Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng: Bản thân các thành phần kinh tế, trong đó có doanh nghiệp, niềm tin đã tăng rất nhiều. Khi yếu tố niềm tin tăng thì chi tiêu tiêu dùng sẽ tăng và đầu tư cũng tăng. Mặc dù bức tranh kinh tế nước ta đã có sự cải thiện và tăng như vậy, nhưng đứng trước bối cảnh thị trường trong nước và thế giới có nhiều biến động và bất ổn như hiện nay thì dù tăng trưởng tích cực nhưng cũng rất cần sự thận trọng.

Nhìn tổng thể bức tranh kinh tế, các chuyên gia chỉ ra rằng, nền kinh tế nước ta cũng đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, lĩnh vực xuất khẩu dù xuất siêu 7,63 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, nhưng nhiều mặt hàng xuất khẩu của nước ta đang bị cạnh tranh gay gắt trên thị trường.

Chính sách thuế của các nước đang có nhiều biến động, khó lường cùng với sự căng thẳng địa chính trị, ẩn chứa nhiều rủi ro với doanh nghiệp nước ta. 6 tháng qua, cả nước có đến 127,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, cho thấy “sức khỏe” của doanh nghiệp chưa thực sự tốt. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang rất cần sự hỗ trợ để có thể mở rộng sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Đức Quý, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ công nghiệp Vconnex nêu ý kiến: Các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ như chúng tôi cảm nhận được rằng, cơ hội đang rất nhiều, nhưng chúng tôi cần các chính sách hỗ trợ rất cụ thể và gần với doanh nghiệp. Ví dụ như hỗ trợ cho doanh nghiệp đưa sản phẩm được ra thị trường. Câu chuyện về thuế, về tiếp cận tín dụng. Một vấn đề khác là chính sách phát triển nguồn nhân lực để cung ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao, có thể đáp ứng được bài toán về công nghệ mang tính thách thức.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao từ 8% trở lên trong năm 2025, yêu cầu cấp bách được đặt ra là cần sớm ổn định hoạt động của bộ máy của các bộ, ngành, địa phương sau khi sắp xếp lại, không để ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Một lĩnh vực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng là đầu tư công cần tiếp tục được đẩy mạnh trong những tháng cuối năm. Việc chủ động đàm phán với Mỹ về chính sách thuế và phát triển thương mại hài hòa cũng là yêu cầu đặt ra với các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Lê Duy Bình phân tích: Chúng ta cần nỗ lực tăng thu nhập khả dụng của người dân, giảm thuế VAT và một loạt các biện pháp khác để hỗ trợ tiêu dùng trong nước. Hoạt động hỗ trợ cho hàng sản xuất trong nước. Những biện pháp đó sẽ đóng góp cho tổng tiêu dùng nội địa. Bên cạnh đó, chúng ta cần tính đến các động lực tăng trưởng khác đến từ đổi mới khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động, mở rộng không gian tăng trưởng mới từ việc sáp nhập các địa giới hành chính mới và không gian tăng trưởng đến từ kinh tế số, kinh tế xanh.

Thành Trung/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/tu-so-lieu-kinh-te-6-thang-dau-nam-can-giai-phap-phu-hop-de-dat-tang-truong-post1212287.vov
Zalo