Từ nay đến đầu tháng 1/2025 là cao điểm của rét đậm, rét hại

Từ nay đến đầu tháng 1/2025, không khí lạnh có xu hướng hoạt động mạnh hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, khả năng xuất hiện nhiều ngày rét đậm, rét hại liên tiếp ở miền Bắc.

Không khí lạnh hoạt động mạnh hơn so với trung bình nhiều năm

Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, thời kỳ từ ngày 11/11-10/12, bão/áp thấp nhiệt đới ít có khả năng xuất hiện trên khu vực Biển Đông cũng như ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam.

Trong thời kỳ dự báo, không khí lạnh có xu hướng hoạt động mạnh hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, khả năng xuất hiện nhiều ngày rét đậm, rét hại.

Miền Bắc sẽ đón nhiều đợt rét liên tục từ nay đến đầu tháng 1/2025.

Miền Bắc sẽ đón nhiều đợt rét liên tục từ nay đến đầu tháng 1/2025.

Khu vực Trung và Nam Trung Bộ tiếp tục xuất hiện các đợt mưa vừa, mưa to diện rộng; khu vực Nam Bộ có khả năng còn xuất hiện các đợt mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Ở các tỉnh phía Nam, tiếp tục đề phòng khả năng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Ông Nguyễn Đức Hòa cảnh báo, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm trên biển có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động cùa tàu thuyền. Trên đất liền, không khí lạnh có thể gây ra nhiều ngày rét đậm, rét hại ở các tỉnh Miền Bắc, nguy cơ thể kèm theo sương muối và băng giá gây ảnh hưởng lớn đến vật nuôi, cây trồng và sức khỏe của người dân, đặc biệt khu vực vùng núi phía bắc; ngoài ra ở khu vực phía nam còn xuất hiện mưa lớn, dông mạnh kèm theo lốc, sét, mưa đá và gió giật có thể ảnh hưởng lớn đến sản xuất và các hoạt động dân sinh.

Nhiệt độ trung bình trên phạm vi toàn quốc ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ . Tổng lượng mưa tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên phổ biến thấp hơn từ 10-20mm so với trung bình nhiều năm, số nơi phía tây Bắc Bộ có thể thấp hơn.

Khu vực từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và phía Bắc Ninh Thuận, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn từ 50-100mm so với trung bình nhiều năm. Các khu vực khác phổ biến cao hơn từ 10-20mm so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Dù đến muộn hơn mọi năm nhưng các chuyên gia Khí tượng thủy văn nhận định mùa đông năm nay có thể sẽ rét hơn năm ngoái. Các đợt rét đậm, rét hại sẽ nhiều hơn, dự kiến Bắc Bộ sẽ có 4-5 đợt. Thời gian xảy ra rét đậm, rét hại ở vùng đồng bằng, ven biển kéo dài khoảng 5-8 ngày, khu vực vùng núi, trung du sẽ kéo dài hơn, 10-12 ngày.

Rét đậm, rét hại cũng là một loại hình thiên tai bởi nó có thể gây thiệt hại lớn trong sản xuất chăn nuôi, nhất là với các địa phương vùng núi phía bắc nước ta và gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Đặc biệt trong những năm gần đây liên tục ghi nhận trường hợp người tử vong do bị ngạt khí khi đốt than sưởi ấm. Vì vậy bà con vùng núi cao lưu ý không đốt than trong phòng kín, khi đốt cần hé cửa sổ hoặc phòng phải có chỗ thoát khí, không đốt than qua đêm và chỉ đốt than sưởi ấm khi còn thức.

Nhiều nơi xuất hiện mưa lớn lịch sử

Ông Nguyễn Đức Hòa cho biết, trong thời kỳ từ ngày 11/11-10/12, đã xuất hiện 2 đợt KKL vào các ngày 26/11, 6/12. Trong đó, đáng lưu ý đợt không khí lạnh trong ngày 6/12 đã gây trời rét cho khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Ở khu vực Bắc Bộ trời rét, vùng núi có nơi rét đậm, rét hại; nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này phổ biến từ 14-17 độ C, vùng núi 11-13 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 10 độ C như: Sapa (Lào Cai) 9,3 độ C, Đồng Văn (Hà Giang) 8,1 độ C, Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 9,0 độ C, Trùng Khánh (Cao Bằng) 9,5 độ C, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 5,1 độ C, … Khu vực Bắc Trung Bộ trời rét; nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này phổ biến từ 15-18 độ C.

Về mưa lớn diện rộng, ông Nguyễn Đức Hòa cho biết, thời kỳ từ ngày 11/11-10/12, có 3 đợt mưa lớn diện rộng diễn ra chủ yếu tại khu vực Trung Bộ: Từ ngày 12-13/11 (mưa tập trung ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định), từ ngày 18-27/11 và từ ngày 6/12 đến hiện tại (ngày 11/12). Trong đó, đợt mưa từ ngày 18-27/11 và từ ngày 6/12 đến hiện tại đều do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao.

Đợt mưa từ ngày 18-27/11 tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên có tổng lượng mưa phổ biến 150-280mm, có nơi cao hơn trên 600mm như Trà My (Quảng Nam) 1270mm, Ba Tơ (Quảng Ngãi) 670mm, riêng Thừa Thiên Huế có mưa phổ biến từ 400-1000mm; đợt mưa từ ngày 06/12 đến hiện tại, khu vực các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa có TLM phổ biến trong khoảng từ 30-70mm, có nơi trên 100mm như tại Trà My (Quảng Nam) 134mm, tại Cam Ranh (Khánh Hòa 165mm.

Tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, xuất hiện nhiều ngày có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa vừa, mưa to. Trên cả nước đã quan trắc được một số trạm khí tượng xảy ra giá trị lượng mưa ngày vượt giá trị lịch sử

Thời kỳ này, nhiệt độ trung bình trên khu vực Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 1,0-2,0 độ C, có nơi cao hơn; các khu vực khác phổ biến cao hơn từ 0,5-1,0 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Trong thời kỳ, này, tại một số trạm khí tượng đã ghi nhận được nhiệt độ cao nhất ngày vượt giá trị lịch sử cùng thời kỳ.

Mưa lớn khiến các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam, Bình Định đến Khánh Hòa và Đắk Lắk có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Theo đó, Trong 6 giờ qua (từ 7 giờ đến 13 giờ ngày 11/12), khu vực các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam, Bình Định đến Khánh Hòa và Đắk Lắk đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Đồn Biên Phòng Lăng Cô 48,6mm (Thừa Thiên Huế); Suối Đa 74,6mm (Đà Nẵng); Bình Dương 101,6mm (Quảng Nam); Hòa Xuân Nam 185,4mm (Phú Yên); Đại Lãnh 147,1mm (Khánh Hòa); Xã Ea M Doal 40mm (Đắk Lắk)... Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.

Trong 3-6 giờ tới, khu vực các tỉnh trên tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 20-50mm, có nơi trên 80mm. Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.

Kiến nghị các cơ quan chức năng tại địa phương lưu ý rà soát các điểm nghẽn dòng, các vị trí xung yếu trên địa bàn để có biện pháp phòng tránh, ứng phó

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tu-nay-den-dau-thang-1-2025-la-cao-diem-cua-ret-dam-ret-hai-169241211143719132.htm
Zalo