Từ lời chê của HLV Nhật Bản đến bước đi Phương Mỹ Chi
Từ Giọng hát Việt nhí 2013 đến Sing! Asia 2025, một hành trình 12 năm của Phương Mỹ Chi có gì đáng giá?

Bước đi của Phương Mỹ Chi
Khi Phương Mỹ Chi bước ra sân khấu Sing! Asia 2025, người ta có thể thấy một cô gái từng hát dân ca Nam Bộ trong bộ áo dài đỏ năm 10 tuổi, nay đã cất cao giọng giữa ánh đèn của một sân khấu châu lục. Từ Giọng hát Việt nhí 2013 đến Sing! Asia 2025, đó là hành trình 12 năm không chỉ để lớn lên mà để vượt lên chính mình của Phương Mỹ Chi. Thật sự đáng nể.
Phương Mỹ Chi đã vượt qua vùng an toàn của chính mình. Cô gái 22 tuổi không chọn cách đứng yên trong vùng an toàn, mà chọn cách mang dân ca Việt đến sân khấu quốc tế bằng tư duy âm nhạc hiện đại hơn.
Giám khảo người Singapore Lý Vệ Tôn nói một câu đủ để khán giả châu Á ấn tượng: “Phương Mỹ Chi, bài của bạn rất hay. Ban đầu có yếu tố dân gian, sau thêm dần âm nhạc hiện đại. Bạn làm cho bạn bè thế giới biết nhạc châu Á của chúng ta có thể tuyệt vời như vậy”.

Từ Giọng hát Việt nhí 2013 đến Sing! Asia 2025, một hành trình 12 năm của Phương Mỹ Chi có gì đáng giá? Ảnh: FBNV
Đó là tư duy toàn cầu, là cách một nghệ sĩ trẻ Việt Nam dám bước ra châu lục. Và đứng ở góc độ cuộc sống, bất cứ lĩnh vực nào cũng cần có tinh thần và bước tiến của Phương Mỹ Chi. Bóng đá Việt Nam tranh luận câu chuyện xuất ngoại là ví dụ. Một câu chuyện đáng buồn nếu nhìn từ hành trình ấn tượng của Phương Mỹ Chi.
Và lời chê đáng suy ngẫm của HLV Nhật Bản
Trong bóng đá, chúng ta từng có những bước đi ra châu lục: Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Hậu, Quang Hải, Văn Toàn… Trước đó nữa là Lê Huỳnh Đức, Công Vinh. Nhưng cánh cửa ấy bây giờ đã đóng lại. Không còn ai xuất ngoại.
Thủ môn Nguyễn Filip chia sẻ rằng anh “sốc nhẹ” khi biết chỉ có khoảng 5 cầu thủ Việt Nam muốn được ra nước ngoài thi đấu. Vì bản thân Nguyễn Filip lúc ở CH Czech thì mọi cầu thủ đều có chung mục tiêu là được ra nước ngoài thi đấu.
HLV Makoto Teguramori (Nhật Bản) đã nói thẳng thắn: “Nhiều cầu thủ Việt Nam đang thỏa mãn với hiện tại. Họ cần tự tin phát triển bản thân và mở rộng tầm nhìn ra thế giới. Họ chỉ có thể nâng tầm bản thân khi đặt mục tiêu lớn”.

HLV Makoto Teguramori (Nhật Bản) chê cầu thủ Việt Nam sớm tự mãn. Ảnh: Hà Nội FC
Đó là những phát biểu đáng suy ngẫm, và khá cay đắng. Một nền bóng đá đã nói về giấc mơ World Cup, nói về khát vọng vươn ra châu Á, nhưng nội tại lại không có lấy một cầu thủ xuất ngoại để vươn tới trình độ cao hơn V.League. Vậy ước mơ ấy bao giờ mới thành sự thật?
Không có người bước ra, làm sao bước tới sân khấu thế giới là World Cup?
Bóng đá Nhật Bản, Hàn Quốc, Uzbekistan, Australia đều đi tới World Cup bằng con đường xuất ngoại, để va chạm, để trưởng thành. Không ai trở thành “đẳng cấp châu Á” bằng cách đá quanh quẩn trong một giải quốc nội.
Bóng đá Việt Nam bây giờ rõ ràng cần một Phương Mỹ Chi phiên bản sân cỏ. Những cầu thủ có thể rời khỏi vùng an toàn, một CLB dám hy sinh trước mắt để cầu thủ có cơ hội xuất ngoại, giống HAGL của bầu Đức từng làm trong quá khứ với lứa Công Phượng vào năm 2015.
Không thể vươn tới đỉnh cao châu lục nếu bóng đá Việt Nam chỉ đứng mãi trong cái ao làng của chính mình!