Từ 'Khoán 10' đến 'Bộ tứ chiến lược': Cuộc 'giải phóng' nông dân và cơ hội nảy mầm cho kinh tế tư nhân

Gần 40 năm sau khi Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp ra đời, kinh tế tư nhân ở Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới...

PGS.TS Nguyễn Văn Bích, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, trợ lý của cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương giai đoạn 1997-2006, ông cũng là người trực tiếp tham gia nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết 10 năm 1988 trong thời gian công tác tại Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. Chia sẻ với Thương gia, PGS. TS Nguyễn Văn Bích hồi tưởng lại những câu chuyện sâu sắc về bối cảnh ra đời lịch sử, thành tựu của Nghị quyết 10, và cách nó đã tạo tiền đề cho sự phát triển của kinh tế tư nhân, nền tảng đưa đến các nghị quyết chiến lược thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân hiện nay.

THỜI ĐIỂM MANH NHA CỦA KINH TẾ TƯ NHÂN

Những năm đầu thập niên 80, đặc biệt từ năm 1983, kinh tế Việt Nam rơi vào tình trạng trì trệ nghiêm trọng. Mặc dù Chỉ thị 100-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (năm 1981) về khoán sản phẩm trong nông nghiệp đã mang lại những kết quả tích cực ban đầu, nhưng do nhiều yếu tố, hiệu quả nhanh chóng suy giảm chỉ sau vài năm.

Tình hình kinh tế càng thêm khó khăn do các yếu tố đối ngoại như lệnh cấm vận gắt gao sau chiến tranh. Trong nước, mô hình hợp tác xã bộc lộ nhiều yếu kém, khiến nông dân mất đi động lực sản xuất. “Người nông dân không thiết tha với hợp tác xã nữa, họ phải làm lén ra ngoài, chủ yếu tập trung vào phần đất 5% để sống”, ông Nguyễn Văn Bích hồi tưởng về một thời kỳ khó khăn. Vào thời điểm đó, Việt Nam phải nhập khẩu lương thực với số lượng lớn, cao nhất là hơn một triệu tấn mỗi năm.

 PGS.TS Nguyễn Văn Bích, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước hồi tưởng lại những năm tháng khó khăn của thời kỳ đổi mới

PGS.TS Nguyễn Văn Bích, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước hồi tưởng lại những năm tháng khó khăn của thời kỳ đổi mới

Trước tình hình bức bách đó, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (cuối năm 1986) đã quyết định đường lối đổi mới, đặt ra yêu cầu thay đổi cách quản lý và hoạt động kinh tế - xã hội. Bộ Chính trị đã thảo luận kỹ lưỡng và đi đến quyết định tập trung giải quyết vấn đề an ninh lương thực và phát triển sản xuất nông nghiệp. Song song đó là phát triển lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp – một điểm mấu chốt liên quan đến sự hình thành của khu vực kinh tế tư nhân sau này.

Viện Quản lý kinh tế Trung ương được Bộ Chính trị giao là cơ quan thường trực phối hợp với Bộ Nông nghiệp Trung ương nghiên cứu các đề án về đổi mới quản lý nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, ông Võ Chí Công (Chủ tịch Hội đồng Nhà nước) trực tiếp phụ trách. Sau đó, Viện đã thành lập nhóm nghiên cứu gồm 4 thành viên: Ông Đoàn Đỗ, Phó Viện trưởng làm trưởng nhóm, ông Chu Hữu Quý, Phó Ban Nông nghiệp Trung ương làm thành viên, ông Trần Quang, chuyên viên cao cấp Ban Nông nghiệp Trung ương làm thành viên và ông Trần Văn Bích, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước (MS 98A-03 về những nguyên tắc đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp) làm thành viên kiêm thư ký. Ngay khi được giao nhiệm vụ, nhóm nhanh chóng bắt tay vào tổng kết các mô hình khoán chui và các điển hình nông nghiệp trong thực tiễn.

Với sự tập hợp tư liệu và tổng kết các mô hình thực tiễn, đề án đổi mới quản lý nông nghiệp nhanh chóng được hình thành. Sau nhiều vòng thảo luận, xin ý kiến từ các cấp lãnh đạo và các nhà quản lý ở cấp tỉnh, huyện, bản dự thảo nghị quyết cuối cùng đã ra đời.

Một điểm độc đáo trong quá trình này là việc “thăm dò dư luận” được thực hiện ngay từ cuối năm 1987. Ông Bích kể lại: “Người dân, đặc biệt là nông dân, rất hồ hởi đón nhận những tư tưởng mới và nhanh chóng áp dụng vào vụ đông xuân 1987-1988. Nhờ vậy, sản xuất nông nghiệp đã có những chuyển biến tích cực rõ rệt ngay trong vụ đó, cho thấy sự đồng thuận và hiệu quả ban đầu của những ý tưởng đổi mới”.

Ngày 28/12/1987, Bộ Chính trị đã họp và thống nhất thông qua nghị quyết chỉ trong nửa buổi tại TP.HCM, nhưng do vấn đề còn mới và phức tạp nên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh lúc bấy giờ đã quyết định lùi lại việc ký và ban hành để chờ Đại hội Nông dân toàn quốc lần thứ nhất vào tháng 3/1988, nhằm lấy thêm ý kiến từ cơ sở lần cuối cùng. Chính vì vậy, Nghị quyết 10 về đổi mới quản lý nông nghiệp chính thức ra đời vào ngày 5/4/1988. Tên gọi "Khoán 10" do ông Hữu Thọ, Tổng Biên tập báo Nhân Dân lúc bấy giờ đặt như một cách rút gọn từ "Khoán 100" trước đó.

KINH TẾ TƯ NHÂN CÒN NHIỀU DƯ ĐỊA ĐỂ BỨT PHÁ

Một tư tưởng quan trọng, dù không được thể hiện một cách trực diện trong Nghị quyết 10, chính là việc tái phân công lao động xã hội và cho phép tích tụ dần sản xuất. Tinh thần chủ đạo là "ai giỏi nghề gì thì làm nghề đó", khuyến khích người nông dân không chỉ phát triển trong nông nghiệp mà còn mở rộng sang các ngành nghề phi nông nghiệp.

Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho những nông dân có năng lực sản xuất tốt có thể mở rộng quy mô diện tích canh tác thông qua việc thuê, mượn hoặc nhận chuyển quyền sử dụng đất từ những người không chuyên về nông nghiệp. Từ đó, ngành nông nghiệp có thể từng bước tiến tới cơ giới hóa và hiện đại hóa, vượt ra khỏi hình ảnh truyền thống "con trâu đi trước, cái cày đi sau". Từ đó cũng là cơ hội để những người không có khả năng làm nông nghiệp có thể yên tâm chuyển sang làm và phát triển những ngành nghề khác.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh và người nông dân miền Bắc trong những năm tháng chiến tranh

Chủ tịch Hồ Chí Minh và người nông dân miền Bắc trong những năm tháng chiến tranh

Có thể nói rằng, Nghị quyết 10 không chỉ "cởi trói" cho hộ nông dân mà còn mang đến luồng gió mới cho các nông trường quốc doanh. Thay vì duy trì mô hình sản xuất khép kín, Nghị quyết định hướng các nông trường này chuyển đổi mạnh mẽ, tập trung vào vai trò phục vụ sản xuất nông nghiệp của cả vùng. Điều này bao gồm việc giao khoán đất đai dài hạn cho công nhân viên chức, tạo động lực phát triển các vùng cây công nghiệp và cây ăn quả quy mô lớn.

Đặc biệt, Nghị quyết còn nhấn mạnh sự cần thiết của việc gắn kết chặt chẽ sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, mở ra cơ hội nâng cao giá trị sản phẩm và chuỗi cung ứng, thay vì chỉ dừng lại ở sản xuất thô. Đây là bước đi chiến lược, định hình lại vai trò của nông trường quốc doanh từ đơn vị sản xuất độc lập thành mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái nông nghiệp tổng thể.

Với tinh thần "cởi trói" mạnh mẽ cho người nông dân, Nghị quyết 10 đã mang lại những thành quả vượt xa mọi mong đợi, gần như tạo nên một "phép màu" trong nông nghiệp Việt Nam. Ngay trong vụ đông xuân 1987-1988, sản lượng lương thực đã tăng vọt gần một triệu tấn. Đến năm 1989, tổng sản lượng lương thực cả nước đã bứt phá ngoạn mục từ 18 triệu lên 19 triệu tấn. Đáng chú ý hơn, Việt Nam đã ghi dấu ấn lịch sử khi lần đầu tiên xuất khẩu được 1 triệu tấn gạo, một cột mốc không tưởng đối với một quốc gia từng phải vật lộn với nạn đói và nhập khẩu lương thực triền miên.

Sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là phát triển lương thực, trong thời kỳ Đổi mới đã đóng vai trò then chốt, tạo nên tiền đề cho sự bùng nổ của các ngành nghề phi nông nghiệp. Chính sự phát triển này đã trở thành cái nôi ươm mầm cho tiểu thủ công nghiệp và thương mại, đặt nền móng vững chắc cho sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của kinh tế tư nhân tại Việt Nam.

Thành công vang dội này không chỉ đơn thuần là kết quả của việc gia tăng năng suất. Đó còn là sự cộng hưởng mạnh mẽ từ các chính sách táo bạo như xóa bỏ chế độ bao cấp, bỏ sổ gạo, và dỡ bỏ mọi rào cản "ngăn sông cấm chợ". Khi thị trường được tự do hóa, người dân không còn nỗi lo thiếu thốn và không cần tích trữ lương thực, tạo ra một lượng gạo dư thừa đáng kể. Chính sự tự do mua bán và lưu thông hàng hóa này đã giải phóng nguồn lực, biến Việt Nam từ một nước nhập khẩu lương thực trở thành một cường quốc xuất khẩu gạo chỉ trong một thời gian ngắn.

Trở về với thời điểm hiện tại, PGS.TS Nguyễn Văn Bích, với kinh nghiệm và tầm nhìn sâu sắc, mạnh mẽ khẳng định: “Việc khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển là hoàn toàn đúng đắn và đó chính là một tiềm năng cực kỳ to lớn của đất nước. Sự ra đời của “Bộ tứ nghị quyết chiến lược” cho thấy một chủ trương nhất quán và quyết liệt từ cấp cao nhất, tạo ra nền tảng vững chắc để kinh tế tư nhân thực sự bứt phá trong kỷ nguyên mới”.

Tuy nhiên, cần có những giải pháp cụ thể hơn về cơ chế chính sách, đặc biệt là quyền quản lý tư liệu sản xuất cơ bản và chế độ phân phối lợi ích. “Để kinh tế tư nhân thực sự cất cánh, chúng ta cần một hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ và thông thoáng. Đó phải là những bệ phóng vững chắc, giúp khu vực này phát huy tối đa tiềm năng, thay vì chỉ là những lời động viên”, ông nhấn mạnh.

Hành trình gần 40 năm từ Nghị quyết 10 đến Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân, Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là một minh chứng cho sự kiên trì và tầm nhìn trong công cuộc đổi mới của Việt Nam. Mặc dù vẫn còn những rào cản cần tháo gỡ, nhưng với tiềm năng to lớn và định hướng đúng đắn, kinh tế tư nhân được kỳ vọng sẽ tiếp tục là động lực quan trọng cho sự phát triển của đất nước trong tương lai.

Thảo Huyền

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/tu-khoan-10-den-bo-tu-chien-luoc-cuoc-giai-phong-nong-dan-va-co-hoi-nay-mam-cho-kinh-te-tu-nhan-post561835.html
Zalo