Tụ hội trí tuệ Việt, kiến tạo kỷ nguyên mới

Hôm nay, 19/7, tại Hà Nội, khai mạc Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI, năm 2025. Hơn 200 trí thức trẻ Việt trong và ngoài nước cùng tụ hội, hiến kế, chia sẻ nhiều giải pháp thu hút chất xám nguồn nhân lực chất lượng cao với khát vọng chung là góp phần đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.

TS. Nguyễn Văn Phúc, giảng viên tại Western Sydney Việt Nam, Trường Tài năng UEH.ISB, Đại học UEH:

Thu hút chất xám người Việt toàn cầu

Từ kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực tài chính, đồng thời tham gia các nhóm tư vấn chính sách về các vấn đề quốc gia, đến với Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI, tôi sẽ chia sẻ về cách đưa tri thức hàn lâm vào giải quyết bài toán thực tiễn. Cụ thể, tôi sẽ nói về trải nghiệm phối hợp cùng các trí thức trẻ và chuyên gia toàn cầu xây dựng những đề án chiến lược cho Việt Nam.

Theo tôi, Việt Nam cần tiến hành một loạt đột phá chiến lược về thể chế và chính sách tài chính để thúc đẩy kinh tế tri thức và thu hút nhân tài. Trước tiên, việc phát triển Trung tâm Tài chính Quốc tế (TTTC) nên được coi là mũi nhọn ưu tiên. Một mô hình TTTC đa trung tâm, chẳng hạn tại TPHCM và Đà Nẵng không chỉ giúp hiện đại hóa hạ tầng tài chính, mà còn thu hút doanh nghiệp công nghệ và chuyên gia tài chính toàn cầu, tạo động lực lan tỏa ra cả nước. Đây là nền tảng để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng trưởng kinh tế tri thức.

Thứ hai, cần khuyến khích tài chính xanh và khởi nghiệp sáng tạo. Chính phủ có thể ban hành chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng cho các start-up công nghệ, năng lượng sạch; đồng thời thành lập các quỹ đổi mới sáng tạo từ nguồn lực công - tư để đầu tư cho các dự án R&D chiến lược.

Thứ ba, cần cải cách thể chế để hướng tới nền kinh tế số và hội nhập quốc tế. Việt Nam nên đẩy mạnh số hóa quản lý tài chính công (thuế, ngân sách, hải quan…), đồng thời cập nhật các chuẩn mực tài chính toàn cầu và ký các hiệp định công nhận lẫn nhau, tạo môi trường pháp lý minh bạch và linh hoạt cho chuyên gia, nhà đầu tư quốc tế.

Cuối cùng, cần một chiến lược bài bản thu hút chất xám người Việt toàn cầu. Bên cạnh việc tạo điều kiện để chuyên gia kiều bào về nước làm việc trong các viện, trường, doanh nghiệp, Việt Nam cũng nên phát triển cơ chế đóng góp từ xa qua các mạng lưới chuyên gia và cố vấn. Quan trọng hơn cả là thể chế trọng dụng người tài phải công bằng, minh bạch, đánh giá dựa trên năng lực thực chất thay vì thâm niên hay bằng cấp.

Tôi tin rằng, nếu làm tốt những điều trên, Việt Nam sẽ tạo được nền tảng vững chắc cho một nền kinh tế dựa trên tri thức - đúng như tinh thần mà Nghị quyết 57 kỳ vọng.

TS. Hoàng Thị Xuân Hương, Phó Trưởng khoa phụ trách Điều dưỡng, Trường Y dược Phenikaa, Đại học Phenikaa:

Trao quyền cho trí thức trẻ

Tôi kỳ vọng Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu sẽ không chỉ là nơi gặp gỡ, mà thực sự trở thành cầu nối chiến lược giữa trí tuệ Việt Nam trong và ngoài nước, giữa khát vọng cá nhân và mục tiêu phát triển quốc gia. Điều tôi mong muốn nhất là diễn đàn này sẽ kích hoạt và duy trì được một mạng lưới hợp tác liên tục, chứ không dừng lại ở những cuộc “hiến kế” ngắn hạn. Khi chúng ta nói đến chất xám Việt trên toàn cầu, tức là đang nói đến một nguồn lực đa dạng về chuyên môn nhưng nếu thiếu cơ chế kết nối bền vững thì những nguồn lực ấy rất dễ bị đứt đoạn hoặc trôi đi.

Theo tôi, để trí thức trẻ không chỉ “hiến kế” mà còn “cùng hành động” một cách thực chất, cần ít nhất ba điều. Thứ nhất, phải có cơ chế rõ ràng để lắng nghe và tiếp nhận đóng góp. Nhiều bạn trẻ rất tâm huyết, có giải pháp cụ thể, nhưng nếu thiếu đầu mối tiếp nhận hoặc thiếu môi trường thử nghiệm, “kế” sẽ không thành. Thứ hai, phải xây dựng được các nhóm hợp tác liên ngành, có mục tiêu rõ ràng và được hỗ trợ dài hạn để giải quyết một số vấn đề cấp bách như: Quản lý triệu chứng các bệnh mạn tính, xây dựng cơ sở dữ liệu về sức khỏe của người dân, áp dụng mô hình One Health để quản lý kháng kháng sinh tại cộng đồng... Thứ ba, cần có lòng tin và sự kiên nhẫn. Đổi mới, sáng tạo, và phát triển bền vững là hành trình dài. Trí thức trẻ cần được trao quyền, được phép thử và đôi khi là được phép sai để trưởng thành và đóng góp thực chất hơn.

Tôi tin, khi được đồng hành đúng cách, trí thức trẻ Việt Nam dù ở đâu cũng đều sẵn sàng quay về và có hành động cụ thể góp phần vào sự phát triển của đất nước trong kỉ nguyên mới.

TS. Nguyễn Tiến Việt, Trường Kinh tế và Chính trị London (LSE), Anh:

Cần đề bài đủ khó và hay để hút nhân tài

Trí thức trẻ người Việt, dù ở trong nước hay nước ngoài, đều có mong muốn cống hiến cho Tổ quốc và quê hương, dù mỗi người có lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Khoảng cách địa lý có thể tạo ra trở ngại nhất định, nhưng tôi tin rằng nếu được tiếp cận với ba yếu tố quan trọng sau, trí thức trẻ ở nước ngoài sẽ sẵn sàng đóng góp tích cực. Đó là, các đề bài đủ khó và đủ hay; môi trường làm việc cởi mở, minh bạch và chân thành; các kênh tác động rõ ràng để kết quả được ứng dụng thiết thực vào chính sách và đời sống.

Tôi đã có những trải nghiệm chuyên môn thú vị và sâu sắc khi làm việc cùng các chuyên gia đa ngành trong mạng lưới AVSE Global, đóng góp vào nhiều vấn đề cấp thiết của Việt Nam như: khai thác giá trị cộng hưởng tại các địa phương sau sáp nhập, cải cách bộ máy hành chính, ứng phó với căng thẳng thương mại quốc tế và xây dựng chiến lược phát triển trung tâm tài chính quốc tế và phát triển kinh tế xã hội địa phương. Từ những kinh nghiệm này, tôi cho rằng, Việt Nam nên ưu tiên xây dựng mô hình “mạng lưới chuyên gia theo tác vụ”, tức là phát triển các nền tảng kết nối trí thức trẻ ở nước ngoài theo từng chủ đề hoặc dự án cụ thể, với cơ chế làm việc linh hoạt, hướng tới kết quả đầu ra rõ ràng, giá trị đóng góp thực chất.

Bên cạnh đó, một sáng kiến đáng chú ý từ Hội Trí thức Việt Nam tại Vương quốc Anh (VIS UK) là chương trình kết nối cố vấn nghề nghiệp (mentoring) giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước. Đây là một mô hình có tiềm năng mở rộng để tạo dựng các mối liên kết chuyên môn bền vững.

Một đề xuất khác có thể thử nghiệm là thành lập “Hội đồng Cố vấn Chính sách Đổi mới Sáng tạo Trẻ”, tập hợp các trí thức trẻ trong và ngoài nước để tư vấn chuyên sâu cho một số bộ, ngành chủ chốt. Hội đồng này sẽ đóng vai trò bổ trợ, cung cấp các phân tích độc lập, liên ngành, và cập nhật từ thực tiễn quốc tế, qua đó, góp phần làm giàu thêm cho quá trình hoạch định và phản biện chính sách.

LƯU TRINH (ghi)

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tu-hoi-tri-tue-viet-kien-tao-ky-nguyen-moi-post1761498.tpo
Zalo