Tự hào nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa

Hàm Hạ (phường Đông Sơn) - một 'địa chỉ đỏ' nhắc nhớ về truyền thống yêu nước, niềm tự hào của mỗi người dân Thanh Hóa. Cách đây gần một thế kỷ, Hàm Hạ - nơi những 'hạt giống đỏ' đầu tiên đã được gieo trên mảnh đất xứ Thanh, mở ra chặng đường lịch sử hào hùng của phong trào cách mạng tỉnh Thanh Hóa.

Điểm di tích nhà ông Lê Oanh Kiều - nơi thành lập Chi bộ Hàm Hạ. Ảnh: Thùy Linh

Điểm di tích nhà ông Lê Oanh Kiều - nơi thành lập Chi bộ Hàm Hạ. Ảnh: Thùy Linh

Hơn 95 năm trước, giai đoạn 1925-1929, đình làng Hàm Hạ là nơi các thanh niên yêu nước tụ họp. Cũng tại Hàm Hạ, ngày 25/6/1930, trong căn buồng phía Nam nhà đồng chí Lê Oanh Kiều, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Doãn Chấp, hội nghị thành lập Chi bộ Hàm Hạ - chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa được diễn ra. Đồng chí Lê Thế Long được bầu làm Bí thư Chi bộ Hàm Hạ. Đây là chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh, đặt nền móng cho việc xây dựng và phát triển đảng ở Thanh Hóa, tiến tới sự ra đời của Đảng bộ tỉnh vào ngày 29/7/1930.

Đến tháng 10/1930, cơ quan báo “Tiến lên” dời về nhà đồng chí Phạm Văn Huống - một trong những đảng viên đầu tiên của Chi bộ Hàm Hạ. Cùng với xuất bản, in ấn tờ báo “Tiến lên” - tờ báo đầu tiên của Đảng bộ Thanh Hóa, nơi đây còn xuất bản nhiều tài liệu cách mạng, góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động cách mạng, xây dựng và phát triển cơ sở đảng trên toàn tỉnh.

Với những giá trị nổi bật về lịch sử, văn hóa, năm 1994 đình Hàm Hạ được công nhận là Cụm di tích lịch sử cấp quốc gia, gồm 3 điểm di tích: Đình làng Hàm Hạ - nơi che chở, bao bọc cho các chiến sĩ cách mạng trong chiến tranh; nhà ông Lê Oanh Kiều - nơi thành lập Chi bộ Hàm Hạ; nhà ông Phạm Văn Huống - nơi phát hành tờ báo “Tiến lên” - cơ quan ngôn luận đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa.

Đến nay, cụm di tích lịch sử đình Hàm Hạ đã được tôn tạo khang trang với nhiều công trình như: Khu vực đình làng, nhà khách, khu vực giếng làng, nhà ông Lê Oanh Kiều, nhà ông Phạm Văn Huống và tuyến đường Hàm Hạ được mở rộng, tạo cảnh quan thông thoáng, sạch đẹp.

Dẫn chúng tôi tham quan cụm di tích lịch sử cách mạng Hàm Hạ, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố Hàm Hạ Phạm Văn Sinh cho biết, Hàm Hạ từ một vùng quê nghèo, nay đã đổi thay tích cực trở thành điểm sáng phát triển: “Người dân Hàm Hạ lớn lên trong niềm tự hào về truyền thống cách mạng. Mỗi người được giáo dục, nuôi dưỡng truyền thống yêu nước, cách mạng từ bé. Bởi vậy, ai cũng tích cực lao động, sản xuất, học tập, rèn luyện để góp sức xây dựng quê hương, đất nước, phát huy truyền thống của vùng đất cách mạng”.

Tại điểm di tích nhà ông Lê Oanh Kiều, chúng tôi được một người chắt nội của ông Lê Oanh Kiều chia sẻ: "Lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng, tôi luôn được bố mẹ, ông bà dạy về tình yêu nước, trách nhiệm với gia đình, đất nước. Tôi luôn nỗ lực học tập, rèn luyện, tích cực tham gia các hoạt động của địa phương”.

Còn bà Lê Thị Bìa ở phố Hàm Hạ cho biết: “Tôi tự hào vì được làm dâu và sống tại mảnh đất cách mạng. Gia đình tôi ngay cạnh di tích, từ xưa đã được nghe bố mẹ kể chuyện đây là nơi thành lập Chi bộ Đảng, nơi hoạt động cách mạng. Gia đình tôi luôn tích cực tham gia các hoạt động của địa phương. Mỗi thành viên gia đình luôn chủ động rèn luyện, học tập để góp sức cho quê hương, thể hiện tinh thần cách mạng theo cách của mình. Mỗi khi có khách đến tham quan, bà con ai cũng sẵn sàng giới thiệu, kể lại câu chuyện hào hùng của cha ông. Bởi chúng tôi hiểu, cuộc sống hôm nay có được là nhờ sự hy sinh của biết bao thế hệ đi trước”.

Điểm di tích đình Hàm Hạ, nơi che chở các chiến sĩ cách mạng.

Điểm di tích đình Hàm Hạ, nơi che chở các chiến sĩ cách mạng.

Để thể hiện niềm tự hào và phát huy truyền thống cách mạng, hằng năm, địa phương đã phối hợp với các đoàn thể tổ chức dâng hương và nhiều hoạt động hướng về nguồn nhằm khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Người dân trong khu phố tích cực tham gia bảo vệ và phát huy giá trị của di tích, phát huy truyền thống của vùng đất cách mạng, hăng hái tham gia các phong trào thi đua lao động sản xuất.

Trong quá trình XDNTM, để đạt tiêu chí kiểu mẫu, người dân Hàm Hạ đã tích cực tham gia xây dựng đường giao thông. Với phương pháp: người dân hiến đất lùi công trình, tham gia đóng góp ngày công lao động, nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông, đã có hàng trăm hộ dân hiến hàng nghìn m2 đất để mở rộng các tuyến đường lên ít nhất 3,5m. Riêng đối với 2km đường Hàm Hạ, 136 hộ dân đã hiến đất để rải nhựa, mở rộng đường từ 4m lên 8,5m. Cùng với hiến đất mở đường, người dân Hàm Hạ còn tích cực đóng góp kinh phí xây dựng nhà văn hóa, khu vui chơi...

Gần một thế kỷ trôi qua, Chi bộ Hàm Hạ vẫn là biểu tượng sáng ngời của ý chí cách mạng và niềm tin sắt son của người dân xứ Thanh. Từ nơi đây, ngọn lửa cách mạng đã được thắp lên, soi đường cho phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc. Và hôm nay, ngọn lửa ấy không chỉ là niềm tự hào mà còn là động lực thôi thúc thế hệ trẻ tiếp bước cha anh, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Thùy Linh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/tu-hao-noi-thanh-lap-chi-bo-dang-dau-tien-cua-tinh-thanh-hoa-255787.htm
Zalo