Từ 'giỏi' đến 'vĩ đại': Ai sẽ chiếu sáng điểm mù của bạn? (Bài 2)

Bạn đã từng ngưỡng mộ một 'nhà vô địch' nào chưa? Đó có thể là một CEO đưa công ty từ bờ vực phá sản đến trở thành kỳ lân, một nhà sáng lập tạo ra sản phẩm triệu đô la Mỹ, hay một nhà lãnh đạo truyền cảm hứng khiến đội ngũ 'cháy' hết mình mỗi ngày. Chúng ta thấy họ tỏa sáng, nhưng ít ai nhìn vào hậu trường. Nơi đó, họ cũng từng loay hoay, từng gục ngã, và từng cần một người đồng hành, một huấn luyện viên (coach).

Trong thể thao, không ai ngạc nhiên khi thấy một nhà vô địch luôn có huấn luyện viên đồng hành. Nhưng trong giới lãnh đạo doanh nghiệp, điều này vẫn còn là một khái niệm mới mẻ, thậm chí gây hoài nghi. Người ta vẫn nghĩ: người càng giỏi thì càng không cần ai hướng dẫn. Sự thật thì ngược lại. Những nhà lãnh đạo vĩ đại nhất luôn có người đồng hành để soi sáng những điểm mù của họ, điều mà tự bản thân khó lòng nhìn thấy.

Điểm mù của nhà lãnh đạo: Bạn không nhìn thấy những gì mình không nhìn thấy

Tôi từng làm việc tại những tập đoàn đa quốc gia với hệ thống quy trình bài bản và KPI sắc bén. Tôi cũng từng quay về doanh nghiệp Việt - nơi mà tốc độ, sự linh hoạt và “làm được việc” là tiêu chí hàng đầu. Sau 10 năm dẫn dắt đội ngũ bán hàng toàn quốc, quản lý hàng ngàn nhân sự và doanh số hàng ngàn tỷ đồng, tôi từng nghĩ mình đã “đủ đầy”. Cho đến khi tôi… chạm đáy.

Đó là giai đoạn tôi cảm thấy trống rỗng, mất định hướng, mất cả động lực, và hơn nữa còn nghi ngờ chính mình. Mọi thứ bên ngoài vẫn ổn, nhưng bên trong tôi thì không. Dù môi trường có khác biệt, tôi luôn nhìn thấy một điểm chung: càng lên cao thì nhà lãnh đạo càng dễ rơi vào “điểm mù”. Đó là nơi cái tôi, áp lực và sự cô đơn khiến họ khó nhìn rõ bản thân. Chính lúc ấy, họ cần một người không ra quyết định thay họ, mà giúp họ ra quyết định tốt hơn - một huấn luyện viên (coach).

Sự thật là, chỉ đến khi tôi gặp đúng người coach, mọi thứ mới thay đổi: tôi bắt đầu hiểu sâu hơn chính mình, tôi chuyển hóa tư duy, và tôi vững vàng để dẫn dắt người khác. Và rồi tôi nhận ra, người giỏi nhất không phải là người không cần ai cả, mà là người biết khi nào cần ai!

Coaching là gì và vì sao nó quan trọng với người đã “giỏi”

Coaching không tập trung vào việc “nói cho bạn biết phải làm gì” mà giúp bạn “tự tìm ra điều bạn cần làm nhất”. Nói cách khác, coaching không phải là “dạy”, cũng không phải là “tư vấn” hay “đào tạo”, mà là nghệ thuật đặt câu hỏi đúng lúc để khai mở nhận thức, giúp người đối diện nhìn thấy góc khuất của bản thân, đánh thức tiềm năng bên trong và ra quyết định một cách có trách nhiệm.

Ngay cả khi đã là những tiền đạo và tay vợt xuất sắc nhất hành tinh, Messi, Federer hay Serena Williams vẫn luôn cần huấn luyện viên kề cận. Trong thế giới doanh nghiệp cũng vậy: CEO Google, Facebook, LinkedIn… đều có executive coach đồng hành.

Vì sao vậy? Vì như đã nói, cũng như bao người khác, chính người giỏi nhất cũng có “điểm mù” (blind spots), nơi họ không thể tự nhìn thấy giới hạn của mình. Vì khi họ càng thành công, càng ít người dám phản hồi thật lòng. Sự cô đơn đỉnh cao là có thật!

Khi thành công ngày hôm qua có thể là rào cản của ngày mai, người dẫn dắt bạn đi xa hơn không phải là người khen bạn, mà là người đặt đúng câu hỏi khiến bạn… giật mình. Một coach giỏi không “dạy” bạn làm gì, mà giúp bạn tự tìm thấy điều mình cần làm nhất.

Lãnh đạo tỉnh thức: Ba bước để chọn đúng người đồng hành. Không phải ai cũng cần coach, nhưng ai muốn phát triển sâu, xa và bền đều sẽ đến lúc cần một người đồng hành phù hợp.

Bước 1: Nhìn lại bản thân và xác định mục tiêu chuyển hóa. Bạn đang ở đâu trong sự nghiệp hay cuộc sống? Điều gì đang khiến bạn bối rối, mắc kẹt, hoặc “đạp ga mà không chạy”? Mục tiêu lớn tiếp theo của bạn là gì?

Bước 2: Chọn đúng coach. Đừng chọn người “nổi tiếng” nhất, hãy chọn người phù hợp nhất. Tìm một coach biết lắng nghe, không phán xét và giúp bạn đi vào chiều sâu nội tâm. Ưu tiên người có chứng chỉ uy tín (như ICF, EMCC, Professional Coaching Foundation - MCG…), có trải nghiệm thực chiến và đạo đức nghề nghiệp rõ ràng.

Bước 3: Dám mở lòng và cam kết. Coaching là quá trình “mở lòng - đối diện - hành động”. Người coach không làm thay bạn, họ chỉ soi sáng con đường để bạn bước đi. Coaching không “thay đổi bạn”, nó giúp bạn tự thay đổi mình. Hãy cam kết với hành trình phát triển cá nhân, không phải vì coach mà vì chính bạn - nhà vô địch tương lai.

Một quản lý cấp cao trong ngành FMCG từng gặp tôi khi bị rơi vào trạng thái mâu thuẫn với đội ngũ và cảm thấy "mất lửa". Sau sáu buổi coaching, anh ấy hiểu ra rằng mình đang dùng “phong cách lãnh đạo cũ” với một thế hệ mới. Và rồi chính anh đã thiết kế lại cách trao quyền, truyền cảm hứng theo phong cách phù hợp hơn. Kết quả: nhân viên gắn bó hơn, và anh ấy cũng tìm lại được niềm tin vào chính mình.

Lê Minh Hưng (Helena) - Chuyên gia cố vấn Lãnh đạo và Phát triển doanh nghiệp

Lê Minh Hưng là mentor, diễn giả truyền cảm hứng, chuyên gia trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) và bán lẻ. Cô có gần 20 năm kinh nghiệm lãnh đạo tại các tập đoàn đa quốc gia như Coca-Cola Việt Nam, Nestlé Waters, Mesa Group và hiện là một trong những gương mặt chủ lực tại tập đoàn Tân Hiệp Phát với vai trò Giám đốc Kinh doanh Quốc tế, Thương mại hiện đại và Thương mại điện tử của Tập đoàn.
Song song đó, cô còn là coach chuyên nghiệp về lãnh đạo và phát triển doanh nghiệp tại Mind Coach Global, đồng thời sáng lập cộng đồng SHE Global nhằm kết nối và truyền cảm hứng cho phụ nữ thông qua các chương trình đào tạo thực tiễn. Với vai trò mentor, diễn giả, giám khảo và chuyên gia ngành Sales - Marketing và Leadership cho nhiều chương trình phát triển giới trẻ, cô luôn tin vào tư duy chủ động và khả năng bứt phá của thế hệ kế thừa. Phong cách huấn luyện của cô dung hòa giữa chiến lược kinh doanh và phát triển con người bền vững.

Hành trình tỉnh thức: Từ “thành công” đến “ý nghĩa”

Lãnh đạo không chỉ là vai trò, mà là hành trình phát triển không ngừng. Và ở một thời điểm nào đó, câu hỏi quan trọng không còn là “Tôi sẽ đạt được gì?”, mà là “Tôi sẽ trở thành ai?”. Coaching là công cụ của người dũng cảm: dũng cảm để nhìn lại, để thay đổi, và để sống đúng với giá trị thật của mình.

Hãy tưởng tượng: Bạn không còn phải đơn độc gồng gánh mọi thứ mà có một người đồng hành vững chãi? Bạn phát hiện ra rằng bên trong mình có một phiên bản xuất sắc hơn rất nhiều? Và bạn truyền cảm hứng cho đội ngũ của mình không bằng quyền lực, mà bằng tầm nhìn, sự chính trực và kết nối?

Bạn không cần trở thành “ai đó” để xứng đáng có coach. Bạn không cần phải là CEO hay lãnh đạo cấp cao. Ngay cả những quản lý cấp trung, những người đang ở ngã rẽ sự nghiệp hay những ai khát khao bước ra khỏi vùng an toàn đều có thể tìm thấy giá trị từ hành trình này. Chỉ cần muốn phát triển, bạn đã đủ điều kiện để bắt đầu. Chỉ cần dám nhìn lại, dám lựa chọn, và dám tin rằng bạn xứng đáng có một người coach, để trở thành phiên bản xuất sắc nhất của chính mình.

Trong một thế giới đầy biến động như hiện nay, tự lực là tốt. Nhưng bản lĩnh thực sự nằm ở việc biết khi nào cần người đồng hành. Một nhà vô địch không cần biết mọi thứ, họ chỉ cần biết khi nào nên tìm đến đúng người, đúng lúc.

(*) Chuyên gia cố vấn Lãnh đạo và Phát triển doanh nghiệp

Lê Minh Hưng (Helena) (*)

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/tu-gioi-den-vi-dai-ai-se-chieu-sang-diem-mu-cua-ban-bai-2-319871.html
Zalo