Tư duy phát triển mới tạo nền tảng vững chắc cho thị trường chứng khoán
Tư duy phát triển mới cùng chính sách phối hợp và cải cách thể chế quyết liệt đang tạo nền tảng cho chu kỳ tăng trưởng mới của Việt Nam. Thị trường chứng khoán được kỳ vọng tiếp tục là kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần hỗ trợ tăng trưởng bền vững trong trung và dài hạn.

Khu vực tư nhân là động lực tiên phong thúc đẩy đổi mới công nghệ, và nâng cao năng lực cạnh tranh nội tại. Ảnh: TL
Đổi mới tư duy phát triển kinh tế
Một trong những yếu tố nền tảng giúp củng cố triển vọng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam là sự thay đổi căn bản trong tư duy phát triển kinh tế. Nếu trước đây khu vực doanh nghiệp nhà nước được xem là trụ cột chủ lực, thì hiện nay Chính phủ đã xác định khu vực tư nhân là động lực tiên phong thúc đẩy đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và nâng cao năng lực cạnh tranh nội tại. Theo ông Trương Minh Hùng – Giám đốc Bộ phận ESG, Công ty Quản lý Quỹ UOB Asset Management Việt Nam (UOB AM), cách tiếp cận này không chỉ cho thấy sự dịch chuyển trong chính sách điều hành, mà còn mở ra hướng phát triển bền vững trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với rủi ro địa chính trị và rào cản thương mại, chính sách ưu tiên nội địa hóa ngày càng phổ biến.
Sự chuyển hướng thể hiện rõ qua các chính sách mới như Nghị quyết
68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết 198/2025/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, với mục tiêu tăng cường hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân thông qua hàng loạt giải pháp: từ mở rộng cơ hội tiếp cận tín dụng ưu đãi, quỹ đất cho các dự án hạ tầng, đến tạo điều kiện chuyển giao công nghệ từ các đối tác quốc tế. Cùng với đó, doanh nghiệp tư nhân ngày càng có nhiều cơ hội tham gia vào các lĩnh vực trọng điểm trước đây vốn chủ yếu do khu vực công đảm trách, điển hình là Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Tâm lý nhà đầu tư chịu tác động từ yếu tố toàn cầu
Theo chuyên gia từ UOB AM, các yếu tố địa chính trị và điều chỉnh chính sách toàn cầu tiếp tục tạo ra những biến động khó lường. Giá dầu có thể tăng trở lại nếu tình hình khu vực diễn biến phức tạp, gây áp lực đến chi phí sản xuất và tiêu dùng. Đồng thời, các bất ổn về chính sách thuế quan từ phía Tổng thống Donald Trump trên toàn cầu có thể cũng tạo ra những lo ngại nhất định đối với nhà đầu tư trong ngắn hạn.
“Đây là những yếu tố có thể tạo ra cú hích đáng kể đối với nhóm doanh nghiệp tư nhân lớn, đặc biệt là trong các lĩnh vực như hạ tầng, năng lượng, công nghiệp và công nghệ. Từ đó hiệu ứng lan tỏa sẽ thúc đẩy cả hệ sinh thái doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển, góp phần nâng đỡ toàn bộ nền kinh tế bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới” - ông Hùng nhận định.
Bên cạnh đó, ông Vương Khắc Huy - Trưởng phòng Phân tích và Đầu tư, Công ty Quản lý Quỹ Dai-ichi Life Việt Nam (DFVN) nhận định rằng, xu hướng hỗ trợ tăng trưởng vẫn đang là định hướng xuyên suốt của Chính phủ trong giai đoạn hiện nay. Điều này được phản ánh qua ba động lực chính: duy trì mục tiêu tăng trưởng bền vững, đẩy mạnh đầu tư công và phục hồi của tiêu dùng nội địa.
Ba trụ đỡ của tăng trưởng
Theo ông Vương Khắc Huy, trong xu thế tập trung vào tăng trưởng, các doanh nghiệp có nền tảng hoạt động vững chắc sẽ đạt hiệu quả kinh doanh cao hơn, tăng trưởng lợi nhuận mạnh hơn. Đây chính là yếu tố nền tảng để nhà đầu tư xác định tầm nhìn dài hạn khi tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam.
Đặc biệt, trong bối cảnh dư địa điều hành chính sách tiền tệ không còn nhiều, chính sách tài khóa với trọng tâm là đầu tư công đang đóng vai trò chủ lực trong việc hỗ trợ nền kinh tế.
“Đầu tư công được kỳ vọng sẽ lan tỏa hiệu ứng sang khu vực tư nhân, thúc đẩy các doanh nghiệp ngoài quốc doanh mở rộng sản xuất, kinh doanh, qua đó kích thích toàn bộ nền kinh tế” – ông Huy nhấn mạnh.
Cùng với đầu tư công, tiêu dùng nội địa cũng đang phát đi những tín hiệu tích cực. Mặc dù vẫn chưa trở lại mức tiềm năng vốn có sau giai đoạn khó khăn, song ông Huy tin rằng, với môi trường kinh tế vĩ mô ổn định và tâm lý thị trường dần cải thiện, tiêu dùng hoàn toàn có thể phục hồi trở lại mức tăng trưởng hai con số trong thời gian tới.
Dựa trên ba động lực đó, ông Huy cũng chỉ ra một số nhóm ngành triển vọng có khả năng hưởng lợi trong chu kỳ tăng trưởng sắp tới. Trong đó, các doanh nghiệp liên quan đến đầu tư công như xây dựng, bất động sản hạ tầng sẽ có nhiều cơ hội, tùy theo năng lực triển khai thực tế.
Ngành ngân hàng cũng được kỳ vọng tích cực nhờ tăng trưởng tín dụng và dòng tiền cải thiện. Các doanh nghiệp hàng tiêu dùng thiết yếu, dù đang bị định giá thấp, cũng có tiềm năng phục hồi mạnh mẽ nhờ biên lợi nhuận cao, thương hiệu tốt và năng lực tài chính lành mạnh.
Cuối cùng là nhóm ngành công nghệ, vốn đang trở thành động lực dài hạn gắn liền với chuyển đổi số và các xu thế kinh tế số toàn cầu.
Tuy nhiên, trong bức tranh chung về triển vọng tăng trưởng, vẫn tồn tại những yếu tố rủi ro cần theo dõi sát sao. Theo ông Hùng, một trong những biến số đáng chú ý là tỷ giá. Mặc dù đồng USD đã có xu hướng suy yếu trên phạm vi toàn cầu, song đồng Việt Nam vẫn ghi nhận mức mất giá khoảng 3% trong nửa đầu năm 2025. Đây là mức dao động tương đối trong bối cảnh lãi suất quốc tế vẫn duy trì ở mức cao và dòng vốn toàn cầu còn nhiều biến động. Nếu áp lực tỷ giá kéo dài, việc điều hành chính sách tiền tệ sẽ đòi hỏi sự linh hoạt để cân bằng giữa ổn định thị trường, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng.
Trong bối cảnh đó, theo chuyên gia từ UOB AM, việc duy trì ổn định vĩ mô và củng cố khả năng chống chịu nội tại sẽ đóng vai trò then chốt. Sự phối hợp hiệu quả giữa chính sách tài khóa, tiền tệ và cải cách thể chế không chỉ giúp Việt Nam ứng phó linh hoạt trước các cú sốc bên ngoài, mà còn tạo điều kiện thu hút dòng vốn trung và dài hạn, nhất là trong bối cảnh nhà đầu tư toàn cầu đang tìm kiếm các điểm đến an toàn và tiềm năng tăng trưởng bền vững.
Nền tảng tích cực cho thị trường nửa cuối năm 2025
Theo ông Phùng Minh Hoàng - chuyên gia phân tích cao cấp tại Công ty Quản lý Quỹ Phú Hưng (PHFM), thị trường chứng khoán Việt Nam nửa cuối năm 2025 sẽ chịu ảnh hưởng bởi ba yếu tố chính: thuế tối thiểu toàn cầu, tiến trình nâng hạng thị trường và xu hướng dòng vốn quốc tế.
Về thuế quan, các nhà đầu tư đang kỳ vọng mức thuế ưu đãi hơn mà Mỹ từng đề xuất. Nếu được áp dụng đồng đều trong khu vực, điều này sẽ không làm giảm lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm cần làm rõ, chẳng hạn cách định nghĩa “hàng hóa thuần Việt” để tránh áp dụng không đồng đều.
Về nâng hạng thị trường, Việt Nam đang dần tháo gỡ các rào cản như quy định ký quỹ cho nhà đầu tư nước ngoài và nâng cấp hạ tầng giao dịch. Ông Hoàng kỳ vọng tích cực vào dòng vốn từ các quỹ nước ngoài. Nếu thuận lợi, tiến trình nâng hạng có thể diễn ra vào cuối năm 2025 hoặc đầu năm 2026.
Cuối cùng, dòng vốn ngoại đang quay lại sau giai đoạn rút ròng 5 - 6 tỷ USD trong vài năm qua. Sự suy yếu của đồng USD và giảm hấp dẫn đầu tư vào AI tại Mỹ đang thúc đẩy dòng tiền quay về các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Ba yếu tố này đang tạo nền tảng tích cực cho thị trường trong nửa cuối năm 2025.