Từ đam mê đến sứ mệnh gìn giữ cổ phục Việt

Đam mê với cổ phục và di sản văn hóa Việt, chị Lê Huyền Trang đã tạo được dấu ấn riêng trong hành trình phục dựng từng món phụ kiện truyền thống như trâm cài, guốc mộc, vân kiên dựa trên tư liệu lịch sử. Không đặt nặng yếu tố lợi nhuận, chị chọn đi đường dài, bền bỉ truyền cảm hứng và lan tỏa vẻ đẹp di sản đến cộng đồng. Ấn phẩm Pháp luật và Xã hội (Báo Kinh tế & Đô thị) đã có cuộc trò chuyện với chị Lê Huyền Trang về hành trình giữ lại 'nét xưa' trong dòng chảy hiện đại.

 Mộc Miên Thị là đơn vị đồng hành cùng nhiều sự kiện lớn về cổ phục như Bách Hoa Bộ Hành, Tóc Xanh Vạt Áo, Việt Phục Như Hoa, Thanh Ti Vạn Sợi,... (Ảnh: NVCC)

Mộc Miên Thị là đơn vị đồng hành cùng nhiều sự kiện lớn về cổ phục như Bách Hoa Bộ Hành, Tóc Xanh Vạt Áo, Việt Phục Như Hoa, Thanh Ti Vạn Sợi,... (Ảnh: NVCC)

Điều gì khiến chị Lê Huyền Trang lựa chọn một lĩnh vực chuyên biệt và kén người như cổ phục?

Thật lòng thì tôi không bắt đầu với mục tiêu kinh doanh theo nghĩa thông thường. Khi tham gia các hoạt động văn hóa, tôi nhận ra phần phụ kiện trong trang phục truyền thống có rất ít ai làm hoặc làm chưa đúng với hiện vật xưa. Ban đầu, tôi chỉ muốn tự làm một vài món phụ kiện để mặc cho trọn vẹn bộ trang phục khi tham gia các sự kiện truyền thống. Sau đó, khi những người có cùng sở thích bắt đầu tìm đến để đặt mua sản phẩm thì tôi mới bắt đầu nghĩ nghiêm túc hơn về việc duy trì và phát triển nó. Việt phục là một thị trường rất riêng, vừa chuyên biệt, vừa đòi hỏi sự hiểu biết, nghiên cứu kỹ lưỡng. Nhưng chính sự khắt khe đó lại khiến tôi càng yêu thích và muốn làm một cách cẩn trọng, chỉn chu hơn. Đó là lý do tôi sáng lập thương hiệu “Mộc Miên Thị” chuyên các sản phẩm, phụ kiện xưa.

Vì sao chị chọn đặt tên thương hiệu là Mộc Miên Thị thay vì lấy tên theo một sản phẩm nổi bật?"

"Mộc Miên" là hoa gạo, nó vừa gần gũi, gợi nhớ đến làng quê Bắc Bộ. "Thị" là cách gọi tên đệm truyền thống của người phụ nữ Việt. Cái tên gợi một hình ảnh rất xưa: một người con gái mặc áo tứ thân, khăn vấn, cài trâm. Tôi thấy cái tên này thể hiện đúng tinh thần mà mình muốn gửi gắm: truyền thống, nữ tính, bản sắc Việt.

 Chị Lê Huyền Trang, một trong những người sáng lập shop Mộc Miên Thị. Ảnh: NVCC

Chị Lê Huyền Trang, một trong những người sáng lập shop Mộc Miên Thị. Ảnh: NVCC

Sản phẩm phụ kiện xưa kén người mua, đâu là nhóm khách hàng mục tiêu chị hướng đến?

Ban đầu tôi hướng tới những người trung niên, có kiến thức văn hóa và kinh tế ổn định. Nhưng điều mình không ngờ là sau một thời gian, đối tượng chính lại là các bạn học sinh, sinh viên, những người trẻ có sự quan tâm đặc biệt đến văn hóa dân tộc nhưng chưa có nhiều thu nhập.

Điều này khiến tôi vừa mừng vừa lo, mừng vì văn hóa dân tộc vẫn còn sức hút với thế hệ trẻ, nhưng cũng lo vì giá thành sản phẩm truyền thống thường cao hơn khả năng chi trả của các bạn trẻ. Đó cũng là một trong những bài toán khiến tôi luôn trăn trở.

Vậy giá trị cốt lõi của sản phẩm muốn truyền tải là gì?

Tôi luôn xác định rõ các sản phẩm được phục dựng những gì có thật trong lịch sử, chứ không chỉ đơn thuần là lấy cảm hứng. Mỗi món đồ đều phải được tra cứu, so sánh, đối chiếu hiện vật. Sự trung thành với nguyên bản chính là lời cam kết lớn nhất của chúng tôi với văn hóa Việt.

Theo chị, đâu là điểm khác biệt của Mộc Miên Thị với những thương hiệu Việt phục hiện nay?

Có lẽ điều khác biệt nhất là Mộc Miên Thị chỉ tập trung vào phụ kiện cổ phục, một ngách rất hẹp trong ngành thời trang truyền thống. Thay vì tập trung vào quần áo - áo tấc, áo ngũ thân, áo nhật bình thì tụi mình chỉ làm phụ kiện như trâm cài, vân kiên, guốc mộc. Những phụ kiện này là phần không thể thiếu trong một bộ Việt phục hoàn chỉnh.

 Một số phụ kiện tiêu biểu của Mộc Miên Thị như vân kiên, trâm cài, guốc mộc, khăn lụa,... được nhiều bạn trẻ yêu thích. Ảnh: NVCC

Một số phụ kiện tiêu biểu của Mộc Miên Thị như vân kiên, trâm cài, guốc mộc, khăn lụa,... được nhiều bạn trẻ yêu thích. Ảnh: NVCC

Trong quá trình thiết kế, chị gặp những khó khăn khi dung hòa giữa yếu tố truyền thống và gu thẩm mỹ hiện đại?

Hiện nay người trẻ thích sự tối giản, trong khi cổ phục vốn dĩ nhiều chi tiết, nhiều lớp lang, hoa văn cầu kỳ. Có lúc làm đúng hiện vật thì bị chê là rối, mà đơn giản hóa thì tôi sợ đánh mất giá trị nguyên bản. Mỗi sản phẩm là một cuộc “đàm phán” giữa quá khứ và hiện tại và tôi luôn cố gắng giữ được cái hồn xưa mà vẫn gần gũi với người trẻ hôm nay.

Trong thời điểm khó khăn, có bao giờ chị nghĩ đến việc bỏ cuộc? Điều gì đã giúp chị tiếp tục?”

Có chứ. Nhất là khi suốt năm đầu tiên, đơn hàng rất ít, chỉ lác đác vài đơn, sản phẩm không ai biết đến. Giai đoạn đó chúng tôi chọn dòng phụ kiện vân kiên là thứ ít người biết tới và phản hồi ban đầu rất tiêu cực. Có người nói không hiểu chúng tôi đang làm gì, thậm chí cho rằng sản phẩm “khó dùng, khó phối”. Những bình luận trái chiều dù có phần góp ý nhưng cũng gây tổn thương không nhỏ. Nhưng cuối cùng tôi không muốn bỏ cuộc mà vẫn cố gắng tiếp tục làm, dù chậm mà chắc.

Trên hành trình phục dựng phụ kiện xưa, điều ý nghĩa nhất chị nhận được là gì?

Tôi luôn cố gắng giữ mối quan hệ và giữ đạo đức làm nghề. Tôn trọng những người đi trước, hỗ trợ người đi sau và luôn tử tế với cộng đồng tôi đang phục vụ. Thị trường có thể cạnh tranh, nhưng văn hóa thì cần được gìn giữ không phải bằng hơn thua mà bằng sự kết nối, sẻ chia.

Mộc Miên Thị (hay thường được gọi là Thị Gạo) được chị Lê Huyền Trang và một số cộng sự cùng chung niềm đam mê và yêu thích Việt phục sáng lập vào tháng 5/2023. Thương hiệu gây ấn tượng mạnh mẽ qua hành trình nghiên cứu, phục dựng vân kiên - loại áo cánh dơi, áo choàng cổ từng được dùng để tránh bẩn vai áo và làm phụ kiện trang trí. Một số sản phẩm khác của Mộc Miên Thị như trâm cài, khăn lụa, guốc mộc,… cũng được các bạn trẻ khá yêu thích. Với khẩu hiệu “Dệt từ truyền thống - Thêu bản sắc Việt” Thị Gạo mong muốn lan tỏa trang phục truyền thống đến gần hơn với đời sống hiện đại.

Tạ Huyền

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/tu-dam-me-den-su-menh-gin-giu-co-phuc-viet-423539.html
Zalo