Từ chiếc motor cũ đến bài báo quốc tế của cô sinh viên Phenikaa

Từ tò mò thuở nhỏ với chiếc motor cũ kỹ, đến những bài báo quốc tế Q1, Q2 mang tên mình, Trần Thị Lý – sinh viên năm tư ngành Vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano, Đại học Phenikaa – đã từng bước khẳng định dấu ấn của một nhà nghiên cứu trẻ đầy nội lực và đam mê.

Khi khoa học không còn là chuyện của những người "thật giỏi"

Trần Thị Lý không phải là “con nhà nòi” khoa học, cũng không bước vào đại học với những thành tích olympic rực rỡ. Nhưng cô có một điểm xuất phát rất giản dị – là sự tò mò. Tò mò về cách vận hành của những chiếc motor từ thuở nhỏ, Lý chọn theo đuổi khối tự nhiên, và rồi tìm thấy niềm yêu thích đặc biệt trong thế giới vật liệu.

Bốn năm đại học, Trần Thị Lý đã có những thành tích đáng nể với bất kỳ sinh viên nào theo đuổi học thuật:

● Tác giả chính của hai bài báo khoa học quốc tế, thuộc danh mục Q1 và Q2 – một thành tích hiếm có ở cấp bậc đại học

● Nhận hai học bổng nghiên cứu ngắn hạn tại Đài Loan (Đại học Giao thông Dương Minh năm 2024 và Đại học Thành Công năm 2025)

● Cán bộ Đoàn tiêu biểu của Đại học Phenikaa trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo

Lý đã từng có những ngày thức khuya trong phòng thí nghiệm, những lần "vò đầu bứt tai" khi thí nghiệm lặp đi lặp lại vẫn chưa ra kết quả như ý. Nhưng thay vì bỏ cuộc, cô học cách nhìn lại từng bước mình đã làm, phát hiện vấn đề – và từ đó, từng bước tháo gỡ.

Giữ lửa đam mê – để một ngày chạm tới bầu trời xa

Bên cạnh việc nghiên cứu, Lý vẫn là một sinh viên bình thường: phải học trên lớp, làm bài tập, thi hết môn, và không ít lần “chạy deadline” bài báo. Khi được hỏi về cách cân bằng giữa học tập và nghiên cứu, Lý cho rằng: “Thật ra có những lúc em cũng không cân bằng được. Nhưng em cố gắng tận dụng mọi khoảng thời gian trống – ví dụ như trong lúc đợi mẫu thí nghiệm – để học bài hoặc làm việc khác. Không phải lúc nào cũng hiệu quả, nhưng ít ra là mình không ngừng cố gắng.”

Với Lý, một yếu tố không thể thiếu trên hành trình này chính là người thầy hướng dẫn. “Em may mắn được TS Nguyễn Viết Hương đồng hành, hướng dẫn, Thầy em là một nhà khoa học có rất nhiều thành tích đáng ngưỡng mộ. Nhưng điều em trân quý nhất là thầy luôn lắng nghe, khích lệ và sẵn sàng làm thí nghiệm cùng bọn em khi cần. Có thầy đồng hành, chúng em không cảm thấy cô đơn trong hành trình nghiên cứu.”

Sắp tới, Trần Thị Lý sẽ tiếp tục hành trình học thuật của mình tại Khoa Khoa học Kỹ thuật – Đại học Quốc gia Thành Công, Đài Loan, trong khuôn khổ học bổng nghiên cứu ngắn hạn. Với cô, đây là cơ hội quý báu để tiếp cận môi trường quốc tế, mở rộng góc nhìn nghiên cứu, và học hỏi thêm những công nghệ vật liệu tiên tiến.

 “Lúc đầu em chỉ thấy thích nghiên cứu, nhưng không nghĩ mình có thể làm được điều gì quá lớn. Em từng sợ mình chưa đủ giỏi để theo con đường này.”

“Lúc đầu em chỉ thấy thích nghiên cứu, nhưng không nghĩ mình có thể làm được điều gì quá lớn. Em từng sợ mình chưa đủ giỏi để theo con đường này.”

“Khi bạn chưa giỏi – không sao, hãy bắt đầu từ lòng yêu thích”

Đó là lời nhắn của Lý dành cho những bạn trẻ đang chập chững trên hành trình nghiên cứu – nhất là những ai đang hoài nghi về năng lực của mình. Bởi theo cô, điều quan trọng nhất không phải là bạn bắt đầu từ đâu, mà là bạn có dám bắt đầu hay không.

Trong những năm tháng đại học, Trần Thị Lý đã chứng minh rằng: không cần phải là thiên tài mới có thể làm khoa học. Chỉ cần sự tò mò, niềm đam mê và một chút kiên định – ai cũng có thể dấn thân và chạm tới những điều lớn lao.

● Tác giả chính của hai bài báo khoa học quốc tế, thuộc danh mục Q1 và Q2 – một thành tích hiếm có ở cấp bậc đại học

● Nhận hai học bổng nghiên cứu ngắn hạn tại Đài Loan (Đại học Giao thông Dương Minh năm 2024 và Đại học Thành Công năm 2025)

● Cán bộ Đoàn tiêu biểu của Đại học Phenikaa trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo

Thanh Long

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tu-chiec-motor-cu-den-bai-bao-quoc-te-cua-co-sinh-vien-phenikaa-post1763790.tpo
Zalo