Từ 1-7: Điều kiện đối với cá nhân được tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2023 quy định rõ các điều kiện đối với người tham gia lực lượng này, trong đó có trình độ học vấn…

Theo Điều 13 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2023, người tham gia trật tự thôn phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện:

Là công dân từ đủ 18 tuổi trở lên, nếu công dân đã trên 70 tuổi thì phải có đủ sức khỏe và được chủ tịch UBND xã xem xét để quyết định; Có giấy khám sức khỏe của bệnh viện xác nhận; Lý lịch tư pháp của công dân rõ ràng, có phẩm chất đạo đức cũng như chấp hành pháp luật;

Không thuộc các trường hợp công dân đang bị xử lý vi phạm hành chính, đang phải thi hành án theo bản án/quyết định có hiệu lực của Tòa án hay đang bị áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm khác;

Phải tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên hoặc tốt nghiệp tiểu học đối với trường hợp ở khu vực đặc biệt khó khăn, vùng hải đảo hoặc biên giới, miền núi; Công dân đang thường trú tại địa phương hoặc công dân tạm trú thời gian từ 1 năm trở lên, thường sống ở nơi này.

Như vậy, người có bằng tiểu học có thể tham gia lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở nhưng chỉ áp dụng đối với khu vực biên giới, hải đảo hay những vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.

Ngoài ra, theo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở 2023, lực lượng này được lấy từ đội ngũ công an xã bán chuyên trách, những người bảo vệ tổ dân phố,... bố trí thành các đội bảo vệ trật tự thôn, xóm. Số lượng của tổ bảo vệ ANTT đến từng xã, thôn xóm do UBND tỉnh quy định.

Việc bố trí lực lượng trật tự thôn cơ bản tiến hành qua các bước: Tuyển chọn, bổ nhiệm những người có đủ điều kiện quy định làm thành viên tổ bảo vệ trật tự.

Đào tạo và huấn luyện về các quy trình, quy định pháp luật liên quan đến hoạt động, công việc, nhiệm vụ quyền hạn của tổ ANTT thôn; các tình huống, cách xử lý, giải quyết những xung đột hay tình huống khẩn cấp có thể xảy ra.

Phân công nhiệm vụ cho tổ bảo vệ trật tự thôn để họ tiến hành thực hiện công việc, bảo đảm ANTT cho địa phương.

Tiến hành trang bị, cấp phát các công cụ hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ trật tự thôn để họ thực hiện nhiệm vụ như các đèn pin, áo giáp chống đâm, dùi cui các loại... phù hợp với công việc.

Tiến hành quản lý, liên kết hoạt động với các lực lượng, đơn vị khác tại cơ sở, người dân để kịp thời xử lý, hỗ trợ khi có bất kì vấn đề nào xảy ra.

Về các tình huống diễn tập của lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở, theo Điều 6 Thông tư số 14/2024/TT-BCA, dựa vào các yêu cầu, Công an các địa phương xây dựng và triển khai kế hoạch diễn tập cho lực lượng trật tự thôn nhằm đáp ứng các tình huống:

Phát hiện trực tiếp các vi phạm liên quan đến quy định về an ninh, trật tự, các hành vi là tệ nạn xã hội và bạo lực gia đình;

Cùng với các đồng chí Công an cấp xã thực hiện kiểm tra dân số, nhân khẩu, kiể, tra địa chỉ tạm trú và tạm vắng, cũng như thu thập thông tin dân số và theo dõi các hoạt động kinh doanh có liên quan đến an ninh, trật tự; phát hiện các trường hợp/ hành vi vi phạm quy định về quản lý và sử dụng pháo, quy định về vũ khí, vật liệu nổ và các công cụ hỗ trợ.

Bảo vệ hiện trường, bảo vệ ANTT, tham gia các tình huống cấp cứu cho người bị nạn; Bắt giữ tội phạm quả tang và bắt giữ tội phạm bị truy nã; Giải quyết/hòa giải các mâu thuẫn của nhân dân…

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tu-1-7-dieu-kien-doi-voi-ca-nhan-duoc-tham-gia-bao-ve-an-ninh-trat-tu-o-co-so-post581564.antd
Zalo