Truyền thông nâng cao nhận thức để giảm thiểu tử vong do đuối nước
Theo các chuyên gia, tỷ lệ tử vong do đuối nước hoàn toàn có thể giảm thiểu được nếu công tác truyền thông, giáo dục được thực hiện tốt, nâng cao nhận thức của xã hội về kỹ năng bơi sinh tồn.
Sau cơn bão số 3 (Yagi), mực nước sông một số nơi vẫn đang duy trì ở mức cao tiềm ẩn nguy cơ đuối nước, đặc biệt là ở đối tượng trẻ em, thiếu niên. Nhiều trẻ biết bơi vẫn bị đuối nước, hoặc có trường hợp đuối nước khi cố gắng cứu người. Thực trạng nói trên diễn ra ở nhiều nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Do đó, cơ quan chức năng và các tổ chức liên quan đã đặt ra vấn đề tăng cường truyền thông về phòng chống đuối nước để giúp người dân trang bị những kỹ năng sống cơ bản, có thể chủ động bảo vệ tính mạng bản thân, hỗ trợ được những người xung quanh.
Vấn đề này đã được đưa ra trong hội thảo “Bộ công cụ dành cho các nhà báo về phòng ngừa đuối nước” mới đây tại Thái Lan với sự tham gia của 20 nhà báo từ Bangladesh, Ấn Độ, Thái Lan, Uganda và Việt Nam.
Đuối nước: Top 10 nguyên nhân gây tử vong ở trẻ em
Thạc sỹ Đoàn Thu Huyền, Giám đốc quốc gia của Chiến dịch Trẻ em không thuốc lá (Campaign for Tobacco-Free Kids), đơn vị phối hợp triển khai dự án Phòng, chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam cho biết mỗi năm, khoảng 236.000 người tử vong do đuối nước và hơn 90% các trường hợp xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Tại Việt Nam, mặc dù số trẻ em tử vong do đuối nước có xu hướng giảm trong thời gian qua nhưng đây vẫn là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em.
Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2015-2020, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có gần 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Tỷ lệ đuối nước trẻ em ở Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương và cao hơn gấp 10 lần các nước phát triển.
Trẻ em ở nông thôn có nguy cơ bị đuối nước cao gấp hai lần trẻ ở khu vực thành thị. 55% trẻ tử vong do đuối nước thuộc các hộ gia đình nghèo ở nông thôn.
Theo bà Huyền, tai nạn đuối nước không chỉ để lại nỗi đau không thể bù đắp cho gia đình nạn nhân mà còn là sự tổn thất của xã hội. Đối với những trường hợp đuối nước nhưng không tử vong, trẻ em phải chịu nhiều hậu quả lâu dài về sức khỏe với chi phí chăm sóc y tế lớn trở thành gánh nặng cho gia đình.
Vấn đề tương tự cũng đang diễn ra tại Ấn Độ. Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, nhà báo Zubeda Hamid của tờ The Hindu cho hay hàng năm, Ấn Độ ghi nhận hơn 38.000 người đã tử vong do đuối nước (số liệu mới nhất năm 2022). Vào tháng 12/2023, chính phủ Ấn Độ đã đưa ra Khung Chiến lược Phòng ngừa đuối nước nhằm thúc đẩy các biện pháp tuyên truyền, phòng chống đuối nước, để để giảm tỷ lệ tử vong do đuối nước.
Theo nhà báo Zubeda Hamid, trẻ em chủ yếu bị đuối nước do vui chơi hay lao động ở khu vực ao hồ, sông suối mà không có người trông nom, trẻ nhỏ hơn có thể bị đuối nước khi ngã vào xô, bể chứa nước.
Chia sẻ câu chuyện từ Uganda, nhà báo Stuart Yiga, Tập đoàn Truyền thông New Vision cho hay điều kiện sống ở Uganda còn rất khó khăn. Xã hội thiếu nơi trông trẻ nên trẻ em thường tự chơi mà không có ai quản lý. Con số tử vong do đuối nước thậm chí còn không được thống kê đầy đủ và cập nhật nên Chính phủ không có cơ sở để đưa ra chiến lược phòng chống đuối nước hiệu quả.
Giải pháp căn cơ phòng chống đuối nước
Tổ chức Y tế Thế giới đã xác định rằng đuối nước là vấn đề sức khỏe cộng đồng lớn trên toàn thế giới. Cùng sự hỗ trợ của quỹ từ thiện Bloomberg Philanthropies, Chương trình Vận động Chính sách Y tế toàn cầu (GHAI) thuộc Chiến dịch Trẻ em không thuốc lá đã phát triển Bộ công cụ dành cho các nhà báo về phòng ngừa đuối nước.
Bộ công cụ này giúp nhà báo hiểu được tình trạng đuối nước, các giải pháp phòng ngừa và vai trò quan trọng của truyền thông trong việc tạo ra hành động.
Bà Jennifer Patterson, Giám đốc Truyền thông của GHAI khẳng định đuối nước là vấn đề có thể phòng tránh thông qua các biện pháp thực tiễn như đào tạo bơi sinh tồn, giáo dục nâng cao nhận thức, tăng cường chăm sóc trẻ em, lắp đặt hệ thống rào chắn và biển báo.
Theo đó, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng và nhu cầu tham gia các chương trình. Theo khảo sát của GHAI về các lớp dạy bơi miễn phí, phần lớn phụ huynh (91,7%) cho biết họ hài lòng và 82,1% cho biết họ sẵn sàng đồng chi trả cho các lớp học đó. Những con số này chứng sự ủng hộ của người dân – yếu tố cần thiết để mở rộng quy mô và duy trì các chương trình dạy kỹ năng bơi an toàn.
Theo bà Jen Patterson, sự kết hợp giữa số liệu khảo sát thực tế và câu chuyện của người dân có thể thuyết phục lãnh đạo địa phương cam kết đầu tư dài hạn vào công tác phòng ngừa đuối nước.
Nhà báo Zubeda Hamid đồng tình với quan điểm này, cho hay công tác thu thập dữ liệu cần phải được thực hiện tốt hơn đồng thời kiến nghị rằng các kỹ năng an toàn dưới nước và bơi sinh tồn phải được đưa vào chương trình giảng dạy trong trường học. Các vùng nước phải được rào chắn và biển báo về nguy hiểm phải được dựng lên. Trẻ nhỏ phải có không gian cộng đồng an toàn để vui chơi.
Bà Zubeda Hamid đề xuất các quốc gia nên có thêm nhiều chương trình đào tạo nâng cao nhận thức và kỹ năng tuyên truyền phòng chống đuối nước cho các nhà báo đồng thời thành lập giải thưởng báo chí cho các bài viết chất lượng.
Đóng góp ý kiến về vấn đề này, ông Adisak Suvanprakorn, Tổng thư ký Hội Cứu hộ Thái Lan (Thai Life Saving Society) cho hay nhiều trẻ bơi giỏi vẫn có thể đuối nước. Do đó, dạy trẻ sinh tồn dưới nước là dạy trẻ vượt qua nỗi sợ nước, ở bất cứ mực nước nào cũng biết cách thở, biết cách dựa vào nước để nổi lên. Khi bơi trong bể tốt rồi thì phát triển kỹ năng bơi ao, hồ, biển, học kỹ năng bơi tập thể, hỗ trợ nhau dưới nước, cứu đuối. Có rất nhiều điều trẻ cần phải học trong một thời gian dài, chứ không phải chỉ tham gia một khóa ngắn hạn biết một vài kiểu bơi như bơi sải, bơi bướm… là xong.
Ông Adisak Suvanprakorn khuyến cáo trẻ em cần được học cách khởi động đúng trước khi bơi để không bị chuột rút, cứng cơ; học cách bơi tự cứu, đứng nổi ở dưới nước, ngửa mặt trên mặt nước tối thiểu 90 giây.
Ngoài ra, một kỹ năng quan trọng nữa cần được dạy cho trẻ là cứu đuối, bởi trong nhiều trường hợp, trẻ thấy bạn bị đuối nước sẽ nhảy xuống nước ngay lập tức để cứu bạn nhưng nếu chưa lượng được sức mình hoặc gặp sóng mạnh, bản thân người cứu sẽ gặp nguy hiểm.
“Tôi hiểu rằng cứu người là vấn đề đạo đức song chúng ta cần có kỹ năng cứu hộ, hãy dùng gậy hoặc sợi dây dài để kéo người gặp nạn chứ không vội nhảy xuống nước ngay,” ông Adisak Suvanprakorn nói./.