Truyền hình trả tiền tiếp tục sụt giảm mặc cho OTT tăng trưởng

Bức tranh truyền hình trả tiền Việt Nam trong nửa đầu năm 2025 đang cho thấy nhiều dấu hiệu sụt giảm đáng lo ngại, bất chấp sự tăng trưởng của các dịch vụ truyền hình OTT.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), trong 6 tháng đầu năm 2025, cả số lượng thuê bao lẫn doanh thu truyền hình trả tiền đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái, phản ánh rõ sự cạnh tranh gay gắt và những thay đổi trong xu hướng tiêu dùng nội dung số.

Cụ thể, số lượng thuê bao truyền hình trả tiền ước đạt 20,52 triệu, giảm 2,28% so với cùng kỳ năm 2024. Doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền (bao gồm thuế VAT) chỉ đạt khoảng 4.880 tỷ đồng, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Hiện tại, có 36 doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam, trong đó có tới 22 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực truyền hình OTT – một mô hình đang nổi lên mạnh mẽ.

 Số lượng thuê bao truyền hình trả tiền và doanh thu truyền hình trả tiền đều giảm. Ảnh minh họa.

Số lượng thuê bao truyền hình trả tiền và doanh thu truyền hình trả tiền đều giảm. Ảnh minh họa.

Sự chuyển dịch sang các nền tảng số là xu thế tất yếu nhưng cũng đặt ra thách thức lớn cho các đơn vị truyền hình truyền thống. Dù kết thúc năm 2024 với doanh thu toàn ngành phát thanh - truyền hình tăng nhẹ 1,7% (đạt 12.524 tỷ đồng), nhưng phần lớn các đài lớn lại ghi nhận mức sụt giảm đáng kể. Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) năm 2024 chỉ đạt 3.641 tỷ đồng doanh thu, giảm 12,3% so với năm 2023. Truyền hình TP.HCM (HTV) giảm tới 20%, chỉ còn khoảng 839 tỷ đồng. VTVcab và SCTV cũng đều chứng kiến doanh thu giảm so với cùng kỳ.

Trong khi đó, thị phần OTT trong năm 2024 ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ, với số thuê bao tăng từ 5,56 triệu lên 7,4 triệu, tức tăng 33%. Doanh thu từ dịch vụ OTT cũng đạt gần 1.700 tỷ đồng, tăng 7% so với năm trước. Tuy nhiên, tốc độ tăng thuê bao không đi đôi với tăng trưởng doanh thu, cho thấy các doanh nghiệp OTT đang phải cạnh tranh gay gắt về giá để giữ thị phần.

Một vấn đề lớn của thị trường OTT hiện nay là sự cạnh tranh không cân sức với các nền tảng xuyên biên giới như Netflix, Amazon TV, Apple, WeTV, IQiYi hay MangoTV. Dù các nền tảng này không được phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam theo cam kết, nhưng thực tế giám sát vẫn còn nhiều hạn chế. Năm 2024, một số nền tảng đã bị cơ quan quản lý yêu cầu gỡ bỏ nội dung hoặc điều chỉnh phạm vi dịch vụ cho phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam.

Netflix từng bị buộc phải gỡ các chương trình truyền hình, chỉ được phát phim theo đúng giấy phép hoạt động điện ảnh. iQIYI cũng phải gỡ hoàn toàn các nội dung không phải là phim và không còn được cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền tại Việt Nam. Những động thái này cho thấy nỗ lực siết chặt quản lý thị trường truyền hình số xuyên biên giới, nhưng cũng đồng thời đặt ra bài toán: làm sao để các doanh nghiệp nội địa có thể cạnh tranh một cách công bằng và phát triển bền vững.

Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2025, Bộ VHTTDL đã thực hiện công tác cấp và thu hồi hàng loạt giấy phép liên quan đến hoạt động phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử. Cụ thể, đã cấp mới 4 giấy phép phát thanh, 5 giấy phép truyền hình, cùng hàng chục giấy phép biên tập và đăng ký cung cấp kênh chương trình. Đồng thời, thu hồi 5 giấy phép hoạt động truyền hình, 13 giấy phép sản xuất kênh trong nước và 18 giấy phép biên tập chương trình nước ngoài.

Có thể thấy, thị trường truyền hình Việt Nam đang trong giai đoạn đầy biến động. Sự phát triển nhanh chóng của truyền hình OTT, sự cạnh tranh quyết liệt giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng với những thay đổi trong hành vi tiêu dùng đang đặt ngành truyền hình trước những yêu cầu mới về chiến lược, công nghệ và mô hình kinh doanh.

Vũ Đậu

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/truyen-hinh-tra-tien-tiep-tuc-sut-giam-mac-cho-ott-tang-truong.html
Zalo