Truy xuất nguồn gốc hàng hóa để bảo vệ người tiêu dùng
Tăng cường ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc không chỉ là xu thế tất yếu giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao tính cạnh tranh cho doanh nghiệp (DN) mà còn minh bạch hóa thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.
Yêu cầu cấp thiết
Trước thực trạng hàng giả, hàng nhái len lỏi khắp các lĩnh vực từ thực phẩm, dược phẩm đến hàng tiêu dùng, truy xuất nguồn gốc đóng vai trò then chốt trong minh bạch hóa thông tin và bảo vệ người tiêu dùng, giữ gìn uy tín cho doanh nghiệp và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Đây là công cụ quan trọng để nhận diện, ngăn chặn và xử lý tận gốc hành vi gian lận thương mại, góp phần lành mạnh hóa môi trường kinh doanh.

Truy xuất nguồn gốc giúp doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ từ các khâu sản xuất đến tiêu dùng. Ảnh minh họa
Theo nhận định của các chuyên gia, dù đã có nhiều giải pháp chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bằng tem chống hàng giả, mã vạch, mã QR… nhưng vấn nạn hàng giả ngày càng tinh vi, có hệ thống và quy mô lớn. Đáng lưu ý, hàng giả không dừng lại ở việc sao chép mẫu mã, mà còn giả mạo cả thông tin, dữ liệu và mã truy xuất. Do đó, những phương pháp truyền thống (tem nhãn, mã vạch đơn thuần) không còn đủ sức để đối phó với thủ đoạn tinh vi, đang bộc lộ nhiều bất cập.
Phân tích về vai trò của truy xuất nguồn gốc, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) Lương Minh Huân nhận định, trong bối cảnh cạnh tranh thương mại ngày càng khốc liệt, truy xuất nguồn gốc không chỉ giúp DN kiểm soát chặt chẽ từ các khâu sản xuất đến tiêu dùng, nghiêm cấm các hành vi sao chép không hợp pháp, mà còn thể hiện sự minh bạch và cam kết của DN đối với chất lượng sản phẩm.
Đặc biệt, trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới sức khỏe và môi trường, xu hướng tiêu dùng xanh, tiêu dùng an toàn đang dần định hình lại thị trường nội địa. Tuy nhiên, việc quản lý chất lượng, nhận diện sản phẩm tiêu dùng xanh, an toàn, minh bạch về nguồn gốc vẫn còn là thách thức lớn đối với cả cơ quan quản lý và người tiêu dùng.
Hoàn thiện cơ chế, tích hợp công nghệ
Mới đây, Bộ Công Thương đã giao Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước phối hợp với các cơ quan liên quan siết chặt công tác kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, bởi điều này tác động trực tiếp đến quyền lợi và niềm tin của người tiêu dùng.

Bộ Công Thương dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để nâng cao hiệu quả chính sách truy xuất nguồn gốc. Ảnh minh họa
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Bùi Anh Tuấn, Cục đang nghiên cứu giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để nâng cao hiệu quả chính sách truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, Cục phối hợp xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm theo hướng xanh và bền vững, nghiên cứu áp dụng các tiêu chí phát triển bền vững trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ, đặc biệt là đối với nhóm hàng tiêu dùng nhanh. Các tiêu chuẩn mới này sẽ được điều chỉnh để phù hợp với đặc thù của lĩnh vực bán lẻ hiện đại.
Để hoàn thiện cơ chế truy xuất nguồn gốc, giám sát chất lượng và hỗ trợ phân phối hàng hóa theo tiêu chuẩn “xanh, an toàn” tại thị trường trong nước, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đề xuất, trong thời gian tới, cần thiết lập các bộ tiêu chuẩn quốc gia riêng cho từng nhóm ngành hàng, đặc biệt là nhóm hàng thực phẩm, sản phẩm hữu cơ.
Song, để triển khai hiệu quả, đòi hỏi phải có sự đồng hành của tất cả các chủ thể, từ cơ quan quản lý Nhà nước, hiệp hội, DN, nhà phân phối, hợp tác xã, hộ nông dân, cho đến người tiêu dùng.
Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng kêu gọi sự hợp tác tích cực từ các kênh phân phối, bao gồm hệ thống bán lẻ hiện đại, các sàn thương mại điện tử và chuỗi cung ứng. Cùng với đó, cần thiết phải hình thành cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý, DN phân phối và nhà cung ứng. Từ đó, thống nhất về tiêu chuẩn thông tin, cam kết chất lượng và truy xuất nguồn gốc.
Cục khuyến nghị tích hợp công cụ truy xuất trực tuyến ngay trên các nền tảng thương mại điện tử, nhằm đảm bảo tính minh bạch, dễ tiếp cận và dễ kiểm chứng cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức và nâng cao nhận thức cho cộng đồng DN cũng rất quan trọng. Qua đó, DN nắm rõ các quy định pháp lý và ứng dụng các công cụ truy xuất, tăng cường hợp tác quốc tế, đào tạo, nâng cao kiến thức về truy xuất nguồn gốc.
Kỳ họp thứ IX vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật sửa đổi và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa sửa đổi. Đây là nền tảng để tổ chức triển khai hệ thống các tiêu chuẩn phục vụ cho công tác truy xuất nguồn gốc, đặc biệt với nhóm sản phẩm liên quan đến an toàn thực phẩm và sức khỏe người dân.