Truy xuất nguồn gốc hàng hóa: Cần là quy định bắt buộc, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Gần đây, các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng, thực phẩm... giả, không rõ nguồn gốc, chất lượng kém liên tiếp bị phát hiện; trong khi đó, việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa lại chưa được quan tâm đúng mức.

Tại các chợ, đại lý, cửa hàng nhỏ lẻ, các tiểu thương đều không quan tâm hoặc không biết cách thức để truy xuất nguồn gốc những hàng hóa mình bán ra; còn người tiêu dùng hầu như không biết đến hoạt động này và nếu muốn cũng không biết thực hiện ra sao.

Lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ lô hàng quần áo giả nhãn hiệu tại một cơ sở kinh doanh ở phường Phú Diễn.

Lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ lô hàng quần áo giả nhãn hiệu tại một cơ sở kinh doanh ở phường Phú Diễn.

Khái niệm xa lạ

Đề cập đến việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa, nhiều người bán hàng cho biết, chưa bao giờ nghĩ đến điều này khi chưa phải là yêu cầu bắt buộc. Do đó, ngoài các siêu thị, thương hiệu uy tín thực hiện truy xuất hàng hóa, tại các chợ, đại lý, cửa hàng bán lẻ... đều không có bất cứ cách thức truy xuất nào.

Tại chợ Cầu Giấy (phường Cầu Giấy), phóng viên Báo Hànôịmới tìm hiểu, hỏi nhiều người bán hàng về vấn đề trên thì đều nhận được những cái lắc đầu. Nhiều tiểu thương tỏ ra lạ lẫm vì từ nhiều năm qua họ chưa từng truy xuất nguồn gốc hàng hóa và cũng không có khách hàng nào yêu cầu việc này.

Chị Lê Thị Hoa, người bán hoa quả nhập khẩu ở cổng chợ Cầu Giấy cho hay, dù tất cả hàng hóa chị nhập về có đầy đủ hóa đơn, tem nhãn nhưng chưa có hướng dẫn nào về việc kiểm tra truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Cũng theo chị Hoa, thực hiện việc truy xuất đại trà ở các cửa hàng là rất khó khi cơ quan chức năng không đưa ra yêu cầu bắt buộc.

Tương tự, tại chợ Đồng Xa (phường Phú Diễn), các tiểu thương đều cho biết, hầu hết hàng hóa như bánh kẹo, đồ gia dụng, thực phẩm... đều không có cách thức truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Ghi nhận thực tế ở các quầy hàng bán đồ gia dụng, thực phẩm khô, đồ ăn chay, bánh kẹo, hoa quả..., các sản phẩm đều không được dán mã QR hay quét mã để vào Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia như tại các siêu thị. Chỉ có một số loại hoa quả được giới thiệu là hàng nhập khẩu có dán tem nhãn, nhưng không thể xác định được có phải hàng chuẩn hay không.

Tại một cửa hàng bán bát đĩa, đồ gia dụng ở chợ Nghĩa Tân (phường Nghĩa Đô), chị Nguyễn Thu Hương, người dân phường Yên Hòa cho biết, có một số sản phẩm mang thương hiệu uy tín được bày bán ở chợ nhưng khi hỏi cách tra nguồn gốc, người bán hàng trả lời "không có". "Nếu các sản phẩm không bị yêu cầu bắt buộc phải dán mã QR hay dán tem bảo hành, mã vạch... để nhận diện thương hiệu thì hàng giả có thể đội lốt hàng thật nhằm lừa dối người tiêu dùng", chị Hương bày tỏ.

Siết chặt để kiểm soát chất lượng

Trong bối cảnh hàng giả, nhái đang trở thành vấn nạn nguy hiểm, nếu hàng hóa không được chính người tiêu dùng tham gia kiểm soát thì hậu quả càng nghiêm trọng. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần đưa ra quy định bắt buộc với hình thức truy xuất nguồn gốc hàng hóa bằng việc dán mã QR trên bao bì nhằm kiểm soát tốt hơn chất lượng sản phẩm, tránh hàng giả, nhái. Thông qua truy xuất nguồn gốc một cách khoa học và dễ dàng, người tiêu dùng có thể xác minh nhanh chóng nguồn gốc hàng hóa.

Chị Vũ Thúy Lan (phường Hoàng Mai) đề xuất: "Việc truy xuất hàng hóa bằng mã vạch, mã QR trên bao bì sản phẩm giúp người dân dễ dàng xác định hạn sử dụng, nơi sản xuất, kiểm định... Từ đó, mỗi người có thể trực tiếp giám sát nguồn hàng, cũng có thể khiếu nại về sản phẩm tới nhà sản xuất, cơ quan quản lý nếu chất lượng chưa phù hợp. Tuy nhiên, việc tạo mã QR phải được cơ quan chức năng kiểm soát và kiểm tra định kỳ".

Trên thực tế, truy xuất nguồn gốc sản phẩm không phải là vấn đề mới. Đã có những tổ chức, doanh nghiệp triển khai thực hiện nhưng nhìn chung còn rất manh mún, rời rạc và hiện chưa có một cơ chế xuyên suốt, đồng bộ. Việc truy xuất đã được thực hiện tại nhiều nơi, nhưng còn mang tính hình thức, thiếu chiều sâu, chưa thể hiện được chuỗi cung ứng, đồng thời cũng không thống nhất mã định danh trên toàn quốc, dữ liệu chưa tập trung.

Trưởng ban Công nghệ (Hiệp hội Dữ liệu quốc gia) Nguyễn Huy cho biết, hiện trên thị trường, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng truy xuất nguồn gốc hàng hóa bằng giải pháp riêng cho sản phẩm. Tuy nhiên, các giải pháp này không được sự xác thực của các cơ quan chức năng, cũng không dựa trên tiêu chuẩn đồng nhất cho cả quốc gia, liên thông quốc tế. Do đó, ông Nguyễn Huy cho rằng, cần bắt buộc triển khai việc ứng dụng công nghệ cho truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong thời kỳ cả nước thực hiện chuyển đổi số như một chính sách toàn diện, có sự quản lý đồng bộ từ trung ương tới địa phương.

Theo Trung tâm Dữ liệu quốc gia (Bộ Công an), trong 5 tháng đầu năm 2025, lực lượng chức năng đã xử lý hơn 40.000 vụ buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng với tổng giá trị xử phạt lên đến 6.500 tỷ đồng. Con số này cho thấy, việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa là vô cùng cấp thiết. Đã đến lúc cần siết chặt công tác quản lý chất lượng hàng hóa bằng công nghệ để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.

Nhóm phóng viên

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/truy-xuat-nguon-goc-hang-hoa-can-la-quy-dinh-bat-buoc-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-709197.html
Zalo