Trường THPT Vĩnh Cửu tổ chức triển lãm tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa
Ngày 21-11, Trường trung học phổ thông (THPT) Vĩnh Cửu tổ chức khai mạc triển lãm tư liệu 'Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý'.
Triển lãm trưng bày hơn 120 hình ảnh, tư liệu liên quan đến quá trình xác lập, thực thi chủ quyền biển đảo Việt Nam. Trong đó, các nội dung chủ yếu gồm: các thư tịch cổ và châu bản triều Nguyễn; bản đồ do các nước phương Tây vẽ; bản đồ do Trung Quốc vẽ không có Hoàng Sa, Trường Sa; tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa trước và sau năm 1975 và Đồng Nai với biển đảo quê hương...
Toàn bộ hình ảnh, tư liệu do Bảo tàng Đồng Nai cung cấp cho nhà trường, Trường THPT Vĩnh Cửu chịu trách nhiệm in ấn, trưng bày và lưu giữ để làm tư liệu tuyên truyền cho học sinh, khẳng định lập trường chính nghĩa của Việt Nam, chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; cung cấp kịp thời thông tin về tình hình biển, đảo hiện nay. Qua đó, góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của các em học sinh.
Theo Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Cửu Bùi Thị Ngọc Nga, toàn bộ hình ảnh, tư liệu sẽ được trưng bày trong hội trường. Nhà trường sẽ tổ chức cho lần lượt 38 lớp của trường đến tham quan, tìm hiểu.
*Cũng trong sáng 21-11, Trường THPT Vĩnh Cửu đã tổ tọa đàm, giao lưu với nhà thơ Đàm Chu Văn về chủ đề “khuyến khích học sinh hướng về cội nguồn dân tộc – lan tỏa niềm đam mê đọc sách trong nhà trường”. Sự kiện thu hút sự tham gia của học sinh toàn trường và cán bộ quản lý, nhân viên thư viện của hơn 20 trường THPT, trung học cơ sở, tiểu học trên đại bàn huyện Vĩnh Cửu và toàn tỉnh.
Trong buổi tọa đàm, nhà thơ Đàm Chu Văn bày tỏ tin tưởng dù có phần bị văn hóa nghe nhìn, mạng xã hội lấn át nhưng văn hóa đọc vẫn có chỗ đứng riêng. Việc đọc văn bản giấy không chỉ giúp người đọc ghi nhớ thông tin mà còn lưu giữ cảm xúc. Tuy nhiên, tùy vào mục đích đọc (giải trí, học tập, nghiên cứu…), người đọc cần có những kỹ năng đọc phù hợp.
Sau buổi tọa đàm, nhà trường đã tổ chức tiết đọc sách thư viện theo chuẩn của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đây là một nội dung mới được tập huấn, triển khai và sẽ đưa vào thực hiện từ năm học 2024-2025.