Trường học xây dựng văn hóa học đường qua những hàng cây 'biết nói'

Dưới mỗi thân cây, gốc cây tại ngôi trường này đều là những thông điệp, lời hay ý đẹp, góp phần hình thành nên nét văn hóa của trường học.

Nhiều ý kiến cho rằng không gian văn hóa học đường nên được hình thành và thiết lập ở ngay trong lớp học. Tuy nhiên, với Trường Tiểu học Giao Lạc (Giao Thủy, Nam Định), ngoài lớp học, thư viện, câu lạc bộ, giờ học ngoại khóa, thể dục thể thao hay thậm chí những giờ nghỉ giải lao cũng là lúc có thể xây dựng văn hóa trường học.

Do đó, một trong những điều luôn được nhà trường chú trọng là nghiên cứu và cải tạo môi trường, cảnh quan sư phạm. Trong trường, trên thân cây, dưới mỗi gốc cây đều là những khẩu hiệu, thông điệp với lời hay ý đẹp. Nhờ những hàng cây “biết nói”, học sinh như được khích lệ nói lời hay, làm việc tốt và dần trở thành nếp quen.

Nhờ những hàng cây “biết nói”.

Nhờ những hàng cây “biết nói”.

Ngoài ra, việc xây dựng và sử dụng hiệu quả “Thư viện thân thiện” theo mô hình “Room to Read” cũng đã thổi một luồng cảm hứng mới, giúp học sinh đam mê đọc sách hơn. Từ khi triển khai tiết “Đọc sách thư viện” vào thời khóa biểu chính khóa, giáo viên nhà trường đã hướng dẫn các em hàng ngày đến thư viện để tìm đọc các đầu sách. Mô hình này đã góp phần hình thành nên văn hóa đọc, thông qua đó còn góp phần giúp học sinh có thái độ, hành vi chuẩn mực hơn trong học tập và cuộc sống.

Về trang phục học đường, với giáo viên, nhà trường quy định rõ ràng, khi lên lớp thầy cô mặc trang phục nghiêm chỉnh, tươm tất, thể hiện phong cách nhà giáo. Với học sinh cũng có quy định vụ thể về trang phục và thời gian mặc áo đồng phục trong tuần. Khi các em cùng nhau khoác lên chiếc áo đồng phục sẽ xua tan mọi khoảng cách, cùng hòa đồng trong một môi trường.

Giáo viên thường xuyên đổi mới phương pháp trong giảng dạy.

Giáo viên thường xuyên đổi mới phương pháp trong giảng dạy.

Bên cạnh đó, theo lãnh đạo nhà trường, việc giáo dục và xây dựng văn hóa ứng xử cần bắt đầu từ những điều thực tế, tình huống cụ thể. Vì thế, thầy cô thường xuyên tích hợp và lồng ghép các bài học trong mỗi giờ học tăng cường.

Học sinh được sắm vai, trải nghiệm tình huống cụ thể để tìm giải pháp ứng xử, giao tiếp, từ đó giúp các em chủ động, tích cực chia sẻ, bày tỏ ý kiến cá nhân. Giáo viên cũng luôn lắng nghe, tôn trọng ý kiến của học sinh, có biện pháp khéo léo, tâm lý để các em ý thức được việc làm sai, từ đó chuyển đổi hành vi cho phù hợp. Ngoài ra, nhà trường còn tăng cường tổ chức hoạt động sinh hoạt chuyên đề, thảo luận theo chủ đề, trò chuyện cùng chuyên gia, giúp lôi cuốn học sinh tham gia và tạo cơ hội cho các em được học hỏi.

Trong nhiều năm gần đây, việc xây dựng văn hóa học đường tiếp tục được Trường Tiểu học Giao Lạc chú trọng đẩy mạnh, thông qua đó đã gặt hái được những kết quả nhất định. Cảnh quan nhà trường ngày càng xanh, sạch, đẹp, vừa là nơi làm việc, học tập của giáo viên và học sinh, vừa trở thành nơi tham quan, học tập cho các trường bạn. Nhà trường cũng thường xuyên đón đoàn cán bộ quản lý của các trường tiểu học trên địa bàn về tham quan, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm.

Theo lãnh đạo trường, từ việc thay đổi về nhận thức, giờ đây đã tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ trong văn hóa ứng xử của ngôi trường này, từ đó giúp cải thiện nề nếp hoạt động, nâng cao chất lượng giảng dạy, tạo nên những đột phá trong giáo dục.

Thời Vũ

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/truong-hoc-xay-dung-van-hoa-hoc-duong-qua-nhung-hang-cay-biet-noi-2343216.html
Zalo