Trường ĐH Nguyễn Trãi tổ chức tọa đàm giúp SV có kiến thức chuyên sâu về AI, IoT

Tọa đàm 'Trí tuệ nhân tạo và Công nghệ tương lai' mang đến cho sinh viên những kiến thức chuyên sâu và tầm nhìn mới về AI, IoT, BigData, Blockchain, VR.

Ngày 5/7, Trường Đại học Nguyễn Trãi phối hợp cùng Bảo tàng Hà Nội tổ chức tọa đàm với chủ đề “Trí tuệ nhân tạo và Công nghệ tương lai”

Đây là dịp để các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin chia sẻ kiến thức chuyên sâu và những nhận định độc đáo về tương lai của các công nghệ đột phá như AI, IoT, BigData, Blockchain, VR. Sự kiện này không chỉ mang đến góc nhìn mới mẻ về các xu hướng công nghệ nổi bật mà còn giải đáp mọi thắc mắc của sinh viên, đồng thời trang bị cho các bạn những kỹ năng số thiết yếu trong thị trường công nghệ đang phát triển nhanh chóng.

Tọa đàm có sự góp mặt của ông Phạm Tiến Vân, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Hàn; Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Nguyễn Trọng Điều – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam cùng nhiều khách mời khác.

Về phía đơn vị tổ chức, sự kiện có sự tham dự của ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội; Tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận, Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Trãi; Tiến sĩ Hồng Loan, Ủy viên Hội đồng trường.

Diễn giả tham gia sự kiện là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin: Tiến sĩ Trần Mai, Nhà khoa học Dữ liệu Cấp cao và Kiến trúc sư Giải pháp AI tại IBM, TOP 50 phụ nữ có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực công nghệ tại Na Uy bởi Abelia năm 2023; chuyên gia Lại Hoàng Dương, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần truyền thông và máy tính Thánh Gióng; chuyên gia Blockchain Nguyễn Văn Hiệu, Giám đốc Công nghệ University Blockchain Alliance (Mạng lưới giảng dạy, nghiên cứu Blockchain trong các trường Đại học tại Việt Nam); chuyên gia Trần Ngọc Thiện, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Công nghệ và Phát triển AnAn; chuyên gia Nguyễn Thu Hương, Giám đốc điều hành Công ty AZ Soft.

Phát biểu khai mạc sự kiện, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận, Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Trãi nhấn mạnh tầm quan trọng của trí tuệ nhân tạo (AI) trong kỷ nguyên mới, đặc biệt là đối với khát vọng của dân tộc Việt Nam trong việc hiện thực hóa ước mơ về một đất nước hùng cường và thịnh vượng.

 Tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận, Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Trãi. Ảnh: Châu Anh

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận, Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Trãi. Ảnh: Châu Anh

Nhắc lại lời của Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Nhung trong lễ kỷ niệm 15 năm thành lập trường và khai giảng năm học mới, Tiến sĩ Luận nhấn mạnh sự quật cường của dân tộc Việt Nam trong quá trình phát triển. Thầy khẳng định rằng AI sẽ là chìa khóa đưa đất nước đến sự phồn vinh.

Để biến khát vọng này thành hiện thực, Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Trãi bày tỏ niềm tin tuyệt đối vào giới trẻ Việt Nam nói chung và sinh viên của Trường Đại học Nguyễn Trãi nói riêng. Thầy kêu gọi các sinh viên đổi mới tư duy, sống sáng tạo, linh hoạt và tiếp thu tích cực kiến thức từ những người đi trước, đặc biệt là từ những nhà khoa học thành công.

Tại sự kiện, các diễn giả đã chia sẻ những kinh nghiệm và xu hướng mới nhất trong các lĩnh vực: AI, IoT, BigData, Blockchain, VR…Robot và tự động hóa; Công nghệ mô phỏng và in 3D; Cloud Computing; Cybersecurity…và xu hướng phát triển công nghệ trong tương lai.

Tại tọa đàm, Tiến sĩ Trần Mai, Nhà khoa học Dữ liệu Cấp cao và Kiến trúc sư Giải pháp AI tại IBM; TOP 50 phụ nữ có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực công nghệ tại Na Uy bởi Abelia năm 2023 đã mang lại cho sinh viên Trường Đại học Nguyễn Trãi cái nhìn rõ nét hơn về các mô hình nền tảng/mô hình ngôn ngữ lớn (FMs/LLMs).

 Tiến sĩ Trần Mai - nhà khoa học Dữ liệu Cấp cao và Kiến trúc sư Giải pháp AI tại IBM. Ảnh: Châu Anh

Tiến sĩ Trần Mai - nhà khoa học Dữ liệu Cấp cao và Kiến trúc sư Giải pháp AI tại IBM. Ảnh: Châu Anh

Tiến sĩ Trần Mai cũng chỉ ra những khả năng và cách ứng dụng của AI vào công việc vào cuộc sống, đồng thời bàn luận về những ảnh hưởng không tốt của GenAI đến nhiều chiều cạnh xã hội như: sự bất bình đẳng, sự lạm dụng AI, môi trường, kinh tế, pháp lý, đạo đức. Tuy nhiên những ảnh hưởng này cũng có thể trở thành cơ hội phát triển cho những ai biết nắm bắt.

Trả lời cho câu hỏi về mối quan hệ giữa Blockchain và AI, cũng như tính trung thực và minh bạch của AI, chuyên gia Blockchain Nguyễn Văn Hiệu, Giám đốc Công nghệ UBA cho biết, Blockchain ghi lại các giao dịch và sự kiện một cách không thể thay đổi, đảm bảo tính chân thực và chuẩn xác của dữ liệu. AI sử dụng dữ liệu từ Blockchain sẽ có độ tin cậy cao hơn do dữ liệu đã được xác minh và bảo vệ chống lại việc giả mạo.

Blockchain cho phép quản lý và chia sẻ dữ liệu một cách minh bạch và phi tập trung. AI có thể sử dụng các dữ liệu này để phân tích và học tập, đảm bảo rằng dữ liệu không bị kiểm soát bởi bất kỳ bên trung gian nào. Người dùng có thể kiểm soát dữ liệu cá nhân của họ tốt hơn, và có thể chia sẻ dữ liệu một cách có chọn lọc mà không lo bị lạm dụng.

 Chuyên gia Blockchain Nguyễn Văn Hiệu, Giám đốc Công nghệ UBA. Ảnh: Châu Anh

Chuyên gia Blockchain Nguyễn Văn Hiệu, Giám đốc Công nghệ UBA. Ảnh: Châu Anh

Về việc làm thế nào để xác minh xem AI của công ty nào thông minh hơn, chuyên gia Lại Hoàng Dương, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần truyền thông và máy tính Thánh Gióng chia sẻ, thực tế không có AI nào hơn AI nào, mà việc chênh lệch về khả năng của AI hoàn toàn phụ thuộc vào con người. Dù công ty có lớn đến đâu, nhưng nếu chúng ta không có kế hoạch đào tạo AI, các dữ liệu chúng ta cung cấp cho AI không chính xác thì công ty đó cũng sẽ không thể sánh bằng các công ty nhỏ.

"Chúng ta hãy sử dụng AI đúng cách, đúng mục tiêu và luôn luôn sử dụng để mang lại lợi ích cho người khác. Tránh trường hợp sử dụng AI với góc nhìn hay mục đích xấu", đại diện Công ty cổ phần truyền thông và máy tính Thánh Gióng nhấn mạnh.

 Chuyên gia Lại Hoàng Dương, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần truyền thông và máy tính Thánh Gióng. Ảnh: Châu Anh

Chuyên gia Lại Hoàng Dương, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần truyền thông và máy tính Thánh Gióng. Ảnh: Châu Anh

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia Nguyễn Thu Hương, Giám đốc điều hành Công ty AZ Soft cho rằng với thời đại công nghệ số bùng nổ như hiện nay, điều quan trọng mà sinh viên cần có là năng lực tự học và năng lực số. Trong năng lực số, kỹ năng sử dụng trí tuệ nhân tạo sẽ là một kỹ năng bắt buộc phải có trong CV của chúng ta khi tham gia phỏng vấn tuyển dụng.

Tại đây, nhiều câu hỏi của sinh viên như: kỹ năng số nào là quan trọng nhất? Những lĩnh vực AI đang có nhu cầu tuyển dụng cao? Những kỹ năng quan trọng mà sinh viên công nghệ thông tin cần có? Sinh viên nên làm thế nào để nắm bắt lợi thế của AI?,...cũng được các diễn giả giải đáp chi tiết.

Cũng trong khuôn khổ tọa đàm, chuyên gia Trần Ngọc Thiện, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Công nghệ và Phát triển AnAn đã giới thiệu tới sinh viên Trường Đại học Nguyễn Trãi một sản phẩm đặc biệt: Robot ANBI. Thiết bị này có thể đánh giá tính cách con người qua việc quét khuôn mặt bằng camera trí tuệ nhân tạo, giúp chúng ta nhận biết được những điểm mạnh, điểm yếu và cả những khả năng tiềm ẩn trong mỗi người.

 Tiến sĩ Trần Mai tham gia trải nghiệm chức năng đánh giá tính cách của robot ANBI cùng chuyên gia Trần Ngọc Thiện, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Công nghệ và Phát triển AnAn. Ảnh: Châu Anh

Tiến sĩ Trần Mai tham gia trải nghiệm chức năng đánh giá tính cách của robot ANBI cùng chuyên gia Trần Ngọc Thiện, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Công nghệ và Phát triển AnAn. Ảnh: Châu Anh

Nối tiếp chương trình, sinh viên được tham gia trả lời câu hỏi để có được những phần quà hấp dẫn đến từ các công ty công nghệ hàng đầu tại Việt Nam.

Tiến sĩ Trần Mai kỳ vọng buổi tọa đàm này sẽ nhen nhóm trong mỗi sinh viên một động lực và niềm tin rằng bản thân có thể tiến xa hơn nữa. Chị cũng khuyên sinh viên không nên vì chạy theo công nghệ mà bỏ qua những kiến thức nền tảng như xác suất thống kê, logic học, toán học,...Đây đều là những nền tảng để tạo nên công nghệ bây giờ, vậy nên khi các bạn đã nắm chắc các kiến thức đó, các bạn có thể đi rất xa và cao.

"Buổi tọa đàm hôm nay rất thú vị, tạo ra sân chơi để mọi người học hỏi cũng như chia sẻ kiến thức với nhau. Tôi cảm thấy tự hào khi thấy thế hệ sinh viên Việt Nam bây giờ rất thông minh và năng động, chỉ cần được đào tạo bài bản, chắc chắn các bạn sẽ có được thành công cho mình", Tiến sĩ Trần Mai bày tỏ niềm vui khi được trở thành diễn giả của tọa đàm hôm nay.

Ngay sau buổi tọa đàm, Trường Đại học Nguyễn Trãi cũng tổ chức Lễ bàn giao sinh viên thực tập tại Công ty LG Display Hải Phòng, mang lại cơ hội trải nghiệm nghề nghiệp cho các sinh viên của trường.

 Trường Đại học Nguyễn Trãi và Công ty LG Display Hải Phòng ký kết thỏa thuận tại Lễ bàn giao sinh viên. Ảnh: NTCC

Trường Đại học Nguyễn Trãi và Công ty LG Display Hải Phòng ký kết thỏa thuận tại Lễ bàn giao sinh viên. Ảnh: NTCC

Một số hình ảnh trong buổi tọa đàm:

 Trường Đại học Nguyễn Trãi tặng hoa cho các diễn giả tham dự sự kiện. Ảnh: NTCC

Trường Đại học Nguyễn Trãi tặng hoa cho các diễn giả tham dự sự kiện. Ảnh: NTCC

 Sinh viên Trường Đại học Nguyễn Trãi đặt câu hỏi cho diễn giả. Ảnh: Châu Anh

Sinh viên Trường Đại học Nguyễn Trãi đặt câu hỏi cho diễn giả. Ảnh: Châu Anh

 Khách mời và sinh viên hào hứng lắng nghe chia sẻ của các diễn giả. Ảnh: Châu Anh

Khách mời và sinh viên hào hứng lắng nghe chia sẻ của các diễn giả. Ảnh: Châu Anh

Châu Anh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-dh-nguyen-trai-to-chuc-toa-dam-giup-sv-co-kien-thuc-chuyen-sau-ve-ai-iot-post243901.gd
Zalo