Trường ĐH Hoa Sen: Ngành Nghệ thuật số luôn cập nhật công nghệ mới trong đào tạo
Ngành Nghệ thuật số Trường Đại học Hoa Sen luôn cập nhật công nghệ, xu hướng mới để sinh viên tốt nghiệp có thể theo kịp yêu cầu thị trường.
.t1 { text-align: justify; }
Ý tưởng đưa vào đào tạo ngành Nghệ thuật số của Trường Đại học Hoa Sen xuất phát từ nhu cầu thực tế xã hội, cũng như có nhiều bạn trẻ quan tâm đến lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng nói chung và digital art nói riêng.
Cập nhật công nghệ, xu hướng mới trong đào tạo Nghệ thuật số
Theo chia sẻ của thầy Phan Vũ Linh - Giám đốc Chương trình Nghệ thuật số, Khoa Thiết kế - Nghệ thuật, Trường Đại học Hoa Sen, ngành Nghệ thuật số đào tạo ra các nhà thiết kế ý tưởng hình ảnh cho game, phim, họa sĩ minh họa, truyện tranh, hoạt hình và các sản phẩm giải trí khác như mô hình đồ chơi, công viên chủ đề, sản phẩm trang trí nghệ thuật,...
Sinh viên tốt nghiệp ngành Nghệ thuật số có thể đảm nhiệm vai trò họa sĩ ý tưởng (visualizer) trong các công ty quảng cáo, giám đốc nghệ thuật (art director) trong các dự án nghệ thuật, phim ảnh và tổ chức sự kiện.

Thiết kế: Ngọc Mai
Đặc biệt, trong chương trình đào tạo của ngành Nghệ thuật số, những môn học giúp cho sinh viên có khả năng làm việc độc lập, chủ động và tự tin với tinh thần khởi nghiệp.
Ngoài ra, kỹ năng chuyên môn của sinh viên cũng được mở rộng trong cả thiết kế hình ảnh tĩnh và động, 2D và 3D, thủ công và máy tính. Các môn học đặc thù như điêu khắc số, thiết kế sa bàn, tạo hình nhân vật, minh họa số,... đều do các giảng viên cơ hữu - chuyên gia có tên tuổi trong lĩnh vực này đảm trách.
Không chỉ dừng lại ở việc xây dựng chương trình đào tạo bài bản về lý thuyết, nhà trường còn có mối quan hệ chặt chẽ với doanh nghiệp liên quan đến ngành nghề và lĩnh vực sáng tạo để sinh viên có nhiều cơ hội tiếp cận với thực tế, đồng thời nhận được sự hỗ trợ từ doanh nghiệp trong học tập, nghiên cứu và cơ hội việc làm sau khi ra trường.

Giảng viên chấm bài của sinh viên ngành Nghệ thuật số. (Ảnh: NTCC)
Sinh viên học ngành Nghệ thuật số thường được tham gia những chuyến tham quan trải nghiệm và thực tập nghề nghiệp tại các công ty game, studio thiết kế mô hình và sản xuất kỹ xảo hình ảnh,... Các doanh nghiệp liên kết với nhà trường cũng thường xuyên tài trợ các cuộc thi thiết kế, hội thảo và trong tương lai là các suất học bổng cho các sinh viên có thành tích xuất sắc trong quá trình học tập.
Trong thời gian tới, ngành Nghệ thuật số có sự kết hợp với các doanh nghiệp trong việc cung cấp đề tài thực tế cho các đồ án môn học hoặc tốt nghiệp của sinh viên, nhằm tăng tính thực tế và sử dụng nguồn lực từ doanh nghiệp để đồ án sinh viên đạt tiêu chuẩn chuyên nghiệp hơn.
“Với sự thay đổi rất nhanh của công nghệ, kỹ thuật số đang len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, từ thương mại đến giải trí. Do đó, ngành Nghệ thuật số là lựa chọn đúng đắn cho các bạn trẻ yêu thích nghệ thuật và muốn sự sáng tạo của mình lan tỏa, làm đẹp cho xã hội.
Hơn nữa, ngành Nghệ thuật số tại Trường Đại học Hoa Sen là môi trường hoàn hảo để các bạn có thể tiếp cận với những công nghệ, phương pháp sáng tác mới nhất, cơ hội được trau dồi kỹ năng chuyên môn và phát triển tư duy sáng tạo với các giảng viên là chuyên gia trong ngành cũng như các bạn sinh viên cùng đam mê, sở thích”, thầy Linh cho biết.


Một số sản phẩm của sinh viên ngành Nghệ thuật số, Trường Đại học Hoa Sen. Thiết kế ảnh: Ngọc Mai
Ghi nhận chia sẻ của sinh viên ngành Nghệ thuật số Trường Đại học Hoa Sen cho thấy, sinh viên cảm thấy rất ấn tượng với những kiến thức từ các môn học trong chương trình đào tạo. Em Trần Nguyễn Vân Nhi - hiện là sinh viên K20, ngành Nghệ thuật số Trường Đại học Hoa Sen cho biết, khi học phổ thông, Nhi luôn có một mong muốn thực hiện hóa những sáng tạo của bản thân thành những ấn phẩm gắn liền với tuổi thơ. Ví dụ như tranh vẽ, minh họa sách, mô hình,...
Sau khi trở thành sinh viên ngành Nghệ thuật số, Nhi không chỉ được giảng viên giúp đỡ, tạo điều kiện trong học tập mà còn được thầy cô định hướng nghề nghiệp chuyên môn cho tương lai sau này.
“Tại Trường Đại học Hoa Sen, em được học những kiến thức nền tảng của hội họa mỹ thuật cơ bản và được rèn giũa đến khi thành thạo. Sau đó, em được tiếp cận với những phương pháp sáng tạo từ những giảng viên có kinh nghiệm chuyên môn trong nhiều chuyên ngành khác nhau. Đặc biệt, em được thực tập ở những studio, những công ty lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến ngành Nghệ thuật số.
Với những gì được học, em tư duy hướng đi nghệ thuật của bản thân và định hướng công việc trong tương lai sau khi tốt nghiệp đại học”, Nhi chia sẻ.
Sinh viên tốt nghiệp ngành Nghệ thuật số được đánh giá cao
Với tiêu chí “Tôn trọng sự khác biệt”, “Thực học thực làm”, sinh viên ngành Nghệ thuật số, Trường Đại học Hoa Sen được tạo điều kiện tự do sáng tạo, cho ra những tác phẩm mang tính ứng dụng cao và độc đáo.
Được biết, trong Khoa Thiết kế - Nghệ thuật Trường Đại học Hoa Sen, ngành Nghệ thuật số tuy còn non trẻ nhưng đã có những đồ án nổi bật, chất lượng cao, tiệm cận với sản phẩm thực tế. Trong đó, không thể không kể đến đồ án tốt nghiệp “Cổ Việt thần sứ” và “Nam Quốc anh hùng” của 2 nhóm sinh viên khóa đầu tiên của ngành Nghệ thuật số.


Đồ án tốt nghiệp “Cổ Việt thần sứ” của sinh viên ngành Nghệ thuật số, Trường Đại học Hoa Sen. Thiết kế ảnh: Ngọc Mai
Thầy Linh cho biết: “Hai đồ án tốt nghiệp ngoài độ công phu, hoàn chỉnh, tính thẩm mỹ cao thì còn lựa chọn đề tài văn hóa Việt với phần nghiên cứu thấu đáo, không e ngại trong sáng tạo và sự khéo léo kết hợp yếu tố thời đại, áp dụng công nghệ vào việc chế tác sản phẩm đã tạo nên tổng thể nổi trội cho đồ án.
Với sự hỗ trợ của công nghệ in 3D và môn học điêu khắc số, nhóm sinh viên đã tạo ra được sản phẩm chất lượng cao trong thời gian ngắn, tiết kiệm chi phí, sản phẩm của các em cho thấy chương trình đào tạo của ngành Nghệ thuật số đang có hướng đi đúng đắn, thiết thực và tạo ra được thế hệ những nhà thiết kế có tư duy tốt, giỏi tay nghề cho mỹ thuật ứng dụng Việt Nam đương đại”.


Đồ án "Nam Quốc anh hùng" của sinh viên của sinh viên ngành Nghệ thuật số, Trường Đại học Hoa Sen. Thiết kế ảnh: Ngọc Mai
Từ thực tiễn công tác giảng dạy và kinh nghiệm ngành nghề, thầy Linh cho rằng, khi theo học những ngành liên quan đến nghệ thuật, yếu tố năng khiếu là một phần không thể thiếu. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng hơn để sinh viên có thể theo đuổi ngành Nghệ thuật số chính là sự đam mê trong công việc và kiên trì với con đường mà bản thân đã chọn.
Đồng thời, một yếu tố mang lại sự thuận lợi cho sinh viên khi theo ngành Nghệ thuật số là tư duy cởi mở, không ngại thay đổi, luôn tìm tòi những giải pháp mới cho công việc. Bởi, tuy là ngành nghệ thuật nhưng cũng phần nào gắn liền với công nghệ, theo kịp công nghệ sẽ giúp sinh viên có thể tạo nên những tác phẩm phù hợp thời đại và xu hướng xã hội.
Từ góc độ doanh nghiệp từng tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp ngành Nghệ thuật số Trường Đại học Hoa Sen đến thực tập, anh Nguyễn Minh Hồng Huy - Giám đốc nghệ thuật tại Cinemagic Workshop đánh giá cao về sự năng động và linh hoạt trong giải quyết vấn đề của sinh viên. Kỹ năng làm việc của các sinh viên cũng đáp ứng tốt cho công việc thực tế; chịu khó lắng nghe và học hỏi nhưng cũng khá mạnh dạn đề xuất giải pháp cho công việc đạt hiệu quả. Sinh viên cũng rất quen thuộc với các phần mềm, máy móc mà Cinemagic Workshop đang sử dụng. Điều này cho thấy sinh viên ngành Nghệ thuật số của Trường Đại học Hoa Sen được đào tạo những kiến thức công nghệ cập nhật khá tốt.
Chia sẻ về mức lương, thưởng, theo anh Huy, một số sinh viên tốt nghiệp ngành Nghệ thuật số kỹ năng tốt có thể đảm nhận vị trí nhân viên thiết kế với mức lương 15 triệu đồng/tháng sau 2 tháng thử việc. Các bạn có năng lực tư duy tốt và kinh nghiệm có thể phát triển lên, hoặc đảm nhiệm công việc đa dạng với mức lương cao hơn, khoảng 23 triệu đồng/tháng cho vị trí chuyên viên tạo hình 3D.

Sinh viên ngành Nghệ thuật số tham quan doanh nghiệp. (Ảnh: NTCC)
Là cựu sinh viên ngành Nghệ thuật số Trường Đại học Hoa Sen, anh Nguyên Khang (26 tuổi, hiện đang là Freelancer - làm việc tự do) bày tỏ, đối với anh, ngành Nghệ thuật số mở ra những cơ hội công việc mà bản thân anh thậm chí còn chưa bao giờ nghĩ đến trước đó.
Sau khi hoàn thành đồ án tốt nghiệp, anh Khang đã ứng dụng được những kiến thức về 3D và in 3D để mở một dịch vụ in, phục vụ các bạn sinh viên, khách hàng có nhu cầu thiết kế và in 3D.
Điều mà anh Khang cảm thấy ấn tượng nhất khi học ngành Nghệ thuật số là có đội ngũ giảng viên tận tụy với nghề, gửi gắm và vun đắp “lửa nghề” cho sinh viên.
“Hành trình nào cũng có gian nan, vất vả nhưng bản thân tôi tin rằng nếu có đủ đam mê thì bất kỳ thử thách nào cũng có thể vượt qua. Do đó, với các thí sinh yêu thích một môi trường sáng tạo, thực tiễn với nghề nghiệp và nhiều cơ hội phát triển kỹ năng thì ngành Nghệ thuật số là ngành học mà thí sinh nên hướng đến”, anh Khang chia sẻ.
Cùng chung cảm nhận với anh Khang, anh Trần Xuân Hải (29 tuổi) - cựu sinh viên ngành Nghệ thuật số của Trường Đại học Hoa Sen cho biết, nhờ học ngành Nghệ thuật số, anh Hải được làm quen với những thầy cô giáo có nhiều kinh nghiệm trong ngành. Ngoài được học các kiến thức lý thuyết, anh Hải còn được các thầy cô giới thiệu đến các doanh nghiệp nổi tiếng trong ngành.
Với anh Hải, việc vừa được lĩnh hội tri thức vừa được thực hành ngay từ khi còn là sinh viên và nhận ra những thiết sót của bản thân sau nhận xét đánh giá của thầy cô là điều mà anh Hải cảm thấy ấn tượng nhất trong suốt quá trình học tại Trường Đại học Hoa Sen.

Anh Trần Xuân Hải. (Ảnh: NVCC)
“Những kiến thức được học ở trường đã giúp tôi rất nhiều trong quá trình làm việc, từ những kiến thức cơ bản về nguyên lý thị giác, bố cục,... cho đến các kiến thức chuyên ngành như các yếu tố để thiết kế nhân vật, sinh vật và môi trường,... Nhờ đó, bản thân tôi có được một quy trình làm việc và áp dụng vào thực tiễn hiệu quả.
Theo tôi, nếu mục tiêu của các bạn trẻ hướng đến là trở thành họa sĩ minh họa truyện tranh, minh họa sách, thiết kế mascot (nhân vật đại diện) hoặc trở thành nghệ sĩ thiết kế và sản xuất đồ chơi nghệ thuật và mô hình sưu tầm thì ngành Nghệ thuật số là một lựa chọn phù hợp”, anh Hải chia sẻ.
Vị trí việc làm đối với sinh viên tốt nghiệp ngành Nghệ thuật số khá đa dạng, ví dụ như:
Họa sĩ ý tưởng game.
Họa sĩ minh họa sách, tạp chí.
Họa sĩ truyện tranh, webtoon.
Họa sĩ hoạt hình.
Chuyên viên thiết kế tạo hình 3D.
Họa sĩ thiết kế sản xuất phim.
Chuyên viên kỹ xảo hình ảnh.
Họa sĩ ý tưởng, storyboard quảng cáo.
Ngoài ra, với kinh nghiệm thực hiện nhiều đồ án cá nhân và kiến thức trong môn học khởi nghiệp, sinh viên hoàn toàn có thể tạo dựng doanh nghiệp cá nhân, studio thiết kế, hoặc làm việc tự do trong nhiều lĩnh vực của mỹ thuật ứng dụng.