Trường Đại học CMC đào tạo sinh viên ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc gắn với công nghệ số
Cấu trúc ngôn ngữ độc đáo và nhu cầu nguồn nhân lực cao giúp ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc trở thành lựa chọn tiềm năng cho người học trong bối cảnh hội nhập.
Những năm gần đây, ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc đang dần khẳng định vị thế trong hệ thống đào tạo đại học tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia không ngừng được mở rộng về cả kinh tế, văn hóa lẫn giáo dục.
Với xu hướng toàn cầu hóa, việc học tiếng Hàn không chỉ mở ra cơ hội nghề nghiệp trong nước mà còn tạo điều kiện để người học vươn ra thị trường quốc tế. Nhiều trường đại học hiện đã chủ động thiết kế chương trình theo hướng thực tiễn, kết nối với doanh nghiệp và tổ chức quốc tế nhằm tạo điều kiện cho sinh viên được thực tập, du học hoặc làm việc tại Hàn Quốc.
Trong đó, chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc tại Trường Đại học CMC không chỉ dừng lại ở việc trang bị kỹ năng sử dụng ngôn ngữ mà còn chú trọng phát triển kiến thức văn hóa - xã hội, kỹ năng biên - phiên dịch, giao tiếp liên văn hóa và nghiệp vụ chuyên môn cho sinh viên.
Phát triển chương trình học tiếng Hàn gắn với công nghệ số, ứng dụng cao
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nghiên cứu sinh, Thạc sĩ Nguyễn Thị Nguyệt Minh - Giám đốc chương trình Ngôn ngữ Hàn Quốc, Trường Đại học CMC cho biết, ngay từ khi thành lập ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc, nhà trường đã xác định rõ định hướng xây dựng một chương trình đào tạo chất lượng, mang bản sắc riêng.
Bên cạnh các học phần thực hành tiếng truyền thống, nhà trường chú trọng tích hợp công nghệ thông tin vào giảng dạy, kế thừa tinh thần đổi mới sáng tạo của Tập đoàn CMC. Từ đó, mô hình đào tạo 9 học kỳ ra đời, kết hợp các yếu tố công nghệ số nhằm tối ưu thời gian học tập và nâng cao hiệu quả tiếp thu kiến thức cho sinh viên.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Nguyệt Minh - Giám đốc chương trình Ngôn ngữ Hàn Quốc, Trường Đại học CMC. Ảnh: NTCC.
“Chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc tại trường được thiết kế đầy đủ các cấu phần theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó, nhóm học phần cơ sở ngành và chuyên ngành được xây dựng khoa học, hài hòa giữa lý thuyết và thực hành. Sinh viên được trang bị hơn 900 tiết thực hành tiếng, cùng các học phần chuyên sâu về ngôn ngữ, văn hóa và xã hội Hàn Quốc.
Đặc biệt, các học phần Biên - Phiên dịch được triển khai bài bản từ nền tảng lý thuyết đến thực hành thực tế, kết hợp với các học phần ứng dụng tiếng Hàn trong các lĩnh vực như: Công nghệ thông tin, Quản trị dự án, Kinh doanh thương mại, Thương mại điện tử… giúp sinh viên hình thành tư duy nghề nghiệp và sẵn sàng thích nghi với môi trường làm việc hiện đại”, cô Nguyệt Minh cho hay.
Bên cạnh đó, cô Nguyệt Minh chỉ ra điểm khác biệt nổi bật của ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc so với nhiều ngành ngôn ngữ khác đến từ sự phát triển mạnh mẽ và bền vững trong quan hệ hợp tác kinh tế - ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc suốt hơn ba thập kỷ qua. Cùng với làn sóng đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam ngày càng gia tăng, tiếng Hàn đang trở thành ngôn ngữ được ưa chuộng với giá trị ứng dụng cao và sức hút lớn đối với giới trẻ.
Không chỉ mở ra cơ hội việc làm hấp dẫn, tiếng Hàn còn được đánh giá là ngôn ngữ có cấu trúc dễ tiếp cận. Dù thoạt nhìn có phần giống chữ tượng hình nhưng bảng chữ cái tiếng Hàn thực chất là hệ thống biểu âm, được thiết kế khoa học, mô phỏng hình dáng các yếu tố tự nhiên như Trời - Đất - Con người để hình thành nên nguyên âm, mượn hình dáng của các cơ quan phát âm để tạo nên hệ thống phụ âm. Nhờ đó, người học có thể tiếp cận nhanh, ghi nhớ dễ dàng và có nhiều hứng thú trong quá trình tiếp thu ngôn ngữ.
Sự độc đáo trong cấu trúc ngôn ngữ, kết hợp với nhu cầu nhân lực tiếng Hàn ngày một tăng trong các lĩnh vực như công nghệ, thương mại, du lịch, truyền thông,… khiến ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc trở thành lựa chọn tiềm năng cho những ai đang tìm kiếm một lộ trình học tập gắn với cơ hội phát triển nghề nghiệp vững chắc trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Sinh viên Trường Đại học CMC giao lưu với Trường Korea Nazarene, Hàn Quốc. Ảnh: NTCC.
Trong một xã hội đang nỗ lực hướng tới bình đẳng giới toàn diện, lựa chọn ngành học không nên bị giới hạn bởi định kiến về giới tính. Thực tế, ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc không đòi hỏi yêu cầu đặc thù về giới, tuy nhiên, thống kê tại Trường Đại học CMC cho thấy số lượng nữ sinh theo học vẫn áp đảo so với nam giới. Tỉ lệ nam sinh theo học ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc chỉ chiếm khoảng 10% tổng số sinh viên ngành này.
Theo cô Nguyệt Minh, điều này không phải là bất lợi, mà ngược lại, là cơ hội dành cho các nam sinh nếu biết tận dụng xu hướng phát triển hiện nay. Trong bối cảnh nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin biết tiếng Hàn đang tăng nhanh, việc sở hữu năng lực song hành giữa ngoại ngữ và công nghệ sẽ tạo lợi thế cạnh tranh lớn.
Đối với nữ sinh, việc học tốt tiếng Hàn và tích lũy thêm kiến thức công nghệ cũng mở ra nhiều cánh cửa nghề nghiệp hấp dẫn trong các lĩnh vực liên quan đến Công nghệ thông tin; Biên - Phiên dịch chuyên ngành; Thương mại điện tử hay làm việc tại các doanh nghiệp công nghệ cao.
“Với hơn 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, tôi cho rằng không có một giới hạn nào về cơ hội việc làm đối với sinh viên ngành ngoại ngữ nói chung và tiếng Hàn nói riêng. Nếu đủ yêu thích và học tập nghiêm túc, sinh viên có thể làm việc ở nhiều lĩnh vực với những vị trí đáng mơ ước.
Tuy nhiên, giỏi ngoại ngữ thôi chưa đủ. Đội ngũ giảng viên xác định rõ vai trò định hướng của mình không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức chuyên môn mà còn là người đồng hành giúp sinh viên phát triển toàn diện. Sinh viên được khuyến khích rèn luyện các kỹ năng mềm quan trọng như giao tiếp, ứng dụng công nghệ số, tự học suốt đời, quan sát và thích nghi với môi trường làm việc đa văn hóa.
Chúng tôi muốn sinh viên không chỉ thành thạo tiếng Hàn mà còn có thái độ tốt và tư thế sẵn sàng để tự tin bước vào xã hội. Đây chính là hành trang thiết thực giúp sinh viên mở rộng cơ hội nghề nghiệp và tạo dấu ấn trong thị trường lao động đang cạnh tranh ngày càng gay gắt”, cô Nguyệt Minh nhận định.
Liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp
Ngay từ khi thành lập ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc, Trường Đại học CMC đã đặt mục tiêu xây dựng đội ngũ giảng viên đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Toàn bộ giảng viên của Khoa hiện nay đều tốt nghiệp từ các trường đại học chính quy có xếp hạng tại Hàn Quốc, sở hữu trình độ từ thạc sĩ đến tiến sĩ, bao gồm cả giảng viên người Việt Nam và người Hàn Quốc.
Đội ngũ giảng viên có chuyên môn đa dạng, đáp ứng tốt nhiều lĩnh vực như Nghiên cứu ngôn ngữ, Phương pháp giảng dạy, Giáo dục tiếng Hàn, Kinh tế, Chính trị ngoại giao,…Trong đó, số lượng giảng viên người Hàn chiếm khoảng 50%, mang lại sự phong phú trong phong cách giảng dạy và tiếp cận văn hóa bản địa.
Để không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, nhà trường tổ chức định kỳ các buổi tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nội bộ, dự giờ, cũng như khuyến khích giảng viên tham gia các hội thảo học thuật cấp quốc gia và quốc tế.

Sinh viên Trường Đại học CMC thể hiện khả năng tiếng Hàn trong cuộc thi Nói tiếng Hàn toàn quốc - vòng chung kết cấp trường. Ảnh: NTCC.
Bên cạnh những thuận lợi và thành tựu đã đạt được, cô Nguyệt Minh cho rằng một trong những thách thức lớn nhất đối với Trường Đại học CMC hiện nay là làm sao định vị được giá trị và bản sắc riêng trong bối cảnh giáo dục đại học đang phát triển nhanh chóng và cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
“Với tuổi đời còn non trẻ so với nhiều cơ sở đào tạo khác, nhà trường buộc phải nỗ lực gấp nhiều lần để khẳng định vị thế. Tuy nhiên, chính lợi thế của một "trường trẻ" lại mở ra cơ hội để phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, linh hoạt trong tư duy và hành động, từ đó kiến tạo một môi trường học tập hiện đại, hiệu quả.
Đặc biệt, với đặc thù là một trường đại học nằm trong lòng doanh nghiệp, Trường Đại học CMC có nhiều thuận lợi trong việc kết nối với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là các tổ chức, doanh nghiệp Hàn Quốc. Tính đến nay, nhà trường đã ký kết hợp tác với khoảng 10 cơ quan nghiên cứu và đào tạo của Hàn Quốc cùng nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam và Hàn Quốc. Mạng lưới hợp tác rộng mở này giúp trường tạo được sự gắn kết toàn diện giữa học thuật, công nghệ, thương mại; đồng thời mở rộng cơ hội thực tập, kiến tập và định hướng nghề nghiệp cho sinh viên”, cô Nguyệt Minh thông tin.
Với định hướng đào tạo gắn liền thực tiễn, Trường Đại học CMC triển khai chương trình Học kỳ thực tập (On-Job Training) cho 100% sinh viên vào học kỳ thứ 7 trong tổng số 9 học kỳ. Trong suốt 4 tháng, sinh viên sẽ thực tập toàn thời gian tại doanh nghiệp, đóng vai trò như một nhân viên thực thụ. Đây là giai đoạn quan trọng giúp các em tiếp cận môi trường làm việc chuyên nghiệp, phát triển kỹ năng nghề nghiệp, tư duy giải quyết vấn đề và tích lũy kinh nghiệm thực tế trước khi tốt nghiệp.
Sinh viên được trực tiếp tham gia các dự án thật dưới sự dẫn dắt của các chuyên gia tại doanh nghiệp. Việc học thông qua làm việc không chỉ giúp sinh viên ứng dụng kiến thức chuyên môn mà còn rèn luyện các kỹ năng mềm thiết yếu trong môi trường công sở.
Bên cạnh các đơn vị trực thuộc Tập đoàn CMC, sinh viên còn có cơ hội thực tập tại nhiều doanh nghiệp lớn ngoài tập đoàn như Techcombank, Vietcombank, ABBank, MISA, Công ty Vận tải và Tiếp vận Toàn cầu... Hiện mạng lưới đối tác doanh nghiệp của trường đã lên tới hơn 130 đơn vị trong nhiều lĩnh vực.

Sinh viên ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc, Trường Đại học CMC tham gia trao đổi tại Đại học Mokpo (Hàn Quốc). Ảnh: NTCC.
Không chỉ dừng lại ở thực tập trong nước, Trường Đại học CMC còn hướng tới mở rộng cơ hội thực tập quốc tế cho sinh viên. Gần đây, 1 sinh viên của trường đã có cơ hội thực tập tại Công ty Morikosan - doanh nghiệp Nhật Bản lâu đời trong lĩnh vực sản xuất thép và đào tạo nhân lực quốc tế; 15 sinh viên khác cũng hoàn thành kỳ thực tập tại Trường Đại học Mokpo (Hàn Quốc) trong 3 tháng, kết hợp nâng cao trình độ tiếng Hàn và trải nghiệm môi trường học thuật - nghề nghiệp quốc tế.
Để chuẩn bị tốt cho kỳ thực tập, sinh viên được tham gia các buổi định hướng, trang bị kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, hội nhập văn hóa công sở, cùng các buổi chia sẻ thực tế từ chuyên gia nhân sự và lãnh đạo doanh nghiệp. Nhà trường cũng hỗ trợ sinh viên chỉnh sửa sơ yếu lý lịch xin việc (CV), phỏng vấn thử và chụp ảnh hồ sơ cá nhân chuyên nghiệp để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng.
Những hoạt động đồng bộ này không chỉ giúp sinh viên tự tin bước vào thị trường lao động mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ của Trường Đại học CMC trong việc đào tạo gắn liền với yêu cầu doanh nghiệp và xu hướng tuyển dụng hiện đại.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, sinh viên ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc không chỉ cần nắm vững kiến thức chuyên môn mà còn phải tích cực rèn luyện kỹ năng mềm và tích lũy kinh nghiệm thực tiễn ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Em Phùng Thị Bích Hạnh - sinh viên lớp 22KL2, ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc, Trường Đại học CMC cho biết, các kỹ năng như giao tiếp, làm việc nhóm, sử dụng công nghệ và khả năng thích nghi nhanh với môi trường mới sẽ giúp sinh viên tự tin hơn khi bước vào thị trường lao động. Việc sở hữu chứng chỉ TOPIK II hay từng thực tập, làm thêm tại doanh nghiệp Hàn Quốc cũng là lợi thế rõ rệt trong quá trình ứng tuyển.

Em Phùng Thị Bích Hạnh - sinh viên lớp 22KL2, ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc, Trường Đại học CMC. Ảnh: NVCC.
Hạnh cho biết, trong suốt quá trình học ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc tại Trường Đại học CMC, sinh viên đã được tạo điều kiện rèn luyện nhiều kỹ năng mềm thiết yếu. Phần lớn các môn học đều yêu cầu sinh viên chủ động phối hợp để chuẩn bị nội dung bài học, trình bày trước lớp và tương tác nhóm, giúp sinh viên từng bước tự tin hơn khi giao tiếp và trình bày quan điểm cá nhân.
Ngoài ra, các học phần thực hành cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường khả năng sử dụng tiếng Hàn một cách linh hoạt, đặc biệt là trong môi trường chuyên nghiệp. Ở môn Thực hành phiên dịch Hàn - Việt, sinh viên được luyện phản xạ thông qua các tình huống quen thuộc như phỏng vấn xin việc, giới thiệu bản thân hay tham gia hội thảo. Qua đó, khả năng nghe hiểu, ghi nhớ và chuyển ngữ giữa tiếng Hàn và tiếng Việt dần được cải thiện.
"Tuy nhiên, sự chuyển tiếp từ các học phần tiếng Hàn cơ sở sang các môn học chuyên ngành cũng là thử thách không nhỏ đối với em. Những môn như Thực hành biên - phiên dịch Hàn - Việt hay Tiếng Hàn công nghệ - kỹ thuật đòi hỏi người học phải làm quen với một lượng lớn từ vựng chuyên ngành và kiến thức chuyên sâu. Việc hiểu đúng ngữ cảnh, tra cứu liên tục và ghi nhớ từ mới là điều bắt buộc. Dù gặp nhiều khó khăn ban đầu nhưng với sự đồng hành và hướng dẫn tận tình từ các giảng viên, em dần thích nghi và nâng cao hiệu quả tiếp thu kiến thức”, em Phùng Thị Bích Hạnh chia sẻ.