Trước thềm năm học mới, phụ huynh lưu tâm để mua SGK rõ nguồn gốc, nơi bán uy tín
Việc phân biệt sách thật - giả với phụ huynh, học sinh là điều khó khăn bởi sách giả được sản xuất ngày càng tinh vi.
.t1 { text-align: justify; }
Sách giáo khoa đóng vai trò quan trọng trong trường học, là nguồn tài nguyên hữu ích cho cả giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng sách giáo khoa giả, sách lậu trên thị trường đang gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới ngành giáo dục nói chung và trường học nói riêng.
Sách in sai làm ảnh hưởng tới kiến thức của học sinh
Ghi nhận từ thực tế, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Bùi Hồng Hạnh - Giáo viên Trường Tiểu học Jean Piaget (Hà Nội) chia sẻ, trong quá trình soạn nội dung giảng dạy, cô đã phát hiện bộ sách giáo khoa được mua tại một cửa hàng ven đường có sai sót về nội dung và xuất hiện lỗi in ấn.
Cụ thể, mốc thời gian trong một số cuốn sách môn Tiếng Việt, Lịch sử được đề cập đã bị in sai, khiến các sự kiện lịch sử hay niên đại của các nhân vật, giai đoạn bị đảo lộn. Cùng với đó, tư liệu trích dẫn cũng không chính xác khi một số câu nói của các nhân vật lịch sử khác so với thực tế. Những sai sót này dẫn đến việc học sinh tiếp nhận thông tin sai sự thật, ảnh hưởng trực tiếp đến sự hiểu biết, tư duy phản biện và hình thành kiến thức nền tảng của các em.
“Khi học sinh tiếp xúc với những thông tin không chính xác từ sách giả, các em rất dễ hình thành nhận thức sai lệch do phải tiếp thu kiến thức không chuẩn xác. Điều này đặc biệt nguy hiểm vì sách giáo khoa vốn được xem là nguồn tài liệu đáng tin cậy.
Về phía giáo viên, nếu không thật sự cẩn trọng và kiểm tra kỹ lưỡng trong việc xây dựng kiến thức bài học và đề thi, họ có thể vô tình giảng dạy những nội dung sai lệch có trong sách giáo khoa không chính thống. Từ đó, việc đánh giá năng lực học sinh sẽ không chính xác, làm ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập và quá trình tích lũy kiến thức lâu dài của học sinh,” cô Hạnh bày tỏ.

Cô Bùi Hồng Hạnh - Giáo viên Trường Tiểu học Jean Piaget (Hà Nội). Ảnh NVCC
Theo cô Hạnh, tình trạng sách giả, sách lậu hiện nay rất đáng lo ngại, đặc biệt nếu những loại sách này lọt vào trong trường học. Sách giả thường có nội dung sai lệch, chất lượng kém, ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiếp thu kiến thức của học sinh và làm giảm chất lượng dạy học. Ngoài ra, việc này còn vi phạm bản quyền, gây thiệt hại cho tác giả, nhà xuất bản và làm suy giảm giá trị tri thức chân chính.
Tuy nhiên, trên thực tế, phụ huynh và học sinh vẫn có thể mua phải sách giáo khoa giả vì nhiều lý do, trong đó phổ biến nhất là thiếu thông tin để phân biệt sách thật – giả, ham rẻ hoặc mua vội ở những nơi không uy tín. Ngoài ra, sách giả ngày càng được làm tinh vi, khó nhận biết bằng mắt thường. Một số trường hợp còn do sự chủ quan, chưa nhận thức rõ hậu quả của việc sử dụng sách lậu đối với việc học tập và phát triển tư duy của học sinh.

Ảnh minh họa: Mạnh Dũng
Mua sách tại trường là lựa chọn an toàn, không lo dính sách giáo khoa giả
Để ngăn chặn sách giả vào trong nhà trường, thầy Nguyễn Thanh Bình - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đồng Quan (Hà Nội) cho biết, ngoài việc học sinh có thể chủ động mua sách giáo khoa bên ngoài theo nhu cầu cá nhân, nhà trường sẽ đứng ra làm đầu mối đăng ký mua sách giáo khoa thông qua Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học Hà Tây.
Việc này được thực hiện dựa trên đăng ký của học sinh, nhằm đáp ứng đúng nhu cầu sử dụng sách giáo khoa của học sinh nhà trường. Đồng thời, đảm bảo nguồn sách đến học sinh chính thống và có chất lượng tốt.
Theo thầy Bình, việc sử dụng sách giả, sách lậu gây ra những tác động tiêu cực đáng kể đến chất lượng dạy và học. Những loại sách này thường chứa đựng thông tin sai lệch, thiếu sót, hoặc bị cắt xén, không trải qua quy trình kiểm duyệt và thẩm định chặt chẽ như sách thật. Điều này dẫn đến việc học sinh tiếp thu những kiến thức không chính xác, gây khó khăn cho việc xây dựng nền tảng kiến thức vững chắc và đồng bộ.
Hậu quả là học sinh có thể hiểu sai, vận dụng sai kiến thức, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập. Bên cạnh đó, việc sử dụng sách giả còn ảnh hưởng đến tinh thần, thị giác của học sinh, bởi sách giả thường có mực in mờ, nhòe khiến học sinh gặp khó khăn trong việc theo dõi và tiếp thu kiến thức.
Cũng theo thầy Bình, sách giả hiện nay được làm rất tinh vi, khó có thể phân biệt. Bên cạnh đó, nhiều đối tượng đã lợi dụng lòng tin và sự thiếu hiểu biết của người mua để trà trộn sách giả vào thị trường, khiến tình trạng sách giả ngày càng trở nên phức tạp.
Vì vậy, để tránh mua phải sách giả, sách kém chất lượng, phụ huynh cần tìm nguồn cung ứng có uy tín, đặc biệt nên đăng ký mua qua trường học để có thể đảm bảo về nguồn gốc và chất lượng của sách.
Bàn về giải pháp đối với sách giáo khoa lậu, thầy Bình cho biết, nhà trường đã phổ biến rộng rãi quy định không mua và không sử dụng sách giả, sách không rõ nguồn gốc cho toàn thể cán bộ, giáo viên và nhân viên trong trường, nhằm tạo dựng môi trường giáo dục nói không với sách giả.
Ngoài ra, vai trò của giáo viên nhà trường trong việc truyền tải thông tin đến phụ huynh và học sinh cũng quan trọng. Giáo viên cần có trách nhiệm phổ biến về tác hại của sách giả, sách lậu và hướng dẫn phụ huynh, học sinh lựa chọn những đầu sách mà nhà trường sử dụng để dạy học. Đồng thời, những đầu sách này phải đảm bảo nguồn gốc rõ ràng, giúp phụ huynh có cơ sở tin cậy để mua sắm.
Đặc biệt, để giải quyết triệt để việc sách giả, sách lậu tràn lan trên thị trường, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ từ cơ quan chức năng đối với việc kiểm soát chặt chẽ các khâu in ấn, phát hành đến việc buôn bán sách. Song song với đó, sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường, phụ huynh và các cơ quan quản lý thị trường là yếu tố then chốt để tạo ra một môi trường giáo dục lành mạnh, nơi sách giả không còn "chỗ đứng".
Đồng ý kiến với quan điểm trên, cô Bùi Hồng Hạnh nhấn mạnh: “Theo tôi, cần có sự vào cuộc quyết liệt từ các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở in ấn, phát hành sách giả. Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là phụ huynh và học sinh. Nhà trường, xã hội và truyền thông cũng phải chung tay, tạo ra môi trường giáo dục trong sạch, nơi tri thức thật được tôn vinh và bảo vệ.
Ngoài ra, để tránh mua phải sách giả, sách lậu, phụ huynh và học sinh nên mua sách giáo khoa tại các nhà sách uy tín, hệ thống phân phối chính thức của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hoặc qua các kênh online được xác thực. Khi mua, cần kiểm tra kỹ tem chống giả, mã vạch và chất lượng in ấn. Đồng thời, phụ huynh nên trang bị kiến thức cơ bản để nhận biết sách thật – giả và tuyệt đối không nên ham rẻ mua sách trôi nổi, không rõ nguồn gốc để đảm bảo chất lượng học tập cho học sinh," cô Hạnh bày tỏ.