Trước giờ tuyên án, Tập đoàn Phúc Sơn nộp 768 tỉ đồng cho bị cáo Nguyễn Văn Hậu khắc phục hậu quả

Trước khi tập đoàn Phúc Sơn nộp 768 tỉ đồng, bị cáo Hậu đã nộp 84 tỉ đồng trong giai đoạn điều tra để khắc phục hậu quả, ngoài ra còn có 247 tỉ đồng bị phong tỏa trong tài khoản, sổ tiết kiệm...

Ngày mai (4-7), TAND TP Hà Nội sẽ tuyên án đối với bị cáo Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn và 40 bị khác trong vụ án đưa, nhận hối lộ, vi phạm quy định đấu thầu liên quan một số địa phương.

HĐXX đang nghị án sau 5 ngày xét xử liên tiếp.

Trước khi tòa tuyên án, ngày 3-7, Tập đoàn Phúc Sơn đã nộp 768 tỉ đồng cho bị cáo Nguyễn Văn Hậu khắc phục hậu quả.

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Hoàng Huy

Quá trình xét xử, bị cáo Nguyễn Văn Hậu và Tập đoàn Phúc Sơn đều xin HĐXX tạo điều kiện xử lý tài sản để khắc phục hậu quả vụ án.

Theo trình bày của ông Hậu và Tập đoàn Phúc Sơn, ngoài hơn 1.100 sổ hồng bị kê biên, ông Hậu còn có 196 sổ hồng bị hạn chế giao dịch. Số bất động sản này đã có khách hàng hỏi mua. Nếu tòa án tạo điều kiện thì ông Hậu sẽ bán số bất động sản này và khắc phục hết hậu quả vụ án trong 2-3 ngày trước khi tuyên án.

Chủ tọa phiên tòa đã hướng dẫn trong trường hợp các bên tìm được đối tác ký hợp đồng mua bán thì cần chuyển thẳng số tiền trên đến Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội hoặc có bảo lãnh của ngân hàng với nội dung chỉ sử dụng số tiền trên để xử lý vào việc thi hành án cho bị cáo Hậu.

Khi đó, tòa án sẽ có quyết định trong bản án về việc gỡ bỏ phong tỏa 196 bất động sản.

Bị cáo Nguyễn Văn Hậu bị xét xử về 3 tội, gồm: Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và đưa hối lộ.

Trong phần luận tội, VKS đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Nguyễn Văn Hậu mức án 30 năm tù cho cả 3 tội danh nói trên.

Theo cáo buộc, trong quá trình thực hiện các dự án, gói thầu tại tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Phú Thọ, bị cáo Nguyễn Văn Hậu đã trực tiếp thực hiện, chỉ đạo cấp dưới hoặc cấu kết với các đơn vị khác để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật về kế toán, đấu thầu.

Hành vi sai phạm của ông Hậu và các đồng phạm gây hậu quả thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho nhà nước với tổng số tiền hơn 1.100 tỉ đồng.

Trong phần bào chữa cho bị cáo Hậu, luật sư Bùi Đình Ứng cho biết bị cáo Hậu đã nộp khắc phục hậu quả vụ án là hơn 84 tỉ đồng.

Số tài sản bị thu giữ khi khám xét là hơn 94 tỉ đồng bao gồm tiền mặt, vàng và USD.

Số tiền trong tài khoản, sổ tiết kiệm bị phong tỏa là 247 tỉ đồng.

CQĐT còn thu giữ, kê biên hơn 1.000 sổ hồng và 196 sổ hồng bị hạn chế giao dịch.

Ngoài ra, bị cáo còn có hơn 38 tỉ đồng trong tài khoản bị ngân hàng phong tỏa không nằm trong danh sách tài sản theo cáo trạng.

Theo hồ sơ vụ án, tại Vĩnh Phúc, Tập đoàn Phúc Sơn tham gia 4 gói thầu và là chủ đầu tư 4 dự án gồm Dự án Chợ đầu mối, Tứ Trưng, Phúc Sơn 1, Phúc Sơn 2.

Tại Quảng Ngãi, Tập đoàn Phúc Sơn trúng 2 gói thầu và tại Phú Thọ, Tập đoàn Phúc Sơn trúng 4 gói thầu.

Để lấy được các dự án, gói thầu trên, Nguyễn Văn Hậu đưa hối lộ hơn 132 tỉ đồng cho 9 bị cáo trong đó bà Hoàng Thị Thúy Lan (cựu bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc) nhận 25 tỉ đồng và 1 triệu USD; bị cáo Lê Duy Thành, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhận 20 tỉ đồng và 1,3 triệu USD…

Sau khi trúng thầu lấy được các gói thầu bằng cách thông thầu, móc ngoặc với chủ đầu tư, gian lận hồ sơ, Nguyễn Văn Hậu thực hiện việc chuyển nhượng thầu trái pháp luật, thu tiền chênh lệch vật tư, vật liệu, tiền phần trăm để hưởng lợi bất chính.

Với mục tiêu trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, đồng thời có tiền để chi dùng phục vụ các hoạt động kinh doanh, đấu thầu, thực hiện Dự án trái pháp luật và sử dụng mục đích cá nhân, Nguyễn Văn Hậu đã chỉ đạo cấp dưới sử dụng 2 hệ thống sổ sách, để doanh thu ngoài sổ sách.

BÙI TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/truoc-gio-tuyen-an-tap-doan-phuc-son-nop-768-ti-dong-cho-bi-cao-nguyen-van-hau-khac-phuc-hau-qua-post858530.html
Zalo