Trùng tu lớn di tích Văn Miếu và Quốc Tử Giám triều Nguyễn

Hai di tích Văn Miếu và Quốc Tử Giám triều Nguyễn sắp được tỉnh Thừa Thiên Huế trùng tu lớn sau khi điều chỉnh lại quy mô đầu tư.

Ngày 10/12, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã nhất trí điều chỉnh tổng mức đầu tư lên hơn 132 tỷ đồng đối với dự án tu bổ, tôn tạo và phục hồi thích nghi di tích Văn Miếu (phường Hương Hồ, thành phố Huế).

 Văn Miếu Huế là biểu tượng của sự thịnh vượng của Nho giáo triều Nguyễn. Ảnh: TTH

Văn Miếu Huế là biểu tượng của sự thịnh vượng của Nho giáo triều Nguyễn. Ảnh: TTH

Trước đó, vào năm 2022, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo và phục hồi thích nghi di tích Văn Miếu (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư gần 66 tỷ đồng.

Theo đó, dự án sẽ phục hồi thích nghi toàn bộ di tích Văn Miếu chính điện, Văn Miếu Môn, sân miếu; tu bổ phần bờ mái đã bị gãy, vệ sinh bề mặt của Đại Thành Môn, Kim Thanh Môn; phục hồi thích nghi bến thuyền hình bán nguyệt rộng 380m2; tôn tạo cây xanh, cảnh quan khu vực di tích; xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, cần cập nhật lại chi phí xây lắp đối với các hạng mục chính như Văn Miếu chính điện, Văn Miếu Môn, bởi thời điểm lập chủ trương đầu tư, suất đầu tư được tính theo công trình Miếu Long Châu (Điện Voi Ré, hoàn thành năm 2019) để cân đối.

Tuy nhiên, Miếu Long Châu là ngôi miếu thờ có quy mô xây dựng nhỏ; giải pháp tu bổ, phục hồi có tỷ lệ tận dụng nhiều cấu kiện nguyên gốc, đồng thời giá trị về mặt trang trí mỹ thuật khá đơn giản. Trong khi đó, Văn Miếu chính điện là công trình đã bị phá hủy gần như hoàn toàn, chỉ còn nền móng nên phải tu bổ, phục hồi lại.

Dự án tu bổ, tôn tạo và phục hồi thích nghi di tích Văn Miếu thực hiện từ năm 2025 và hoàn thành trong 3 năm.

 Quốc Tử Giám triều Nguyễn ở Huế là công trình văn hóa, lịch sử có giá trị cao. Ảnh: CL

Quốc Tử Giám triều Nguyễn ở Huế là công trình văn hóa, lịch sử có giá trị cao. Ảnh: CL

Cùng ngày, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án bảo tồn, tôn tạo thích nghi di tích Quốc Tử Giám - Kinh thành Huế.

Dự án được thông qua từ năm 2021, với tổng mức đầu tư hơn 60 tỷ đồng, nhằm bảo tồn, tu bổ các hạng mục công trình: Tam quan, Nữ tường, Di Luân Đường, 2 nhà học tả hữu, 2 nhà ở của các giám sinh, nhà trù và 2 Kiều gia tả hữu, trong khuôn viên tổng thể di tích Quốc Tử Giám.

Sau điều chỉnh, tổng mức đầu tư của dự án được nâng lên hơn 108 tỷ đồng, tăng khoảng 48 tỷ đồng so với chủ trương phê duyệt ban đầu.

Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng thay đổi phương án từ tu bổ cục bộ sang tu bổ tổng thể (hạ giải) đối với công trình chính Di Luân Đường; bổ sung các hạng mục nhà che bia Huỳnh Tự Thư Thanh và nội thất của Di Luân Đường, 2 nhà học tả hữu.

Dự án bảo tồn, tôn tạo thích nghi di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn thực hiện từ năm 2025 và hoàn thành sau 4 năm.

Văn Miếu và Quốc Tử Giám triều Nguyễn đều là những công trình tiêu biểu trong Quần thể kiến trúc Cố đô Huế. Việc sớm trùng tu đối với hai di tích này sẽ góp phần Bảo tồn và phát huy giá trị của di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa thế giới.

Di tích Văn Miếu hay Văn Thánh được xây dựng năm 1808 dưới triều vua Gia Long để thờ Khổng Tử và bốn vị Tứ Phối cùng những người có công trong việc phát triển đạo Nho.

Tại Văn Miếu còn có 32 tấm bia đá, khắc tên 293 vị Tiến sĩ triều Nguyễn, bắt đầu từ khoa thi đầu tiên năm Minh Mạng thứ 3 (1822) đến khoa thi cuối cùng vào năm Khải Định thứ 4 (1919).

Khu di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn được vua Gia Long cho xây dựng từ năm 1803 với tên gọi ban đầu là Đốc Học Đường, nằm cạnh Văn Miếu tại làng An Ninh Thượng, huyện Hương Trà. Tháng 3/1820, vua Minh Mạng đổi tên trường thành Quốc Tử Giám. Đây là trường đại học quốc gia do triều đình mở ra để đào tạo nhân tài cho đất nước.

Quốc Tử Giám cùng với hệ thống di tích cung đình triều Nguyễn đã được ghi tên vào danh mục di sản thế giới của UNESCO từ năm 1993.

Thủy Tiên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/trung-tu-lon-di-tich-van-mieu-va-quoc-tu-giam-trieu-nguyen-post325122.html
Zalo