Trung Quốc thành công hay thất bại sau 3 năm xóa ngành công nghiệp tỷ đô dạy thêm?
TRUNG QUỐC - Sau 3 năm thực hiện chính sách 'giảm kép', Bộ Giáo dục nước này cho biết, bước đầu thành công trên con đường cải cách nền giáo dục thi cử.
"Giảm kép" là chính sách do Bộ Giáo dục Trung Quốc đề xuất nhằm giảm gánh nặng cho học sinh. Chính sách được áp dụng từ tháng 10/2021, bắt đầu ở những thành phố: Bắc Kinh, Thượng Hải, Thành Đô, Quảng Đông và An Huy... Hiện, chính sách được áp dụng rộng rãi ở các quận, huyện Trung Quốc.
Chính sách quy định học sinh lớp 1,2 không cần làm bài tập về nhà bằng hình thức viết, chỉ đọc và tự ôn bài cũ. Đối với học sinh từ lớp 3 đến lớp 6, giáo viên chỉ giao bài tập đủ để các em hoàn thành trong một tiếng. Trong đó, việc dạy thêm, học thêm cũng bị quản lý nghiêm ngặt.
Báo cáo hồi tháng 1/2024 của Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết, sau 3 năm thực hiện, chính sách "giảm kép" bước đầu thành công. Cụ thể, chi phí phụ huynh đầu tư cho con vào tiếng Anh, Toán, tiếng Trung (Ngữ văn) giảm 40% so với trước. Thay vào đó, phụ huynh đẩy mạnh chi phí vào những hoạt động thể chất của con.
Tháng 6/2023, Cục Thống kê Trung Quốc khảo sát 236.000 học sinh, 272.000 phụ huynh, 4.577 hiệu trưởng và 79.000 giáo viên các tỉnh, về mức độ hài lòng của họ sau khi Bộ Giáo dục nước này ban hành chính sách "giảm kép". Kết quả cho thấy, trên 80% những người được hỏi bày tỏ sự hài lòng.
Tiếp nối thành công, tháng 2/2024, Bộ Giáo dục Trung Quốc công bố Dự thảo lấy ý kiến về Quy định quản lý đào tạo ngoài trường học (sau đây gọi tắt là dự thảo). Đây là dự thảo đầu tiên đánh dấu bước ngoặt trong việc tái cấu trúc ngành công nghiệp dạy thêm ở Trung Quốc. Thay vì đưa ra chính sách mới, dự thảo chủ yếu làm rõ yêu cầu các quy định hiện hành.
Trong dự thảo, định nghĩa "đào tạo ngoài trường học" được Bộ Giáo dục Trung Quốc làm rõ. Theo đó, đây là "hoạt động đào tạo giáo dục có tổ chức hoặc có hệ thống tiến hành bên ngoài trường học, hướng đến học sinh tiểu học và trung học cũng như trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi với mục đích cải thiện thành tích hoặc bồi dưỡng sở thích, năng khiếu của trẻ".
Điểm nổi bật, dự thảo quy định rõ thủ tục cấp phép và phê duyệt hoạt động dạy thêm ngoài trường học phải đáp ứng điều kiện tư cách pháp nhân. Trong đó, quy trình phê duyệt có thể khác nhau tùy thuộc vào bản chất của hoạt động dạy thêm.
Tại Điều 6 của dự thảo quy định cụ thể, các cơ sở dạy thêm phải có giấy phép hoạt động đào tạo ngoài trường học và đăng ký dưới danh nghĩa là tổ chức phi lợi nhuận. Việc dạy thêm trực tuyến cũng phải được cơ quan quản lý giáo dục cấp tỉnh/thành phố trở lên chấp thuận.
Ngoài ra, Điều 7 của dự thảo cũng yêu cầu các cơ sở dạy thêm đáp ứng điều kiện sau: Mô hình tổ chức, nguồn giáo viên, kinh phí, cơ sở vật chất và hệ thống quản lý. Một điểm khác cần lưu ý, tên của cơ sở dạy thêm phải có cụm từ "đào tạo" (tránh việc lợi dụng các cơ sở đào tạo để hoạt động thu phí).
Người đứng lớp tại các cơ sở dạy thêm bắt buộc là cử nhân sư phạm và đã có chứng chỉ hành nghề. Dự thảo tiếp tục nhấn mạnh việc nghiêm cấm tuyệt đối giáo viên đang công tác tại trường học tham gia dạy thêm dưới mọi hình thức.
Giáo viên đang công tác tại trường có thể dạy thêm nếu đạt đủ 5 điều kiện sau: Học sinh là người thân trong gia đình; Không thu phí; Mỗi buổi dạy không quá 5 học sinh; Hoạt động dạy thêm phải đăng ký, báo cáo và được sự cho phép của cơ quan quản lý giáo dục cấp tỉnh/thành phố trở lên; Cam kết việc dạy thêm không ảnh hưởng đến công việc chính. Nếu vi phạm các điều trên, giáo viên sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định hiện hành.
Dù Bộ Giáo dục Trung Quốc đã quyết liệt xử lý nghiêm vấn đề dạy thêm, song 3 năm qua, tình trạng dạy chui vẫn tồn tại dưới nhiều vỏ bọc tinh vi. Hiện, ở Trung Quốc không ít trung tâm khẳng định chỉ đào tạo nghệ thuật nhưng lại dạy tiếng Anh, Toán và Ngữ văn. Một số nơi tồn tại dưới danh nghĩa là "hiệu sách" để tổ chức hoạt động dạy thêm. Cá biệt nhiều giáo viên vẫn bất chấp lệnh cấm hành nghề trái phép.
Để giải quyết thực trạng trên, ngày 15/7 vừa qua, Bộ Giáo dục Trung Quốc tuyên bố bắt đầu xử lý triệt để tình trạng "treo đầu dê bán thịt chó", nhằm đảm bảo môi trường giáo dục cạnh tranh công bằng.
Đại diện đơn vị này cho hay: "Chúng tôi mong muốn tạo ra môi trường học tập lành mạnh và vui vẻ cho học sinh, để mỗi em đều có cơ hội tiếp cận nguồn lực giáo dục chất lượng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ chú trọng đến việc giải tỏa áp lực học tập và tăng cường sức khỏe tinh thần của học sinh. Đồng thời, hoàn thiện chính sách giáo dục để phù hợp với sự phát triển của xã hội và nhu cầu đa dạng của học sinh".
Sau hàng loạt những động thái mạnh của Bộ Giáo dục Trung Quốc trong việc cấm dạy thêm, học thêm, nhiều phụ huynh nước này ủng hộ. Tuy nhiên, vẫn có một số phụ huynh lo con bị tụt hậu nên chấp nhận chi từ 1.000 đến 2.000 NDT/giờ (3,4-4,1 triệu đồng) cho con học thêm. Thậm chí, tại các thành phố Bắc Kinh và Thượng Hải dịch vụ học thêm chui có giá "cắt cổ" lên đến 3.000 NDT/giờ (10,4 triệu đồng).
Để thực hiện nghiêm chỉnh chính sách "giảm kép", tháng 7/2023, Trung Quốc còn ra mắt nền tảng quản lý quốc gia để tăng cường kiểm soát tình trạng dạy thêm, học thêm. Bộ Giáo dục nước này cũng đề nghị các địa phương trấn áp hoạt động dạy thêm chui trong kỳ nghỉ hè và nghỉ đông dưới dạng dịch vụ thuê giúp việc hoặc đi dã ngoại.
Những địa điểm như trung tâm thương mại, khách sạn, căn hộ chung cư và quán nước núp bóng dạy thêm cần tăng cường kiểm tra.