Trung Quốc thăm dò phản ứng của Mỹ với các đồng minh ở Biển Đông

Theo các chuyên gia, chính quyền Trung Quốc có thể sử dụng tình hình căng thẳng ở Biển Đông để đánh giá phản ứng của Mỹ đối với các đồng minh của Washington.

Một trong các vụ "đụng độ" giữa tàu Trung Quốc và tàu Philippines gần đây trên Biển Đông. (Nguồn: Reuters)

Một trong các vụ "đụng độ" giữa tàu Trung Quốc và tàu Philippines gần đây trên Biển Đông. (Nguồn: Reuters)

Căng thẳng ở Biển Đông gia tăng sau nhiều cuộc đối đầu giữa các tàu của Trung Quốc và Philippines trên tuyến đường biển quan trọng này trong những tháng gần đây.

Theo các chuyên gia, chính quyền Trung Quốc có thể thông qua tình hình căng thẳng ở Biển Đông để đánh giá phản ứng của Mỹ đối với các đồng minh của Washington khi chính quyền này tăng cường hoạt động quân sự trên tuyến đường vốn rất quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu này.

Bà June Teufel Dreyer, chuyên gia về mối quan hệ Mỹ-Trung và là Giáo sư Khoa Chính trị học tại Đại học Miami (Mỹ) lưu ý rằng chính quyền Trung Quốc từ lâu đã tìm cách gây sức ép đối với Philippines. Phát biểu với The Epoch Times ngày 22/6, bà Dreyer chia sẻ: "Trung Quốc đã gây áp lực, thúc ép Philippines trong một thời gian dài".

Cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Roa Duterte theo đuổi chính sách thân Trung Quốc và thay đổi lập trường với Mỹ khá nhiều lần, dẫn đến quan hệ giữa Philippines và Mỹ xấu đi. Nhưng điều đó đã thay đổi vào năm 2022 khi ông Ferdinand Marcos Jr. nhậm chức Tổng thống.

Mặc dù ông Marcos muốn thay đổi chính sách của người tiền nhiệm, song bà Teufel Dreyer cảnh báo rằng ông Marcos có rất ít nguồn lực để thực hiện điều đó. Bà Teufel Dreyer nói: "Ông Marcos thực sự muốn. Nhưng ông ấy có rất ít phương tiện để làm điều đó. Và ông ấy cũng không chắc mình có thể tin tưởng Mỹ ở mức độ nào, bởi vì Mỹ có liên quan, mặc dù không chính thức tham gia cuộc xung đột ở Ukraine cũng như một cuộc chiến khác của Israel chống lại Hamas".

Trong khi đó, ông Srikanth Kondapalli, Trưởng khoa Nghiên cứu quốc tế và là Giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi (Ấn Độ) đã mô tả chiến lược của Trung Quốc là “hai hướng”. Một mặt, Bắc Kinh gây áp lực “qua các cuộc tập trận quân sự ở bên ngoài”. Mặt khác, Bắc Kinh tìm cách gây áp lực bằng “các hoạt động gây ảnh hưởng” trong nội bộ nước khác.

(the epochtimes.com)

Nhất Phong

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/trung-quoc-tham-do-phan-ung-cua-my-voi-cac-dong-minh-o-bien-dong-276970.html
Zalo