Trung Quốc siết chặt phim lịch sử 'thần thánh hóa'
Trong bối cảnh kỷ niệm 80 năm kết thúc Thế chiến II, làn sóng phim ngắn và web drama về đề tài chống Nhật đang bùng nổ tại Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều tác phẩm bị chỉ trích vì 'thần thánh hóa' nhân vật, biến lịch sử thành phim siêu anh hùng.
Mới đây, Tổng cục Phát thanh và Truyền hình Trung Quốc đã ra chỉ đạo siết chặt quản lý, yêu cầu loại bỏ những nội dung phi logic, phản khoa học, nhằm bảo vệ tính chân thực lịch sử và định hướng tư duy cho giới trẻ.

Phim "Kháng Nhật kỳ hiệp" có cảnh nam chính ngồi trên nóc nhà, giơ quạt, hàng chục đối thủ ngã lăn, sau đó nam chính nằm lên mái nhà phẩy quạt. Ảnh: Bilibili
Lệnh cấm phim lịch sử "phi logic"
Theo thông tin từ Hongxing News, ngày 21.7, Tổng cục Phát thanh và Truyền hình Trung Quốc đã ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị sản xuất, nền tảng phát sóng tăng cường kiểm duyệt phim ngắn và web drama về đề tài kháng chiến chống Nhật.
Động thái này được đưa ra nhằm chấn chỉnh tình trạng các bộ phim lịch sử bị biến tấu quá mức, khiến khán giả có cảm giác đang xem phim thần thoại hoặc siêu anh hùng thay vì tác phẩm dựa trên sự kiện có thật.
Cụ thể, cơ quan quản lý phê phán một số phim có nội dung "phi logic", như nhân vật chính sở hữu sức mạnh siêu nhiên, một mình đánh bại hàng trăm quân địch, hoặc những phân cảnh võ thuật phô diễn kỹ xảo thái quá, đi ngược lại kiến thức quân sự cơ bản.
Ngoài ra, nhiều tác phẩm còn bị cho là "ấu trĩ" khi xây dựng hình tượng kẻ thù yếu ớt, ngờ nghệch, làm giảm tính chân thực của lịch sử.
Tại sao Trung Quốc quyết liệt với phim "thần thánh hóa"?
Lý do chính khiến giới chức Trung Quốc mạnh tay kiểm soát thể loại phim này là để bảo vệ giá trị lịch sử và định hướng tư duy cho thế hệ trẻ.
Theo Tổng cục Phát thanh và Truyền hình, việc xem những bộ phim khoa trương, thiếu cơ sở thực tế có thể khiến khán giả, đặc biệt là thanh thiếu niên, hiểu sai về quá khứ, từ đó hình thành nhận thức lệch lạc.
Bên cạnh đó, đây cũng là động thái nhằm nâng cao chất lượng nội dung giải trí, tránh tình trạng các nhà sản xuất lạm dụng yếu tố giật gân để câu view mà bỏ qua tính nghệ thuật và giá trị giáo dục.
Trước đó, nhiều nền tảng như Douyin đã gỡ hàng trăm phim ngắn vi phạm quy định, đồng thời tuyên bố không dung thứ cho nội dung độc hại hoặc có định hướng sai lệch.
Để quản lý hiệu quả hơn, Tổng cục Phát thanh và Truyền hình đã chia phim ngắn thành ba nhóm dựa trên mức đầu tư: Phim trọng điểm: Có kinh phí trên 1 triệu NDT (khoảng 3,6 tỉ đồng), do Tổng cục trực tiếp quản lý; Phim phổ thông: Vốn đầu tư từ 300.000 - 1 triệu NDT, thuộc thẩm quyền của cơ quan cấp tỉnh; Phim tự sản xuất: Ngân sách dưới 300.000 NDT, do các nền tảng tự kiểm duyệt.
Theo 21st Century Business Herald, thị trường phim ngắn tại Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ, đạt doanh thu 50,5 tỷ NDT (6,9 tỷ USD) vào năm ngoái, tăng gần 35% so với 2023.
Dự kiến đến năm 2027, con số này sẽ vượt 100 tỷ NDT (13,7 tỷ USD). Đáng chú ý, số lượng người dùng xem phim ngắn đã lên tới 570 triệu, trong đó hơn 36% có thói quen xem hàng ngày.
Tương lai của phim lịch sử Trung Quốc
Việc siết chặt quản lý phim lịch sử cho thấy Trung Quốc đang cân nhắc giữa yếu tố giải trí và trách nhiệm xã hội. Mặc dù các quy định mới có thể hạn chế sự sáng tạo của nhà làm phim, nhưng chúng cũng góp phần định hình một nền điện ảnh nghiêm túc hơn, tôn trọng sự thật lịch sử.
Trong tương lai, khán giả có thể sẽ thấy ít hơn những cảnh "một người đánh bại trăm quân" hay "võ công thần kỳ", thay vào đó là những tác phẩm chân thực, có chiều sâu, giúp người xem hiểu rõ hơn về quá khứ hào hùng của dân tộc.
Đây không chỉ là bài toán quản lý của chính phủ, mà còn là thách thức đối với các nhà sản xuất trong việc cân bằng giữa nghệ thuật và thương mại.