Trung Quốc ra mắt 'quân đoàn muỗi máy' 0,3 gram – vũ khí cho chiến trường hiện đại

Trung Quốc vừa khiến giới công nghệ quân sự thế giới bất ngờ khi công bố một loại máy bay không người lái siêu nhỏ nặng chỉ 0,3 gram, nhưng sở hữu khả năng trinh sát, tấn công và tác chiến bầy đàn mạnh mẽ.

Sản phẩm UAV nano "muỗi máy" của Đại học Khoa học Quốc phòng Trung Quốc. Ảnh: NetEase.

Sản phẩm UAV nano "muỗi máy" của Đại học Khoa học Quốc phòng Trung Quốc. Ảnh: NetEase.

Chiến trường vi mô – thiết bị cấp độ nano ra đời

Trong một cuộc thử nghiệm mô phỏng thực chiến được thực hiện vào rạng sáng, một nhóm UAV siêu nhỏ mô phỏng hình dạng con muỗi đã vượt qua lớp phòng thủ dày đặc tại một cơ sở hạt nhân. Chúng nhẹ nhàng lướt qua anten radar đang xoay, né tránh tia quét hồng ngoại, rồi đột nhập vào phòng điều khiển trung tâm và truyền hình ảnh trực tiếp về trung tâm chỉ huy cách đó 200 km. Điều đáng nói, hệ thống phòng thủ không hề phát hiện ra bất kỳ điều gì bất thường.

Theo giới thiệu của Đại học Khoa học Quốc phòng Trung Quốc – nơi phát triển thiết bị này – đây là thành tựu công nghệ chưa từng có tiền lệ: một UAV mô phỏng sinh học có trọng lượng chỉ 0,3 gram, dài 2 cm, sải cánh 3 cm, nặng đúng 0,3 gram. Khung xương “muỗi” làm bằng sợi carbon nano, mảnh hơn tóc người 50 lần, khớp hợp kim titan siêu nhỏ, vẫn ổn định dù rung với tần suất cao.

 Muỗi máy phỏng sinh. Ảnh: NetEase.

Muỗi máy phỏng sinh. Ảnh: NetEase.

Bảy mô-đun cốt lõi trong một sinh vật “muỗi nhân tạo” này bao gồm: Hệ thống bay mô phỏng sinh học, cánh đập 500 lần/giây; độ ồn < 25 decibel (nhỏ hơn tiếng thì thầm); có thể lơ lửng ổn định trong gió cấp 8; cảm biến lượng tử: Phát hiện chính xác nguồn nhiệt cơ thể người ở khoảng cách 30 cm; Pin siêu nhỏ năng lượng cao: Pin film thể rắn hoạt động liên tục 30 phút, có thể sạc qua laser trong 20 giây để bay tiếp 15 phút…

Tất cả được tích hợp trong không gian chỉ bằng móng tay nhờ công nghệ quang khắc và chiếu chùm điện tử ở độ chính xác 50 nanomet. Hệ thống cơ điện vi mô (MEMS) tích hợp cảm biến, bộ xử lý và module truyền thông thành một khối – như tác phẩm điêu khắc siêu nhỏ.

Khi “muỗi máy” trà trộn vào đàn muỗi thật, mắt thường và radar đều không thể phân biệt – khái niệm “tàng hình” trên chiến trường bị phủ nhận hoàn toàn.

Sức mạnh vi mô

Theo truyền thông Trung Quốc, giá trị quân sự của “muỗi UAV” không chỉ ở kích thước, mà còn ở việc nó mở ra một không gian tác chiến hoàn toàn mới – “chiến trường vi mô” mà các hệ thống phòng thủ truyền thống hoàn toàn bất lực.

Sự tham dự của nó bắt đầu cuộc “cách mạng” về trinh sát: UAV truyền thống bị phát hiện tới 78%, nhưng “muỗi UAV” với khả năng ngụy trang sinh học có thể trà trộn vào muỗi thật để trinh sát. Theo số liệu diễn tập năm 2023 của quân đội nước ngoài, trong môi trường phức tạp, tỷ lệ thành công của UAV cỡ siêu nhỏ lên tới 92%.

 Bọ hung máy phỏng sinh. Ảnh: NetEase.

Bọ hung máy phỏng sinh. Ảnh: NetEase.

Thiết bị này được trang bị cảm biến lượng tử hồng ngoại, có khả năng nhận diện nguồn nhiệt cơ thể người ở khoảng cách 30 cm, kết hợp với các cảm biến siêu nhỏ để thực hiện trinh sát đa mô hình như tạo ảnh nhiệt hồng ngoại, nhận dạng giọng nói theo âm sắc. Nhờ những khả năng này, thiết bị có thể thực hiện nhiệm vụ thâm nhập tại các khu vực nhạy cảm cao như cơ sở hạt nhân, len lỏi qua khe cửa hoặc đường ống để tiếp cận không gian bên trong được bảo vệ nghiêm ngặt.

Sự xuất hiện của chế độ tác chiến theo “bầy đàn” càng làm đảo lộn các quy tắc chiến trường. Nhờ hệ thống AI “bộ não bầy đàn”, 50 chiếc UAV có thể tự động hình thành đội hình chỉ trong 5 giây và xây dựng mô hình 3D có độ chính xác cao cho khu vực có kích thước bằng một sân bóng đá trong vòng 3 phút. Thuật toán trí tuệ tập thể giúp chúng có khả năng ra quyết định phân tán; khi tín hiệu GPS bị gây nhiễu, bầy UAV vẫn có thể định vị thông qua nhận dạng địa hình và định vị lẫn nhau để tiếp tục nhiệm vụ, hiện thực hóa hình thức tác chiến phi tập trung.

Ngoài chức năng trinh sát, dòng UAV này còn được trang bị khả năng tấn công theo mô-đun. Thông qua việc tích hợp các thiết bị nổ cỡ nano hoặc hệ thống phát tán chế phẩm sinh học, nó có thể thực hiện các đòn tấn công chính xác vào thiết bị điện tử trọng yếu và trung tâm chỉ huy. Mô hình tác chiến kết hợp giữa “bầy đàn + siêu nhỏ” này sẽ tạo ra bước nhảy vọt về năng lực cảm nhận tình hình chiến trường và khả năng tấn công chính xác.

 Ong máy phỏng sinh. Ảnh: NetEase.

Ong máy phỏng sinh. Ảnh: NetEase.

Lưỡng dụng quân, dân sự: Sứ mệnh kép của UAV siêu nhỏ

Mặc dù ra đời trong phòng thí nghiệm quân sự, chiếc UAV "muỗi" này đã nhanh chóng vượt ra khỏi ranh giới chiến trường, cho thấy tiềm năng ứng dụng to lớn trong các lĩnh vực dân sự.

Trong các tình huống cứu hộ sau thảm họa, UAV này có thể len vào các khe hẹp trong công trình bị sập hoặc không gian chật hẹp, xác định vị trí chính xác, nhận biết dấu hiệu sự sống của nạn nhân. Trong cuộc diễn tập động đất tại Hồ Nam năm 2025, nguyên mẫu thiết bị đã định vị thành công toàn bộ người bị nạn mô phỏng trong đống đổ nát, nâng hiệu quả tìm kiếm cứu hộ lên gấp 4 lần.

Trong lĩnh vực giám sát nông nghiệp, những "vệ binh siêu nhỏ" này có thể bay sát mặt ruộng, quan sát kỹ tình trạng sinh trưởng của cây trồng và phát hiện sớm sâu bệnh. Nhờ cảm biến quang phổ đa dải, thiết bị có thể phát hiện sự thay đổi nồng độ diệp lục, đưa ra cảnh báo trước khoảng hai tuần khi cây chưa có biểu hiện bệnh rõ rệt bằng mắt thường, mở ra hướng tiếp cận hoàn toàn mới cho nông nghiệp.

Ở các khu vực nguy hiểm, UAV có thể dễ dàng xâm nhập vào đường ống ngầm, hầm tàu điện ngầm – những nơi con người khó tiếp cận – để kiểm tra rò rỉ khí gas, dây điện xuống cấp và các nguy cơ tiềm ẩn khác. Theo kết quả thử nghiệm của Tập đoàn khí đốt Bắc Kinh, hiệu suất kiểm tra bằng UAV siêu nhỏ cao gấp 15 lần so với kiểm tra thủ công, đồng thời loại bỏ hoàn toàn rủi ro cho con người.

Trong lĩnh vực nghiên cứu sinh thái, UAV ngụy trang dưới hình dạng côn trùng có thể hòa vào bầy ong hoặc đàn chim, ghi lại lộ trình di cư và hành vi xã hội của chúng mà không làm xáo trộn môi trường tự nhiên. Viện nghiên cứu sinh thái thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đang lên kế hoạch sử dụng công nghệ này để theo dõi đường bay di cư của chim di trú và làm sáng tỏ cơ chế lây lan của cúm gia cầm.

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/trung-quoc-ra-mat-quan-doan-muoi-may-03-gram-vu-khi-cho-chien-truong-hien-dai-post187212.html
Zalo