Trung Đông sau 5 năm Hiệp định Abraham

Đã gần 5 năm kể từ khi Hiệp định Abraham được ký kết, hòa bình vẫn chưa thể đến với Trung Đông như kỳ vọng.

Hiệp định Abraham - do Israel với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Morocco và Bahrain ký kết 5 năm trước còn được gọi là một “hiệp định hòa bình” khi mục đích hướng tới bình thường hóa quan hệ giữa Israel với khối các nước Ả Rập.

Trong bức thư gửi Ủy ban Nobel tại Na Uy ngày 8-7, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng đã hết lời ca ngợi hiệp định là những “bước đột phá” đã “tái định hình Trung Đông,” mang lại “tiến bộ mang tính lịch sử hướng tới hòa bình, an ninh và ổn định khu vực".

Tuy nhiên, Trung Đông thời gian qua trên thực tế dường như không hề cảm nhận được bất kỳ tiến bộ nào như vậy và giới quan sát đã đặt ra câu hỏi về tác động thực sự của Hiệp định Abraham đến khu vực nhiều bất ổn này, theo tờ The New York Times.

Hiệp định và hòa bình

Trong một bài phân tích cho tổ chức nghiên cứu chính sách đối ngoại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (CEIP - Mỹ), cố vấn về kinh tế và chiến lược người Pháp Alexandre Kateb đã đánh giá Hiệp định Abraham được ký tại Nhà Trắng vào ngày 15-9-2020 là một cột mốc quan trọng trong ngoại giao Trung Đông của Mỹ.

Mục tiêu bao quát của hiệp định là làm dịu căng thẳng ở khu vực Trung Đông thông qua việc bình thường hóa quan hệ giữa Israel và một số quốc gia Ả Rập ôn hòa. Đổi lại, các quốc gia này sẽ được tiếp cận với công nghệ tiên tiến và cơ hội thương mại mới với Israel.

 Đoàn doanh nhân Israel tham quan khu tài chính của TP Dubai (UAE) tháng 11-2020, gần 2 tháng sau khi Hiệp định Abraham được ký kết. Ảnh: Dan Balilty/ THE NEW YORK TIMES

Đoàn doanh nhân Israel tham quan khu tài chính của TP Dubai (UAE) tháng 11-2020, gần 2 tháng sau khi Hiệp định Abraham được ký kết. Ảnh: Dan Balilty/ THE NEW YORK TIMES

Theo ông Kateb, cảm hứng cho Hiệp định Abraham xuất phát từ ý tưởng rằng địa kinh tế có thể làm dịu căng thẳng địa chính trị thông qua việc cung cấp các động lực tài chính và kinh tế, nhằm vượt qua những cuộc xung đột tưởng chừng không thể giải quyết.

Các quan chức và nghị sĩ Mỹ cũng đã mô tả Hiệp định Abraham là bước ngoặt có tiềm năng làm thay đổi Trung Đông.

“Hiệp định Abraham hiện đã góp phần thúc đẩy kinh tế của cả bốn quốc gia và giúp họ phối hợp cùng nhau [...] chúng ta có thể củng cố những mối quan hệ được nuôi dưỡng bởi hiệp định và mở rộng chúng đến những quốc gia mới”- Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Jacky Rosen phát biểu trong chuyến thăm tháng 1-2023 đến 4 quốc gia đã ký, theo tờ The Times of Israel.

Quả thật, hiệp định này đã tạo điều kiện cho du khách và nhà đầu tư Israel đổ vào Dubai - thành phố lớn nhất của UAE. Các công ty công nghệ và năng lượng Israel cũng đã ký nhiều hợp đồng mới với các đối tác tại quốc gia Trung Đông này.

“Lợi ích từ hòa bình mà chúng ta thiết lập hôm nay sẽ là vô cùng to lớn. Cuối cùng, điều này có thể chấm dứt xung đột Ả Rập - Israel một lần và mãi mãi” - Thủ tướng Netanyahu phát biểu tại lễ ký Hiệp định Abraham ở Nhà Trắng (Mỹ) ngày 15-9-2020.

Những thiếu sót

Tuy nhiên, các học giả nghiên cứu về khu vực Trung Đông đánh giá việc gọi Hiệp định Abraham là “hiệp định hòa bình” chỉ mang tính quảng bá, bởi thực tế các bên tham gia ký kết vốn không hề có xung đột đáng kể trong lịch sử.

Chưa từng có bất kỳ hành động bạo lực nào giữa Israel và UAE hoặc Bahrain. Morocco cũng gần như không tham gia vào các cuộc xung đột trong lịch sử giữa các nước Ả Rập với Israel, ngoại trừ việc cử một lực lượng tượng trưng tham chiến vào năm 1973 - tức hơn 50 năm trước.

Ngoài ra, Israel và một số quốc gia vùng Vịnh vốn đã có hợp tác thương mại và an ninh ngầm trong quá khứ. Do đó, hiệp định này được đánh giá là chỉ đơn giản hợp thức hóa những mối quan hệ đó và mở rộng chúng hơn nữa.

“Hòa bình chẳng liên quan gì ở đây cả. Hòa bình chỉ là cách người ta quảng bá và tiếp thị nó. Nhưng điều đó không có nghĩa là cách hiểu đó có ý nghĩa. Đây không phải là một hiệp định để kết thúc chiến tranh” - ông Hussein Ibish, học giả cấp cao tại tổ chức nghiên cứu Viện Các quốc gia Vùng Vịnh Ả Rập tại Washington (AGSIW - Mỹ), nhận xét về hiệp định này.

Các học giả cũng chỉ ra rằng Hiệp định Abraham đã phớt lờ xung đột Israel-Palestine, cuộc xung đột mang tính cốt lõi tại khu vực Trung Đông.

 Một nhà hàng gần TP Gaza chỉ còn lại đống đổ nát sau các cuộc không kích của Israel tháng 6-2025. Ảnh: Saher Alghorra/The New York Times

Một nhà hàng gần TP Gaza chỉ còn lại đống đổ nát sau các cuộc không kích của Israel tháng 6-2025. Ảnh: Saher Alghorra/The New York Times

Ông Abdulaziz Alghashian, học giả thỉnh giảng cấp cao tại Diễn đàn Quốc tế Vùng Vịnh (GIF - Mỹ) đánh giá chính vì điều này mà cụm từ “hòa bình khu vực” dành cho Hiệp định Abraham đã trở thành một khái niệm mơ hồ.

“Ai là người thực sự liên quan trong cái gọi là ‘hòa bình khu vực’ này?” - ông đặt câu hỏi.

Ông Marc Lynch - GS khoa học chính trị và quan hệ quốc tế tại ĐH George Washington (Mỹ) - nhận định rằng việc xây dựng Hiệp định Abraham mà bỏ qua vấn đề Palestine “luôn là một sai lầm, cuộc chiến tại Dải Gaza chứng minh điều đó là một sai lầm cũng không gây ngạc nhiên”.

Ông Alghashian cũng nhấn mạnh các quan chức Ả Rập đã từ lâu đã cảnh báo rằng vấn đề Palestine là một “quả bom nổ chậm” và khu vực không thể tiến lên phía trước nếu không giải quyết được nó.

Trước sự kiện nhóm vũ trang Hamas tấn công Israel ngày 7-10-2023, điều đó vẫn còn là một “mối lo lý thuyết”, nhưng giờ đây, nó đã trở thành nỗi lo ngại hiện hữu rõ ràng.

Thực tế khác biệt

Kết quả là, bất chấp những tuyên bố của các bên về Hiệp định Abraham 5 năm về trước, đến nay hòa bình và thịnh vượng vẫn chưa tràn ngập Trung Đông như kỳ vọng.

Ngày 13-6, Israel đã bất ngờ tấn công Iran, đẩy hai nước vào tình thế chiến tranh kéo dài 12 ngày với hàng loạt các vụ không kích và phóng tên lửa nhằm vào hai bên.

Ngày 6-7, nhóm vũ trang Houthis (Yemen) đã nối lại hoạt động tấn công tàu chở hàng đi qua Biển Đỏ và đã đánh chìm tàu Magic Seas thuộc sở hữu của Hy Lạp. Đến ngày 9-7, Houthis tiếp tục tấn công và đánh chìm tàu Eternity C, khiến 4 thủy thủ thiệt mạng và 11 người mất tích, theo hãng tin Reuters.

Cho đến nay, quân đội Israel vẫn tiếp tục không kích dữ dội Dải Gaza gây thương vong lớn mỗi ngày. Các nhóm y tế tại Gaza thuộc cơ quan Liên Hợp Quốc về người tị nạn Palestine - UNRWA cảnh báo rằng tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng đang gia tăng tại Dải Gaza, trong bối cảnh Israel vẫn tăng cường tấn công tại khu vực này.

 Tên lửa bay trên bầu trời Ashkelon (Israel), trong cuộc chiến tranh kéo dài 12 ngày giữa Israel và Iran tháng 6-2025. Ảnh: Saher Alghorra/The New York Times

Tên lửa bay trên bầu trời Ashkelon (Israel), trong cuộc chiến tranh kéo dài 12 ngày giữa Israel và Iran tháng 6-2025. Ảnh: Saher Alghorra/The New York Times

Việc Israel chiếm đóng Bờ Tây vẫn ngày càng nghiêm trọng chứ không hề giảm bớt như phía UAE từng hy vọng khi ký hiệp định. Triển vọng về một nhà nước Palestine tại Bờ Tây và Dải Gaza của các nước Ả Rập hiện nay mờ mịt hơn bao giờ hết.

Israel đang duy trì không kích mạnh nhằm vào lực lượng chính phủ Syria ở khu vực tây nam nước này và cả thủ đô Damascus, trong bối cảnh các cuộc đụng độ giáo phái leo thang tại Syria.

Tình hình Trung Đông nóng lên như trên đã khiến các nước khác trong khu vực nghi ngờ tính hiệu quả của Hiệp định Abraham. Cho đến nay vẫn chưa có thêm quốc gia ký kết Hiệp định Abraham, dù các quan chức Mỹ và Israel liên tục bày tỏ mong muốn và kỳ vọng.

Điều này sẽ càng thêm khó nếu cuộc chiến ở Dải Gaza vẫn cứ tiếp tục như hiện nay, theo các nhà quan sát. “Trong nội bộ vùng Vịnh, sẽ không có chuyện hiệp định này được mở rộng - ít nhất là theo khuôn khổ hiện tại của Hiệp định Abraham” - theo ông Alghashian.

TRỌNG TẤN

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/trung-dong-sau-5-nam-hiep-dinh-abraham-post860769.html
Zalo