'Trồng rừng không đốt' để phát triển rừng bền vững

Đối với người trồng rừng, việc xử lý thực bì sau khai thác rừng bằng cách sử dụng lửa để đốt là thói quen phổ biến. Tuy nhiên, ngoài một vài cái lợi trước mắt, thói quen này lại gây ra nhiều hệ lụy, lãng phí như gây nguy cơ cháy rừng, ảnh hưởng để hệ vi sinh vật trong đất và gây ô nhiễm môi trường. Do vậy, để phát triển rừng bền vững, cần phải chuyển đổi sang phương pháp xử lý thực bì an toàn hơn.

Phần lớn người trồng rừng vẫn xử lý thực bì bằng phương pháp đốt.

Phần lớn người trồng rừng vẫn xử lý thực bì bằng phương pháp đốt.

Là một trong những người trồng rừng thâm niên tại xã Hiếu Giang, từ hơn 10 năm nay ông Lê Tài Hạnh đã không còn sử dụng phương pháp đốt thực bì sau mỗi chu kỳ khai thác rừng. Thay vào đó, ông thuê máy vào múc gốc cũ, xới đất để trồng lại. Theo ông Hạnh, đốt thực bì không chỉ gây khói bụi, ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng, phá vỡ cấu trúc đất, tiêu diệt hệ sinh vật trong lòng đất, mà còn khiến năng suất rừng trồng giảm rõ rệt.

“Đây không chỉ là quy định bắt buộc đối với rừng trồng tham gia chứng chỉ FSC mà qua theo dõi, việc không đốt thực bì cũng giúp năng suất rừng trồng tăng từ 15-25%”, ông Hạnh khẳng định.

Giám đốc Hợp tác xã Thủy Đông, xã Hiếu Giang Nguyễn Văn Lục cho hay, lâu nay do tập quán trồng rừng với mật độ dày, lên tới 5.000-6.000 cây/ha nên sau khi khai thác keo bán gỗ dăm, người trồng rừng thường đốt thực bì để dọn sạch vườn rừng nhằm thuận tiện cho việc sử dụng máy móc để đào hố trồng mới.

Mặt khác, theo quan niệm của người trồng rừng thì việc đốt thực bì sẽ cung cấp thêm một phần phân bón cho đất. Tuy nhiên, theo ông Lục, quan niệm ấy là không đúng vì qua theo dõi thực tế, việc đốt thực bì rồi trồng lại rừng cho năng suất và chất lượng gỗ thấp hơn so với rừng không đốt thực bì.

Ngoài ra, việc xử lý thực bì bằng cách đốt nếu thiếu kiểm tra, giám sát chặt chẽ của chủ rừng và cơ quan chức năng rất dễ xảy ra tình trạng cháy lan, gây thiệt hại nghiêm trọng đến rừng trồng và ảnh hưởng đến môi trường. “Việc đốt thực bì sẽ đốt cháy lượng hữu cơ trên mặt đất, làm hệ vi sinh vật trong đất bị tiêu diệt, đất khô cằn. Còn nếu không đốt thì lượng chất hữu cơ sau mỗi chu kỳ khai thác sẽ được giữ lại, phân hủy thành chất dinh dưỡng cho cây, giữ ẩm cho rừng, làm đất đai tơi xốp”, ông Lục chia sẻ.

Toàn tỉnh Quảng Trị (cũ) hiện có hơn 249.000ha diện tích rừng, trong đó, diện tích rừng trồng là gần 122.300ha với các loài cây chủ yếu như keo, thông, trẩu. Rừng không những cung cấp gỗ và lâm sản ngoài gỗ mà còn cung cấp cho xã hội một môi trường sống trong lành, hạn chế thiên tai, dịch bệnh, khí hậu nóng lên.

Tuy nhiên, rất nhiều chủ rừng hiện nay vẫn dùng cách đốt để xử lý thực bì trước khi trồng rừng, kể cả một số người biết rằng đốt thực bì là gây hại cho đất, cho môi trường, có thể gây cháy rừng và tăng phát thải khí các bon. Thực tế trong những năm qua, đã xảy ra một số vụ cháy rừng trồng do chủ rừng lơ là gây cháy lan khi đốt dọn thực bì để trồng rừng.

Việc đốt thực bì trước khi trồng rừng tiềm ẩn nguy cơ cháy lan ra các khu rừng xung quanh.

Việc đốt thực bì trước khi trồng rừng tiềm ẩn nguy cơ cháy lan ra các khu rừng xung quanh.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Phan Văn Phước thông tin, hàng năm toàn tỉnh Quảng Trị (cũ) trồng mới khoảng 8.000-10.000ha rừng, trong đó ước tính có khoảng 70-90% diện tích trên được xử lý bằng cách đốt thực bì trước khi trồng lại rừng.

Qua trao đổi, mặc dù người dân vẫn nhận thức được tác hại của việc đốt thực bì sau khai thác, như: Làm giảm độ phì của đất; dễ bị rửa trôi, xói mòn khi mưa; gây khói bụi; nguy cơ cháy lan sang rừng của người khác... nhưng vẫn thực hiện do đây là phương pháp giúp xử lý đất đai và trồng lại dễ dàng hơn, chi phí ban đầu thấp.

Thực tế cho thấy, việc đốt thực bì sau khai thác rừng trồng là nguyên nhân phổ biến gây ra các vụ cháy lan ra các đám rừng xung quanh trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Bên cạnh đó, sự sinh trưởng của cây rừng ngày càng kém cũng do quá trình đốt thực bì đã làm đất đai bị nung nóng, trơ trụi, hệ sinh thái động, thực vật có lợi trong đất bị tiêu diệt, giảm khả năng thấm nước, giữ nước và tơi xốp đất, mất lớp đất mặt, lớp mùn khi gặp mưa...

“Ngoài ra, với diện tích khai thác từ 8.000-10.000ha/năm, năng suất bình quân từ 100-120 tấn/ha thì nếu xử lý thực bì bằng phương pháp đốt thực bì để trồng lại rừng, ước tính mỗi năm sẽ phát thải khoảng từ 480.000-600.000 tấn carbon”, ông Phước ước tính.

Theo ông Phước, để hướng tới phát triển xanh, bền vững trong lâm nghiệp, giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường khả năng hấp thụ carbon từ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, ngành Nông nghiệp và Môi trường đang triển khai việc quản lý thực bì sau khi khai thác rừng trồng theo phương pháp thu gom, phát dọn tại chỗ, không đốt thực bì.

Mục tiêu bình quân mỗi năm có khoảng 2.000-3.000 ha diện tích trồng lại rừng sau khai thác bằng phương pháp không đốt vật liệu hữu cơ nhằm hướng tới phát triển rừng thân thiện với môi trường, phù hợp xu hướng phát triển của thế giới, đáp ứng mục tiêu phát triển rừng bền vững, góp phần nâng cao giá trị rừng trồng, ổn định cuộc sống của người trồng rừng và đóng góp vào lộ trình giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam.

Có khoảng 500 ha rừng trồng sau khai thác bằng phương pháp không đốt vật liệu hữu cơ sẽ được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Giảm lượng carbon phát thải vào khí quyển khoảng 60 tấn/ha. Giảm số vụ cháy rừng do xử lý thực bì bằng phương pháp đốt thực bì trước khi tiến hành trồng lại rừng sau khai thác trên địa bàn tỉnh.

“Để thực hiện mục tiêu trên, sở đã yêu cầu các chủ rừng lớn, hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng, các doanh nghiệp, HTX trồng rừng tổ chức thực hiện tốt phương án quản lý rừng bền vững đã được phê duyệt. Xem việc quản lý thực bì sau khi khai thác rừng trồng bằng phương pháp thu gom, phát dọn tại chỗ, không đốt là một trong những hoạt động quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, góp phần phòng cháy chữa cháy rừng, bảo vệ đất, bảo tồn đa dạng sinh học và chống biến đổi khí hậu.

Đối với rừng trồng của người dân, tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức việc quản lý thực bì sau khai thác rừng để Nhân dân được biết và tham gia. Qua đó, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo việc làm, tăng thu nhập và bảo vệ môi trường sinh thái”, ông Phước cho biết thêm.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/trong-rung-khong-dot-de-phat-trien-rung-ben-vung-195502.htm
Zalo